Aa

Quảng Ninh: Đề xuất áp dụng nhiều biện pháp nhằm thu hút đầu tư trong các KCN, KKT

Thứ Năm, 01/07/2021 - 17:46

Tỉnh Quảng Ninh áp dụng nhiều biện pháp nhằm thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT).

Nhằm thu hút lượng lớn các doanh nghiệp đến đầu tư, ngay từ đầu năm 2021, Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng triển khai nhiều biện pháp tăng cường kết hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như tham mưu cho các cấp lãnh đạo nhằm mục đích nâng cao chất lượng đầu tư tại các KCN, KKT.

Theo đó, Ban quản lý KKT tỉnh làm việc với trên 21 nhà đầu tư như: Công ty Iris Ohyama (Nhật Bản); Tập đoàn Amata, Công ty TNHH Toyota Tsusho và Công ty Aapico Hitech PCL (Thái Lan) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án tổ hợp Smart City Móng Cái và các dự án sản xuất công nghiệp ô tô; Công ty TNHH VSIP Hải Phòng nghiên cứu triển khai đầu tư dự án hạ tầng KCN; Tập đoàn BYD (Trung Quốc) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án về lĩnh vực chế biến, chế tạo; Công ty Jinsung Hitec Co., Ltd (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án Jinsung Hitec Vina., Ltd; Công ty CP Hóa dầu Yên Hưng nghiên cứu tổ hợp dự án kho, cảng xăng dầu, LPG...

Ngoài ra, Ban quản lý KKT tỉnh còn tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho Đoàn Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2020-  2023 để hỗ trợ tỉnh trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT. Đồng thời, phối hợp cung cấp thông tin cho Tập đoàn SK (Hàn Quốc) nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các KCN, KKT của tỉnh.

Quảng Ninh
Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh áp dụng nhiều biện pháp nhằm thu hút đầu tư tại các KCN, KKT (Ảnh minh họa)

Trước đó, đã có rất nhiều dự án thu hút được đầu tư phải kể đến như: Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD); Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD); Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD); Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD)…

Theo ông Hoàng Trung Kiên - Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, với những tiềm năng, lợi thế về hạ tầng kỹ thuật cùng địa bàn an toàn, ổn định, nhiều nhà đầu tư đã quyết định tiếp tục mở rộng quy mô và mời gọi các đối tác vệ tinh tham gia đầu tư tại Quảng Ninh. Đến hết tháng 6/2021, tổng vốn thu hút đầu tư vào các KCN, KKT đạt trên 22.400 tỷ đồng (tương đương 975 triệu USD). Trong đó, đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án FDI với tổng nguồn vốn đầu tư trên 13.100 tỷ đồng và 4 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư trên 8.600 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI có vốn đầu tư tăng thêm trên 425 tỷ đồng.

quảng ninh
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chính quyền địa phương tập trung thực hiện hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Mục tiêu những tháng cuối năm, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT theo hướng đồng bộ hiện đại. Đồng thời, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn, thúc đẩy phát triển hạ tầng; các chính sách đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động và chính sách thu hút, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho KCN, KKT.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu chính quyền các địa phương và ngành của tỉnh tập trung GPMB các dự án đầu tư trong KCN, KKT, nhằm sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư khởi công triển khai dự án. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư trong các dự án KCN, KKT./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top