Theo ông Trần Phước Hiền, căn cứ nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng của các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, cấp huyện và nhu cầu phục vụ xây dựng khác của địa phương (bao gồm các dự án ngoài ngân sách, công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân,...), UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, chủ đầu tư rà soát, tổng hợp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, cơ sở của số liệu đăng ký nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng của địa phương, đồng thời đề xuất khu vực mỏ khai thác phục vụ xây dựng và gửi Sở Xây dựng để tổng hợp chung.
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư, doanh nghiệp,... chịu trách nhiệm rà soát, đăng ký nhu cầu các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ các dự án của đơn vị, các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, gửi UBND các địa phương, đồng thời gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.
Sở Xây dựng tổng hợp, kiểm tra, thẩm định nhu cầu đăng ký của các địa phương để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đảm bảo nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ nhu cầu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đăng ký của các địa phương, đơn vị và quy hoạch các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2023), chủ trì, đề xuất danh sách các mỏ để tổ chức triển khai cấp phép khai thác đảm bảo đáp ứng theo nhu cầu của các chủ đầu tư và các địa phương trong năm 2024 và các năm tiếp theo, nhất là nhu cầu về cát. Hoàn thành trước ngày 5/2/2024.
Yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn vật liệu khai thác phục vụ dự án cao tốc
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã có yêu cầu đối với Ban Quản lý dự án 2 xây dựng kế hoạch giám sát hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của các nhà thầu.
UBND các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, và TX. Đức Phổ kịp thời chỉ đạo UBND các xã, phường có liên quan tăng cường giám sát, theo dõi các hoạt động khai thác khoáng sản của các Nhà thầu thi công theo đúng kế hoạch khai thác, phạm vi, diện tích, công suất được UBND tỉnh cấp phép. Kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với các trường hợp khai thác không đúng giấy phép được cấp, trục lợi chính sách, cung cấp vật liệu không đúng mục đích,...
Công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 5 mỏ cát
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có các quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò đối với 5 mỏ cát.
Cụ thể, mỏ cát thôn Nhơn Lộc 1, xã Hành Tín Đông, H. Nghĩa Hành quy mô 4,2ha có số tiền cấp quyền khai thác theo lượng tài nguyên dự báo (63.000m3) là hơn 478 triệu đồng, được Công ty TNHH MTV Tư vấn và Xây dựng Ngọc Ánh Dương trúng đấu giá với mức giá 287%. Mỏ cát thôn Ngân Giang, xã Tịnh Hà, H. Sơn Tịnh quy mô 6,14ha có số tiền cấp quyền khai thác theo lượng tài nguyên dự báo (122.800m3) là hơn 839 triệu đồng, được Công ty TNHH Xây dựng và Môi trường Thiên Phú Thịnh trúng đấu giá với mức giá 241%. Mỏ cát thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, H. Tư Nghĩa quy mô 3,26ha có số tiền cấp quyền khai thác theo lượng tài nguyên dự báo (khoảng 65.200m3) hơn 495 triệu đồng, được Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Hợp Nhất trung đấu giá với mức giá 252%.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Việt trúng đấu giá 2 mỏ cát, gồm mỏ cát thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ, H. Tư Nghĩa quy mô 3,58ha có số tiền cấp quyền khai thác theo lượng tài nguyên dự báo (71.600m3) là hơn 543 triệu đồng và mỏ cát thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, H. Tư Nghĩa quy mô 5,9ha có số tiền cấp quyền khai thác theo lượng tài nguyên dự báo (hơn 93.000m3) là hơn 708 triệu đồng. Mức giá trúng đấu giá của 2 mỏ này lần lượt là 238% và 216%.
Các đơn vị trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền trúng đấu giá sau khi có quyết định phê duyệt tiền trúng đấu giá của UBND tỉnh và trước khi cấp Giấy phép khai thác, các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản chậm nhất trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá. Tổ chức thi công Đề án thăm dò khoáng sản theo Giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp và lập Báo cáo kết quả thăm dò, trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng theo quy định.
Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, các đơn vị trúng đấu giá không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản thì Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình UBND tỉnh hủy kết quả trúng đấu giá và tiền đặt trước của đơn vị được thu vào ngân sách Nhà nước theo quy định (trừ trường hợp bất khả kháng).