Nguyên nhân chính của việc ngăn cản này được cho là do dự án được thay đổi phương án thi công, vận chuyển cát bùn thải nhưng không thông báo cho người dân, gây sự lo lắng về an toàn cho các công trình nhà ở sau này.
Nạo vét để phục vụ nông nghiệp
Theo ông Hồ Cước (tổ 5, thôn Bàn Nam), trước đây ông và người dân có tham dự cuộc họp để nghe chính quyền xã Duy Châu trình bày về việc triển khai nạo vét luồng nước về trạm bơm Cù Bàn, phục vụ tưới tiêu trên cánh đồng thôn Bàn Nam. Theo trình bày thì việc nạo vét sẽ được thực hiện bằng máy múc, đưa lên xe cơ giới chở đi tiêu thụ và lấy số tiền đó dùng làm kinh phí cho dự án. Nhưng thực tế, khi triển khai thì lại dùng tàu hút công suất lớn đưa lên sà lan rất to để chuyển cát đi.
“Tôi cũng như tất cả người dân ở đây rất ủng hộ dự án này, chấp hành với chủ trương của chính quyền các cấp nhưng với điều kiện là phải có sự rõ ràng trong nội dung họp dân so với thực tế. Phạm vi luồng nước được nạo vét lớn và được thực hiện bằng rất nhiều tàu hút làm chúng tôi lo lắng trước nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới nhà ở chúng tôi sau này”, ông Hồ Cước nói thêm.
Nỗi niềm của ông Hồ Cước cũng chính là nỗi niềm chung của rất nhiều người dân tại thôn Bàn Nam. Đó là sự lo lắng về việc dòng chảy có thể bị thay đổi do luồng nước được nạo vét rộng và sâu hơn bình thường, cùng với việc thay đổi phương án kỹ thuật thi công sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở lớn vào sát khu dân cư, gây mất an toàn cho đời sống người dân.
Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, trạm bơm Cù Bàn được xây dựng từ năm 1985 và hoạt động hiệu quả, cung cấp nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp khoảng 40ha tại địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2009 thì dòng chảy có sự thay đổi, lòng sông Thu Bồn bị bồi lấp nên nước vào trạm bơm thường xuyên khô hạn, không đủ nước tưới cho cánh đồng. Đồng thời, dòng chảy sông Thu Bồn có sự chuyển lưu sang phía bờ tả nên từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, khi mực nước sông xuống thấp thì bể hút của trạm bơm Cù Bàn không đủ nước để bơm, ảnh hưởng đến sản xuất. Để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất ổn định, hằng năm, xã đã có tờ trình xin huyện bố trí kinh phí nạo vét luồng dẫn nước vào trạm bơm với kinh phí khoảng gần 400 triệu đồng. Nhưng mỗi khi thủy điện ở thượng nguồn xả nước lớn hoặc vào mùa mưa lũ thì luồng nước vào trạm bơm lại bị phù sa bồi lấp nặng nề.
Với tình trạng này, ngày 6/8/2021, UBND xã Duy Châu đã có tờ trình gửi UBND huyện Duy Xuyên đề nghị thống nhất chủ trương nạo vét lòng sông phục vụ nước tưới chống hạn trạm bơm Cù Bàn, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vụ hè - thu 2022 và các năm tiếp theo.
Theo Chủ tịch UBND xã Duy Châu, xã đã 2 lần tổ chức họp dân để tuyên truyền về chủ trương thực hiện dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn và được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, khi phương án thi công có sự thay đổi từ việc dùng máy múc lên xe cơ giới và vận chuyển bằng đường bộ thì nay dùng tàu hút lên sà lan di chuyển theo đường thủy. Thay đổi phương án vận chuyển bằng đường thủy thì không tổ chức họp dân lại để thông báo vì phía đơn vị thi công đã cam kết thực hiện theo đúng quy trình và phạm vi được cấp phép.
Huyện Đại Lộc ủng hộ nạo vét phục vụ nông nghiệp?
Dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có phạm vi thực hiện từ điểm đầu giáp với bờ phải sông Thu Bồn, điểm cuối giáp với trạm bơm Cù Bàn. Dự án có quy mô 2,93ha với khối lượng vật liệu nạo vét hơn 65.000m3 và khối lượng đào khơi thông hơn 846m3.
Tuy nhiên, theo phản ánh của UBND xã Đại Hòa thì phần lớn diện tích khai thác cát, sỏi nạo vét bồi lấp của dự án kể trên thuộc phạm vi của xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Theo đó, UBND huyện Đại Lộc đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra về nội dung phản ánh. Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra, qua đối chiếu tọa độ khu vực nạo vét, khai thác của dự án với bản đồ địa giới hành chính xã Đại Hòa, Đoàn kiểm tra xác định khu vực đăng ký khai thác có phần lớn diện tích (2,1ha) nằm trong ranh giới địa giới hành chính xã Đại Hòa và phần nhỏ diện tích (0,83ha) nằm trên địa bàn xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên). Trong buổi làm việc thì đại diện lãnh đạo 2 xã Đại Hòa và Duy Châu chưa thống nhất xác định ranh giới hành chính 2 xã.
Nguyên nhân là vì UBND xã Duy Châu xác định ranh giới hành chính của xã Duy Châu giáp với xã Đại Hòa là điểm mốc 3 xã Đại Hòa, Điện Hồng, Duy Châu (tọa độ X=1753236, Y=542327) đi đường thẳng (hướng Tây Tây Nam) về điểm mốc 3 xã Đại Hòa, Duy Hòa, Duy Châu (tọa độ X=1752196, Y=540372). Với quan điểm này thì diện tích dự án thuộc hoàn toàn địa giới của xã Duy Châu.
Nhưng quan điểm của xã Đại Hòa lại xác định ranh giới hành chính của xã Đại Hòa giáp với xã Duy Châu là điểm mốc 3 xã Đại Hòa, Điện Hồng, Duy Châu (tọa độ X=1753236, Y=542327) đi theo đường cong (bo theo bờ Bắc Sông Vu Gia trước đây) như trong bản đồ 364 (hướng Tây Tây Nam) về điểm mốc 3 xã Đại Hòa, Duy Hòa, Duy Châu (tọa độ X=1752196, Y=540372). Theo đó thì phần diện tích khoảng 2,1ha thực hiện dự án sẽ nằm trên địa phận xã Đại Hòa.
Tuy địa phận 2 xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc) và Duy Châu (huyện Duy Xuyên) chưa có sự phân định rõ ràng nhưng quan điểm của lãnh đạo huyện Đại Lộc là luôn luôn ủng hộ việc thực hiện dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người dân xã Duy Châu. Còn về việc xác định ranh giới giữa 2 địa phương thì sẽ chờ các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam vào làm việc để có sự xác định chính xác./.
Trước tình hình người dân phản đối về dự án như hiện nay, thời gian tới, UBND xã Duy Châu sẽ tiếp tục quán triệt các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân theo chủ trương của Nhà nước. Tổ chức các buổi họp dân để thông báo rõ về chủ trương, phương án thi công, ông Nguyễn Dũng cho biết thêm.