Aa

Quảng Ninh: Ứng phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất

Thứ Sáu, 06/09/2024 - 13:31

Trước khi bão Yagi (bão số 3) đổ bộ, các địa phương ở Quảng Ninh đang khẩn trương thực hiện công tác phòng ngừa, chống bão với tinh thần chủ động, ứng phó ở mức cao nhất.

Thực hiện phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", "từ sớm, từ xa, từ cơ sở" 

Sáng 6/9, ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long đã kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại một số điểm xung yếu, sạt lở trên địa bàn thành phố gồm: Đồi Đặng Bá Hát (phường Hồng Gai); Trạm biến áp 110kV Yên Cư (phường Đại Yên); khu 1B (phường Hồng Hải).

Do ảnh hưởng của mưa lớn vào đêm 29/7/2024, đoạn kè trên tuyến đường Đặng Bá Hát thuộc tổ 13, khu 1, phường Hồng Gai, đã bị sạt lở mái taluy và có nguy cơ tiếp tục sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện đi qua.

Quảng Ninh: Ứng phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất- Ảnh 1.

Đoạn kè trên tuyến đường Đặng Bá Hát thuộc tổ 13, khu 1, phường Hồng Gai, đã bị sạt lở mái taluy.

Kiểm tra khu vực này, Bí thư Thành ủy Hạ Long, yêu cầu UBND phường Hồng Gai, UBND phường Yết Kiêu nhanh chóng thông báo đến từng hộ dân đang sinh sống bên dưới taluy có các biện pháp chủ động phòng chống mưa bão. Trong trường hợp có các tình huống khẩn cấp xảy ra, UBND các phường phải nhanh chóng huy động lực lượng để di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố phải chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện ngay việc thu dọn đất đá sạt lở trước 15h chiều nay, sau đó phủ bạt cho khu vực sạt lở.

Trạm biến áp 110kV Yên Cư được đóng điện và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2024. Sau khi đưa vào sử dụng trạm đã san tải cho đường dây 471 E5.21(TBA 110 kV chợ Rộc, Quảng Yên), giảm bán kính cấp điện và tăng độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực lân cận, đặc biệt là Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và Bệnh viện Lão khoa tỉnh, đồng thời đáp ứng cho phụ tải phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do vị trí xây dựng nằm sát đồi nên sau nhiều trận mưa lớn, hiện có một lượng đất đá sạt lở vào sát phần sân của trạm.

Quảng Ninh: Ứng phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất- Ảnh 2.

Trạm biến áp 110kV Yên Cư có một lượng đất đá sạt lở vào sát phần sân của trạm.

Đối với tuyến kè tại tổ 6, khu 1B (phường Hồng Hải) cũng đã bị sạt lở từ trận mưa ngày 30/7/2024, gây hư hỏng một gian nhà cho hộ dân phía dưới, hiện các đơn vị đang tích cực thi công và dự kiến đến ngày 15/9 sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến kè.

Sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, đồng chí Bí thư Thành ủy Hạ Long yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Ninh phải nhanh chóng có các giải pháp tạm thời để hạn chế thấp nhất việc sạt lở do mưa bão. Đồng thời phải đảm bảo vận hành trạm biến áp ổn định, an toàn, tin cậy.

Đối với tuyến kè tại phường Hồng Hải, UBND phường phải tổ chức căng phủ bạt toàn bộ tuyến kè ngay trong sáng nay để ngăn nước chảy vào khu vực đang thi công, ảnh hưởng đến chất lượng công trình cũng như đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người dân sinh sống xung quanh tuyến kè.

Quảng Ninh: Ứng phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất- Ảnh 3.

Lãnh đạo TP. Hạ Long kiểm tra việc thi công tuyến kè tại tổ 6, khu 1B (phường Hồng Hải).

Quan điểm của thành phố là tất cả hệ thống chính trị phải triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", "từ sớm, từ xa, từ cơ sở" để bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Liên quan đến công tác phòng, chống cơn bão số 3, ngay từ ngày 5/9, các cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở cũng đã đình, hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công Ban Thường vụ, Thường trực UBND thành phố trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống bão, lũ.

Trong đó, tập trung vào những điểm trọng tâm sau: Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác đảm bảo an toàn đối với các hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, sẵn sàng có phương án đảm bảo an toàn, thực hiện ngay việc cảnh báo và cắm các biển cảnh báo sớm, đặc biệt là các vị trí đã sạt lở trước đó nhưng đến nay chưa thực hiện khắc phục xong;…

Thành phố Hạ Long cũng yêu cầu Đảng ủy Công an, Quân sự thành phố khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan để triển khai công tác phòng chống bão, lũ theo quy định. Các phòng, ban, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống bão số 3.

Hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, thuyền bè

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản, sáng 6/9, huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh)tiếp tục triển khai các phương án phòng, chống cơn bão số 3. Ghi nhận vào lúc 10h sáng ngày 6/9, trên địa bàn huyện Cô Tô có gió cấp 2-3, hướng gió Đông Nam, trời trong, nắng gắt, không mưa.

Chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp cùng các lực lượng quân sự, công an, biên phòng kiểm tra tình hình phòng chống bão ở các thôn, khu; huy động lực lượng chằng chống nhà cửa cho người dân, kiểm tra các nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Ngay trong sáng nay, thị trấn Cô Tô đã phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ và các bãi ốc, yêu cầu các chủ phương tiện chằng chống thuyền bè, di chuyển người lên bờ trước 12h ngày 6/9.

Quảng Ninh: Ứng phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất- Ảnh 4.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân tháo dỡ lều, quán ở các bãi biển.

Đối với một số phương tiện thuộc địa phương khác chưa thực hiện di chuyển vào nơi tránh trú an toàn, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã yêu cầu các phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành và ký cam kết thực hiện di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Trên cơ sở rà soát toàn huyện hiện khoảng 10 hộ dân có nhà ở trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, nhà quá cũ (do mái ngói đã lâu), chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng đã huy động lực lượng hỗ trợ các hộ dân sử dụng bao cát, chằng chống mái nhà và di chuyển người vào khu vực tránh trú an toàn.

Quảng Ninh: Ứng phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất- Ảnh 5.

Các lực lượng hỗ trợ ngư dân chằng chống bè để bảo vệ tài sản.

Huyện Cô Tô sẽ tiếp tục rà soát các bè nuôi trồng thủy sản, tàu bán hàng trên biển, các bãi ốc, yêu cầu không để người ở lại trên tàu, bè nuôi thủy sản, trên bãi nuôi ốc khi có bão về. Đồng thời, huyện chỉ đạo các lực lượng phối hợp với người dân tháo dỡ lều, quán ở các bãi biển; thông báo đến các cơ sở lưu trú có khách du lịch đang lưu trú biết về tình hình của bão để khách du lịch chủ động có kế hoạch di chuyển vào đất liền.

Còn tại 2 phường Trà Cổ và Bình Ngọc (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ đã kịp thời có mặt tổ chức tuyên truyền, vận động, tham gia hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình, khơi thông cống, rãnh thoát nước, cắt tỉa cây xanh, thu hoạch hoa màu; di dời phương tiện, lồng bè, tài sản, vật nuôi đến nơi tránh trú an toàn.

Cùng với đó, Đồn Biên phòng Trà Cổ còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn nắm các phương tiện đang hoạt động trên biển, cùng với địa phương thông báo cho thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết, nắm diễn biến của bão, chủ động di chuyển, thoát khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và phương tiện.

Đơn vị cũng chuẩn bị chu đáo nơi ăn, ở, sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc người dân đến sơ tán, tránh trú trong doanh trại khi cần thiết…

Quảng Ninh: Ứng phó cơn bão số 3 ở mức cao nhất- Ảnh 6.

Cán bộ Đồn Biên phòng Trà Cổ tuyên truyền, vận động ngư dân đưa tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Đến 7 giờ ngày 6/9, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã tổ chức tuyên truyền, vận động và giúp ngư dân đưa 346 phương tiện, 326 bè nuôi trồng hải sản của 104 hộ, 199 tàu cá/747 thuyền viên về nơi tránh trú an toàn; giúp 5 hộ dân gia cố nhà cửa, công trình, đưa tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng tuần tra kiểm soát, tuyên truyền cho ngư dân thực hiện nghiêm quy định về phòng chống bão.

Đặc biệt, đơn vị thường xuyên nắm bắt và thông tin kịp thời cho ngư dân hoạt động trên biển biết về tình hình bão để tránh, trú an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc với ngư dân để nắm tình hình trên biển, tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền tránh va đập, bảo đảm công tác phòng, chống cháy nổ. Duy trì thông tin liên lạc thông suốt giữa tàu thuyền của ngư dân với bộ đội để bảo đảm việc hỗ trợ ngư dân kịp thời, hiệu quả, nhất là trong những tình huống cần thiết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top