Aa

Quảng Ninh: Bao giờ xử lý xong sai phạm của Công ty Phương Đông

Thứ Hai, 26/04/2021 - 11:50

Câu chuyện dự án khu đô thị Phương Đông – Vân Đồn lại làm các cơ quan chức năng thêm đau đầu vì chủ đầu tư cố tình san lấp trái phép lên tới 1,6ha, xâm lấn nghiêm trọng vùng lõi di sản vịnh Bái Tử Long.

Lời tòa soạn:

Những năm gần đây, kinh tế biển được sự quan tâm của các cấp, các ngành, song nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ. Việc khai thác tài nguyên biển chưa đi đôi với bảo tồn, phát triển.

Các hoạt động khai thác, sử dụng không hợp lý vùng bờ biển tại các địa phương diễn ra phổ biến, dẫn tới sự suy thoái các hệ sinh thái. Đặc biệt, nhiều công trình lấn biển xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường biển.

Cần xem xét đánh giá hiệu quả kinh tế, tác động môi trường của từng dự án và dự báo biến động môi trường biển trong bối cảnh dài hạn có tính đến tác động của các kịch bản lấn biển.

Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế, Reatimes đăng tải bài viết Quảng Ninh: Bao giờ xử lý xong sai phạm của Công ty Phương Đông với mong muốn đưa đến những góc nhìn khách quan về thực trạng phát triển kinh tế biển tại nhiều địa phương.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Lợi dụng dịch Covid-19 để “xâm chiếm” biển.

Dự án Khu đô thị Phương Đông Vân Đồn là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, với quy mô lên tới 170ha. Trong đó quy hoạch đất khu nhà ở 98ha; đất ở 69,46ha. Ngoài ra, còn có diện tích đất công cộng khu ở; đất cây xanh thể dục, thể thao khu ở; đất công trình công cộng trường học; đất dịch vụ thương mại; đất giao thông đô thị hạ tầng...

Với đặc thù được hình thành từ việc lấp phần diện tích không nhỏ khu vực bãi bồi của vịnh Bái Tử Long, dự án KĐT Phương Đông – Vân Đồn do chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng Phương Đông (gọi tắt là Công ty Phương Đông) làm ảnh hưởng không nhỏ đến 35ha bãi đào, đánh bắt sá sùng trên khu vực bãi biển thuộc địa phận xã Đông Xá, Khu Kinh tế Vân Đồn.

Theo UBND huyện Vân Đồn, từ ngày 28/1, Công ty Phương Đông đã đổ trộm đất, đá xuống biển ở khu đô thị Phương Đông, khiến người dân địa phương bức xúc. Sự việc đã được người dân báo với chính quyền địa phương, lập biên bản vi phạm theo quy định. Cơ quan chức năng xác định Công ty Phương Đông đã đổ đất, san lấp mặt bằng trên diện tích đất nằm ngoài ranh giới được giao. Cụ thể, diện tích bị lấn chiếm khoảng 16.000m2 tại thôn Đông Tiến, xã Đông Xá.

khu đô thị phương đông vân đồn lấn biển
Một số người dân địa phương cho biết, dù đã bị xử phạt nhưng Công ty Phương Đông vẫn chưa trả lại nguyên trạng khu đất.

Bên cạnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng, UBND huyện Vân Đồn yêu cầu Công ty Phương Đông khắc phục hậu quả, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn chiếm.

Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày công ty nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Vân Đồn. Các hoạt động đổ đất đá để lấp biển đều được chủ đầu tư thực hiện trong đêm. Chỉ trong 2 ngày 28 và 29/1, đơn vị này đã lấn ra hơn 10m so với bờ kè khu đô thị và trải dài hàng trăm mét dọc theo bờ biển.

Liên quan đến việc chủ đầu tư tự ý san lấp, lấn chiếm vịnh Bái Tử Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh Trương Công Ngàn cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi đổ đất đá trái phép xuống vịnh Bái Tử Long đối với Công ty Phương Đông.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết thêm, Quảng Ninh sẽ nghiêm túc xử lý lý vụ việc trên, xử lý đúng người, đúng việc, đúng mức độ nhằm giữ vững ổn định an ninh trật tự xã hội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho hay, toàn bộ số đất đá mà Công ty Phương Đông đổ trái phép xuống vịnh Bái Tử Long được lấy từ mỏ đất Trường Hưng đã hết hạn thuê đất. Do vậy, các cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn đang xác định lại hồ sơ khai thác đất của Công ty Phương Đông ở mỏ đất này.

Chủ đầu tư khu đô thị Phương Đông - Vân Đồn liệu có lợi ích nhóm trong việc xâm lấn này?
Các cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn đang xác định lại hồ sơ khai thác đất của Công ty Phương Đông ở mỏ đất này.

Các ban ngành của tỉnh Quảng Ninh quyết liệt là vậy! Thế nhưng, việc xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” đang xâm lấn nghiêm trọng vùng lõi di sản vịnh Bái Tử Long.

Theo nghiên cứu, khảo sát của Reatimes vào những ngày cuối tháng 3, không thấy máy móc hoạt động tại khu vực san lấp trái phép, phía Công ty Phương Đông vẫn ‘chây ì” chưa khôi phục và hoàn trả nguyên trạng ban đầu.

Một người dân sống tại khu vực này cho biết: “Hiện tại, không còn việc bắt sá sùng, chủ đầu tư đã nộp tiền phạt nhưng vẫn đâu vào đấy, thực tế phần đất chỉ từ bờ kè nhưng lấn chiếm ra ngoài khoảng 3km. Khi được yêu cầu phục hồi nguyên trạng ban đầu, chủ đầu tư chỉ múc cát lên nhưng không di chuyển ra khu vực khác”.

Tại buổi làm việc với PV, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn lại cho rằng: “Công ty Phương Đông sai phạm nhưng có nhiều lý do như để ổn định bờ kè, tránh điểm đá lởm chởm. Suy nghĩ thiển cận thì chủ đầu tư đổ cho mỹ quan, đỡ bẩn thỉu nhếch nhác”.

Khi phóng viên yêu cầu cung cấp những tài liệu liên quan đến quá trình xử lý vi phạm của Công ty Phương Đông, đại diện quản lý Ban Khu kinh tế Vân Đồn từ chối vì cho rằng đây là tài liệu mật đang trong quá trình điều tra.

Dự án vào tay Phương Đông như thế nào?

Bắt nguồn từ cái tên Khu đô thị Đông Xá, đây là vốn quỹ đất mà tỉnh Quảng Ninh dùng làm vốn đối ứng cho Tổng công ty Xây dựng Thăng Long để làm gói thầu số 1, xây dựng 3 cây cầu có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng.

Ngày 9/6/2000, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Đồn nối TP. Cẩm Phả với huyện Vân Đồn do Sở GTVT làm chủ đầu tư.

Theo phương án vốn đầu tư được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, gói thầu số 1 được thực hiện theo hình thức 50% vốn trả bằng tiền ngân sách, 50% còn lại trả bằng giá trị quyền sử dụng đất tại dự án khu đô thị mới Đông Xá, huyện Vân Đồn. Năm 2002, Tổng Công ty xây dựng Thăng Long thực hiện gói thầu này. Đến tháng 7/2006, gói thầu số 1 cầu Vân Đồn gồm 3 cầu đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Theo đó, tổng mức đầu tư được quyết toán là hơn 128,3 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 1 được quyết toán hơn 89,7 tỷ, gồm giá trị trúng thầu hơn 70 tỷ cộng thêm khối lượng phát sinh bù trượt giá. Phần bù trượt giá này được tính vào 50% gói thầu trả bằng tiền từ hơn 35 tỷ thành hơn 54,7 tỷ đồng, đã thanh toán cho nhà thầu. Phần 50% giá trị gói thầu (giá cố định hơn 35 tỷ đồng) còn lại được trả bằng quỹ đất tại khu đô thị Đông Xá, huyện Vân Đồn.

Vân Đồn năm 2019
Khu đô thị Phương Đông - Vân Đồn được một du khách ghi lại vào tháng 9/2019.

Năm 2008, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đã đề nghị chuyển cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông làm chủ đầu tư dự án đô thị này và được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận. Điều này đã được UBND tỉnh Quảng chấp thuận với quy mô đầu từ hơn 171ha.

khu đô thị phương đông - vân đồn 2020
Đến thnág 5/2020 Khu đô thị Phương Đông - Vân Đồn mở rộng ra rõ rệt.

Ngày 29/3/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh lại ra quyết định số 699/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh 50% giá trị trúng thầu gói số 1 dự án này (phần trả bằng giá trị quyền sử dụng đất dự án Đông Xá, huyện Vân Đồn) về thời điểm tháng 11/2011 để thanh toán cho nhà thầu thi công. Theo đó, 50% gói thầu số 1 (35 tỷ đồng) được điều chỉnh thành hơn 101,3 tỷ đồng, đối trừ vào tiền sử dụng đất tại dự án khu đô thị Đông Xá.

Việc điều chỉnh này làm tăng 66 tỷ đồng so với quyết toán đã phê duyệt và nằm ngoài tổng mức đầu tư, ngoài dự toán, ngoài kết quả trúng thầu. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã “tuýt còi” việc điều chỉnh trên.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, dự án khu đô thị mới Đông Xá được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho công ty Phương Đông vẫn còn thiếu khách quan, chưa đánh giá đúng về năng lực tài chính và kinh nghiệm của Chủ đầu tư dẫn đến dự án kéo dài phải thay đổi chủ đầu tư, để đất hoang hóa phải gia hạn nhiều lần.

Trên thực tế, Tông công ty Thăng Long đã được giao hơn 154 ha đất tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh từ năm 2004 để xây dựng khu đô thị Đông Xá. Giá đất được phê duyệt để đầu tư đô thị với mức giá không thể rẻ hơn – chỉ 27.200 đồng/m2.

Ngày 25/06/2005, Tổng công ty Thăng Long quyết định dùng quỹ đất được giao làm vốn góp thành lập Công ty cổ phần đầu tư Phương Đông có vốn điều lệ 90 tỷ đồng để tiếp nhận đất đổi hạ tầng.

Vốn góp của Tổng công ty Thăng Long khi đó trị giá 55 tỷ đồng, tương ứng 61,11% vốn điều lệ.  Ngoài ra, Công ty CP cầu 12-11 Hạ Long góp 210.000 cổ phần; Công ty TNHH Hạnh Toàn 40.000 cổ phần; ông Nguyễn Đình Đỗ 90.000 cổ phần và ông Nguyễn Công Tứ 10.000 cổ phần.

Năm 2008, Tổng công ty Thăng Long đã bán sạch 55.000 cổ phần của mình tại Công ty Phương Đông cho Công ty cổ phần cầu 12-11 Hạ Long. Với số tiền chênh lệch được hưởng hơn 18 tỷ đồng, dự án khu đô thị Đông Xá cùng Công ty Phương Đông chính thức đổi chủ.

Như vậy, với việc thi công phần xây cầu Vân Đồn vào năm 2002 với tổng giá trị gói thầu 70 tỷ đồng, ngoài việc được UBND tỉnh Quảng Ninh chi trả tiền mặt 54,7 tỷ đồng (sau khi điều chỉnh đơn giá, quyết toán năm 2011), TCT xây dựng Thăng Long còn nhận được lợi nhuận khá lớn sau thương vụ “sang tay” Công ty Phương Đông.

Sau khi về tay chủ mới, Công ty Phương Đông nhiều lần tăng vốn điều lệ. Tính đến tháng 2/2018, công ty này có vốn điều lệ là 250 tỷ đồng. Còn dự án Khu đô thị Đông Xá được đổi tên thành Khu đô thị mới Phương Đông.

Nhiều năm giậm chân tại chỗ, người dân mất kế sinh nhai

Trong ranh giới lập quy hoạch có 22,7ha mở rộng diện tích đất xây dựng hạ tầng cơ sở và tạo cảnh quan, gồm: 7,7ha thuộc trục giao thông chính của Khu đô thị Cái Rồng, 6,5ha cây xanh cảnh quan và bãi tắm phía Đông Nam khu đô thị, 2,7ha cây xanh tạo kiến trúc cảnh quan cửa ngõ đô thị, 5,8ha xây mương hở đảm bảo thoát nước mặt và kiến trúc cảnh quan khu vực giáp dân cư.

Sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định phê duyệt dự án với nội dung, quy mô đầu tư là san nền, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, thiết kế cơ sở được phê duyệt… từ tháng 12/2011. Nhưng trong suốt thời gian dài dự án gần như “giậm chân tại chỗ”. Đến ngày 22/12/2017, chủ đầu tư có văn bản đề nghị gia hạn tiến độ thực hiện và nghiên cứu lập điều chỉnh dự án.

Toàn cảnh dự án khu đô thị Phương Đông - Vân Đồn
Toàn cảnh dự án của Khu đô thị Phương Đông - Vân Đồn.

Mãi đến ngày 301/1/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý giãn tiến độ dự án thêm 24 tháng. Tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý về việc giao mỏ đất làm vật liệu, tập trung san lấp mặt bằng và triển khai thi công dự án, trong đó ưu tiên tuyến đường trục chính trung tâm khu đô thị Cái Rồng.

Trong Dự án Khu đô thị mới Đông Xá có hạng mục đường 58m được Nhà nước đầu tư có chiều dài trên 10km nối từ cầu 3 Vân Đồn đến xã Hạ Long. Nhiều người dân cho rằng việc dự án lấy vào một phần bãi đào sá sùng (rộng khoảng 35 ha) sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến mưu sinh của nhiều hộ dân ở xã Đông Xá, Hạ Long và thị trấn Cái Rồng.

UBND huyện Vân Đồn cũng từng tổ chức buổi làm việc với các hộ dân, liên quan tới việc Dự án Khu đô thị mới Đông Xá và đường ven biển 58 m làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt sá sùng để mưu sinh. Theo lãnh đạo huyện Vân Đồn, các hộ bị thu hồi đất ở, đất sản xuất, đã có chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ hay bồi thường cho những trường hợp bị ảnh hưởng như trường hợp bãi khai thác sá sùng cộng đồng mà các hộ đang đề xuất.

Vì vậy tại thời điểm đó, UBND huyện tiếp thu, tổng hợp và đề xuất với tỉnh và với doanh nghiệp để có cơ chế chính sách hỗ trợ phần nào cho các hộ trong việc chuyển đổi nghề nghiệp.

Bao giờ xử lý xong sai phạm?

Trả lời Reatimes, luật sư Nguyễn Đức Long - Trưởng văn phòng Luật sư Đức Tín (thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, lực lượng chức năng phải căng mình chống dịch, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Phương Đông tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn ngang nhiên đổ hàng chục nghìn khối đất đá, san lấp mặt bằng trên diện tích đất nằm ngoài ranh giới phần diện tích đất được giao, lấn chiếm 16.000m2 đất tại thôn Đông Tiến, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn thuộc vịnh Bái Tử Long.

Đến bao giờ những sai phạm mới được xử lý
Đến bao giờ những vi phạm của công ty Phương Đông mới được xử lý xong?

"Chính vì vậy, hành vi lấn chiếm đất của Công ty Phương Đông đã vi phạm pháp luật về đất đai. Điều này có thể tác động xấu đến môi trường xung quanh tại khu vực bị lấn chiếm, đã hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, nơi cư trú của các loài thủy sản là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017" - luật sư Nguyễn Đức Long nhận định.

Dù được người dân trình báo sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã khẩn trương vào cuộc, lập biên bản vi phạm theo quy định của pháp luật và kịp thời ngăn chặn việc mở rộng, lấn chiếm đất. UBND huyện Vân Đồn đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-XPVPHC ngày 19/02/2021 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Phương Đông 100.000.000 (Một trăm triệu đồng), buộc Công ty Phương Đông áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn chiếm, thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định.

Tuy nhiên, đến nay đã 02 tháng trôi qua kể từ ngày UBND huyện Vân Đồn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Công ty Phương Đông vẫn “chây ì”, không khắc phục hậu quả và không trả lại đất đã lấn chiếm thể hiện sự coi thường pháp luật và chính quyền đia phương.

Cũng theo luật sư Long, trong trường hợp Công ty Phương Đông không thực hiện Quyết định số 05/QĐ-XPVPHC ngày 19/02/2021 của UBND huyện Vân Đồn, muốn giải quyết triệt để thì UBND huyện Vân Đồn có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với Công ty Phương Đông để thu hồi phần diện tích đất bị lấn chiếm, đồng thời di chuyển toàn bộ đất đá mà Công ty Phương Đông đã san lấp ra khỏi phần diện tích đất bị lấn chiếm, Công ty Phương Đông phải chịu toàn bộ những chi phí cho việc cưỡng chế và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Trả lời báo chí, TS. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ, Quản lý Môi trường lo ngại với diện tích lấn biển khá lớn sẽ tác động xấu đến môi trường xung quanh, bài học từ các dự án lấn biển ở Kiên Giang, Quảng Ninh cho thấy, sau khi làm các dự án các tỉnh này phải đối mặt với những vấn đề như sạt lở, hiện tượng nước biển đục… Ông nhận định, đây là dự án tác động lớn đến môi trường, cảnh quan. Vì vậy cần đánh giá lại và thận trọng trước khi làm, bởi hậu quả có thể chưa thấy ngay nhưng trong tương lai gần sẽ bị tác động rất lớn.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Theo quy định của Luật, trong hành lang bảo vệ bờ biển nghiêm cấm các hoạt động, xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khoản 1 Điều 79 của Luật quy định, kể từ thời điểm luật này được công bố (tức là ngày 8 tháng 7 năm 2015), giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 mét tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top