Chủ trì cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang yêu cầu các doanh nghiệp phải chấn chỉnh những tồn tại, vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản, chấm dứt tình trạng bán không đúng giá công bố, giá niêm yết, bán hàng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán.
Cùng với đó, doanh nghiệp buộc phải lắp đặt các camera, trạm cân, không khai thác vượt ranh giới cho phép, khai thác vượt công suất. Tiến hành ngay việc lập đầy đủ bản đồ hiện trạng mỏ và các hồ sơ, chứng từ theo quy định, báo cáo định kỳ đúng thời hạn và cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ,… sau khi hết thời hạn khai thác.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 639 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng chỉ còn 46 giấy phép khai thác còn hiệu lực với trữ lượng khai thác còn lại khoảng gần 770.000m3 cát, trên 15.300.000m3 đá và trên 1.560.000m3 đất san lấp.
Trước đó, về tình hình quản lý, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận định việc khai thác các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có cát, sỏi lòng sông, đất san lấp công trình, đá xây dựng) vẫn còn một số tồn tại, bất cập như một số doanh nghiệp khai thác vượt công suất, ngoài diện tích giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chậm thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác nhưng các ngành chức năng chưa kịp thời kiểm tra, xử lý; việc quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các cơ quan chức năng và qua hệ thống camera giám sát tại khu vực mỏ còn mang tính hình thức, chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản như bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán…
Hiện nay, nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang khan hiếm; trong đó có cát xây dựng, đất san lấp, xây dựng công trình ở các địa phương vùng đồng bằng và cát, đá xây dựng ở các huyện miền núi. Đặc biệt trong thời gian gần đây, từ sau Tết Quý Mão năm 2023 đến nay, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và quyền lợi của người tiêu dùng. Trong khi đó, trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, thăm dò đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác khoáng sản còn rườm rà, thời gian kéo dài. Tình trạng này cần phải sớm chấn chỉnh, khắc phục. Các ngành, các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn, tham mưu giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm đưa các mỏ vào khai thác, cung cấp vật liệu thi công xây dựng các công trình, dự án và phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn các huyện: Đại Lộc, Duy Xuyên đã được cấp giấy phép, còn thời hạn hoạt động phải khẩn trương đưa mỏ vào hoạt động khai thác đúng công suất theo giấy phép được cấp và niêm yết công khai giá bán, cung cấp kịp thời vật liệu cát xây dựng cho các công trình, dự án. Giao UBND các huyện: Duy Xuyên, Đại Lộc, Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, trường hợp không đưa mỏ vào khai thác thì báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm và thu hồi giấy phép.
Đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến việc đấu giá quyền khai thác tại các điểm mỏ. Yêu cầu các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải ký cam kết với địa phương chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản; đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn giao thông trên tuyến đường vận chuyển và lập các hồ sơ, thủ tục đảm bảo thời gian yêu cầu; kịp thời khắc phục ngay các bật cập trong quá trình khai thác, vận chuyển, không để mất an ninh trật tự tại địa phương…/.