Quảng Trị là một tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có vị trí địa kinh tế - chính trị. Đây là đầu mối giao thông quan trọng, nằm ở giao điểm của các tuyến giao thông chính theo trục Bắc - Nam, Đông - Tây như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (gồm 2 nhánh Đông và Tây), Quốc lộ 9 gắn với đường Xuyên Á, Quốc lộ 15D, tuyến đường sắt Bắc - Nam… Bên cạnh đó, Quảng Trị còn là điểm đầu trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) kết nối Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo với tổng chiều dài 1.450km, chạy qua 13 tỉnh của 4 quốc gia.
Trong chiến tranh, Quảng Trị là vùng đất khói lửa, vừa là hậu phương trực tiếp, vừa là chiến trường khốc liệt khi nơi đây là ranh giới chia cắt đất nước một thời. Hòa bình được lập lại, Quảng Trị gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh, trong lòng đất vẫn còn đó hàng tấn bom đạn; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông bị phá hủy, hư hại nặng nề. Cùng với đó là thời tiết khắc nghiệt với nắng, gió vào mùa hè và bão, lũ vào mùa đông tạo ra muôn vàn khó khăn trong quá trình phát triển của vùng đất này.
Đi lên từ nắng, gió và năng lượng biển khơi
Dự kiến, 3.500 tỷ đồng/năm sẽ là nguồn thu ngân sách của tỉnh chỉ tính riêng 83 dự án điện gió ở phía Tây được triển khai và đi vào hoạt động. Nếu kế hoạch này thành công, Quảng Trị sẽ sở hữu điều kiện lớn để có những bước phát triển vượt bậc trong tương lai gần.
Đến với Quảng Trị, nhiều người bạn phương xa đã phải thốt lên vì cái nắng gắt cùng cái gió vừa hanh, vừa nóng, lại vừa nực. Nắng và gió Lào là những “đặc sản” của Quảng Trị mà ai đã đến với vùng đất này đều muốn nếm trải qua lần thứ 2. Tuy nhiên, nắng và gió giờ đây lại chính là động lực, là điều kiện mà thiên nhiên ưu đãi cho riêng Quảng Trị để bứt phá mạnh mẽ và đưa tỉnh nhà đi lên.
Những cánh đồng điện gió đang dần hình thành tại vùng núi phía Tây của Quảng Trị. Khu vực Khe Sanh, Hướng Hóa được xem là “thủ phủ của gió”, vận tốc gió tại đây khoảng từ 6 - 7m/giây và thổi hầu như quanh năm, đây là lợi thế để phát triển loại hình kinh tế bền vững này.
Năm 2015, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 được khởi công do Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư với tổng kinh phí là 1.420 tỷ đồng gồm 15 tubin, với tổng công suất lắp đặt là 30 MW. Đây là dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh và là cột mốc quan trọng, như lời khẳng định định hướng phát triển bền vững của Quảng Trị - khai thác nguồn tài nguyên gió thành nguồn năng lượng điện sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay, chỉ riêng ở vùng phía Tây của tỉnh đã có 83 dự án điện gió được quy hoạch và đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất hơn 5.600 MW. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có khoảng 16 dự án với tổng công suất 632 MW hoàn thành. Hiện nay, Quảng Trị đang tích cực phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung thúc đẩy nhanh dự án Trạm biến áp 220 KV Lao Bảo và đường dây 220 KV Đông Hà - Lao Bảo, dự án nâng tiết diện đường dây 110 KV Đông Hà - Lao Bảo để hoàn thành đúng thời hạn, đảm bảo đồng bộ cùng với tiến độ của các dự án điện gió.
Ở vùng cát phía Đông Quảng Trị rất khó để phát triển được nông nghiệp, vì thế tỉnh định hướng phát triển điện mặt trời. Những cánh đồng năng lượng mặt trời mọc lên trên vùng cát rộng lớn. Tháng 5/2019, Nhà máy điện mặt trời Lig - Quảng Trị có công suất 49,5 MW với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng được hoàn thành. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên trên địa bàn tỉnh được vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia.
Hiện nay, Quảng Trị có tổng cộng 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 149,5 MW đi vào hoạt động. Quảng Trị đã trình Bộ Công Thương xem xét và đưa vào bổ sung quy hoạch 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.391 MW. Những cánh đồng cát trắng giờ đây đã dần mang một màu xanh, màu xanh của sự phát triển bền vững, màu xanh của hy vọng vào một tương lai không xa, Quảng Trị sẽ đi lên từ những vùng cát nghèo này.
Năm 2020, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thông báo đã phát hiện dầu khí tại lô 114 nằm ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65km. Mỏ dầu Kèn Bầu được ước tính có 7 - 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng 400 - 500 triệu thùng condensate. Đây được xem là mỏ dầu khí có trữ lượng lớn nhất lịch sử ngành dầu khí Việt Nam.
Hai mỏ khí Báo Vàng và Báo Đen được Công ty Gazprom EP International B.V (Liên bang Nga) thăm dò và đánh giá tổng trữ lượng khoảng 57,88 tỷ m3. Với lợi thế là địa phương nằm gần các mỏ Kèn Bầu, Báo Vàng, Báo Đen nhất, Quảng Trị đang tích cực để trở thành nơi tiếp khí.
Theo Quyết định số 1936/QĐ-TTg (ngày 11/10/2016) của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được phân thành 4 khu vực phát triển, trong đó Khu vực 1 (quy mô 11.469ha) là khu vực trọng tâm phát triển, bố trí các dự án động lực của toàn khu kinh tế như trung tâm điện lực, khu phức hợp năng lượng…
Hiện có 3 dự án điện khí đang được triển khai thủ tục đầu tư tại Khu vực 1 thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bao gồm: Dự án nhà máy điện của Gazprom International (Liên bang Nga); Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng của Công ty Cổ phần T&T; Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1 - Quảng Trị của Liên danh Công ty TNHH Tài Tâm và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Kinh doanh bất động sản Thăng Long. 3 dự án này có tổng công suất là 6.340 MW và sẵn sàng tiêu thụ khi khí từ mỏ Kèn Bầu tiếp bờ.
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của Chính phủ, mỏ Báo Vàng sẽ có hệ thống đường dẫn khí về đất liền (Quảng Trị) có chiều dài 120km, đường kính 16 inch với công suất dự kiến từ 2 - 3 tỷ m3/năm, thời điểm vận hành là giai đoạn 2023 - 2025. Trong giai đoạn 2026 - 2035 sẽ xây dựng hệ thống đường ống thu gom các mỏ từ Lô 105-110 và Lô 111-113 kết nối với đường ống Báo Vàng với chiều dài 60 - 80km, đường kính từ 10 - 16 inch, sau năm 2033 sẽ đưa vào vận hành.
Khu công nghiệp Đông Nam Quảng Trị với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất có quy mô lớn để xây dựng các dự án nhà máy điện khí cũng như kho chứa, cùng với đó là hệ thống giao thông vận tải đa dạng (cảng biển, Quốc lộ 1A, tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây), dễ dàng kết nối với hệ thống truyền tải điện trong khu vực như đường dây 500 KV, 110 KV.
Điện nắng, điện gió và nguồn năng lượng từ biển khơi sẽ là nền tảng để Quảng Trị hướng đến trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung trong tương lai.
Sẵn sàng để cất cánh
Mới đây, đại diện Tập đoàn T&T và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc về Dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Trên cơ sở báo cáo ý tưởng và phương án thiết kế sân bay Quảng Trị từ phía đơn vị tư vấn và sau khi nghe Tập đoàn T&T báo cáo kết quả nghiên cứu dự án sân bay Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn T&T sẽ cố gắng hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị trong tháng 9/2021. Quảng Trị sẽ ưu tiên nguồn lực của địa phương, thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư xây dựng.
Trước đó, ngày 6/4/2021, Chính phủ đã có Công văn số 447/TTg-CN về việc triển khai dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Theo đó, Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Đồng thời, giao Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, trên cơ sở căn cứ định hướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan để xác định thời điểm đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị, đảm bảo hiệu quả, khả thi.
Theo quy hoạch, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được xây dựng trên địa phận thuộc xã Gio Quang và xã Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) có tổng diện tích hơn 316ha. Cảng hàng không Quảng Trị có tính chất sử dụng chung dân dụng và quân sự (diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87ha; diện tích đất quân sự hơn 51ha; diện tích dùng chung hơn 177ha). Cấp sân bay sẽ là cấp 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II với công suất 1 triệu hành khách/năm, 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là code C hoặc tương đương với tổng số vị trí đỗ tàu bay là 5 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code C). Dự kiến tổng vốn đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị khoảng 8.000 tỷ đồng theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Cảng hàng không Quảng Trị khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ trở thành đòn bẩy để đưa nền kinh tế của tỉnh đi lên, đặc biệt là ở lĩnh vực du lịch và giao thông vận tải. Hàng năm, Quảng Trị đón khoảng hơn 2 triệu lượt khách đến và lưu trú, số lượng này tăng dần qua từng năm. Cảng hàng không nằm cách Đông Hà khoảng 7km, xung quanh là hệ thống giao thông huyết mạch của cả nước như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9 gắn với đường Xuyên Á.
Cùng với đó, Quảng Trị nổi tiếng là vùng đất với nhiều di tích lịch sử, tâm linh như Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, thánh địa La Vang, tổ đình sắc tứ Tịnh Quang…, hàng năm thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, tìm hiểu, đặc biệt vào các dịp như ngày hội thống nhất non sông 30/4, ngày thương binh liệt sĩ 27/7, lễ hội hành hương Đức mẹ La Vang, lễ hội Tổ đình Sắc Tứ… Nhiều khu du lịch sinh thái, phong cảnh đẹp cũng thu hút lượng lớn du khách như bãi biển Cửa Việt, Trằm Trà Lộc, đảo Cồn Cỏ… Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn phục vụ lưu trú ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Với những lợi thế to lớn đã và đang hiện hữu, Quảng Trị sẽ sự nỗ lực vượt bậc, tận dụng những tiềm năng to lớn, chớp lấy những cơ hội vàng để đưa kinh tế - xã hội ngày một phát triển, cất cánh vươn lên, thay đổi bộ mặt quê hương ngày một giàu đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống nhân dân ngày một ấm no hơn, văn minh hơn./.