Lý do thu hồi là do nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ quy định tại giấy chứng nhận đầu tư nên chấm dứt hoạt động và thu hồi‘dự án. Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và nộp lại giấy chứng nhận đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định này.
Dự án này được UBND Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2008. Theo kế hoạch khảo sát, thiết kế, dự án Thủy điện Đakđrinh 2 dự kiến được xây dựng trên sông Đakđrinh, thuộc xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, với công suất 12 MW, 3 tổ máy phát điện, điện lượng bình quân năm khoảng 61,2 triệu kWh, tổng mức đầu tư khoảng 380 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là đấu nối vào lưới điện quốc gia, cung cấp điện cho khu vực, tạo công ăn việc làm và mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp, địa phương. Dự án dự kiến khởi công từ quý I/2009 và hoàn thành vào tháng 7/2011. Tuy vậy cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành thi công.
Trước khi tỉnh Quảng Ngãi ra văn bản trên, tháng 7/2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng đã có công văn đề nghị tỉnh Quảng Ngãi rà soát, nếu dự án này hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến môi trường, xã hội thì loại khỏi quy hoạch.
Nguyên nhân khiến Bộ Công thương phải có ý kiến là do cử tri và chính quyền huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) không đồng thuận triển khai hai dự án thủy điện Trà Khúc 1 và Đăkđrinh 2. Bởi địa phương gánh chịu trực tiếp 9 thủy điện và gián tiếp 9 cái khác là ngoài khả năng xử lý những hậu quả xấu có khả năng xảy ra.
Thủy điện Đăkrinh 2 dự kiến xây dựng ở xã Sơn Giang, chiếm dụng gần 200 ha đất, trong đó có hơn 5 ha rừng phòng hộ và chỉ cách trung tâm huyện Sơn Hà chỉ 5km.
Dự án thủy điện Trà Khúc 1 dự kiến xây ở xã Sơn Giang chiếm dụng 290 ha đất do Công ty CP thủy điện Huy Măng đầu tư. Nhà máy có công suất lắp máy 36MW và hồ chứa nước hơn 11 triệu m3. Theo chính quyền địa phương và phản ảnh của người dân thì nếu 2 dự án thủy điện này được triển khai sẽ ảnh hưởng cuộc sống hàng nghìn người dân và nhiều khu rừng phòng hộ đầu nguồn biến mất.