Đây là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư là 2.060 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 1.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 560 tỷ đồng) được giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, địa điểm triển khai dự án gồm các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP. Đông Hà, với tổng chiều dài tuyến là 55,7km. Cụ thể tuyến đường gồm đoạn 1 (từ ranh giới Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình đến phía Nam cầu Cửa Việt) dài khoảng 44km gồm: Đoạn từ thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đến cầu Cửa Tùng (mặt cắt ngang 12m). Đoạn từ phía Nam cầu Cửa Tùng đến phía Nam cầu Cửa Việt (mặt cắt ngang hoàn chỉnh 40m, giai đoạn phân kỳ đầu tư đảm báo quy mô mỗi bên 2 làn xe. Riêng đoạn phía Nam cầu Cửa Việt đến đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam thực hiện phù hợp với quy mô mặt cắt đường Trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam); đoạn 2 từ đường ven biển đến trung tâm TP. Đông Hà dài khoảng 11,7km, gồm đoạn qua huyện Triệu Phong (mặt cắt ngang hoàn chỉnh 59m, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đảm bảo quy mô mồi bên 2 làn xe); đoạn qua TP. Đông Hà (mặt cắt ngang hoàn chỉnh 160m, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đảm bảo quy mô mỗi bên 2 làn xe)
Thúc đẩy phát triển kinh tế biển
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đường ven biến kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1 sẽ tạo ra trục giao thông kết nối liên vùng; cùng với hệ thống Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển sẽ là hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, tạo ra liên kết vùng về phát triển kinh tế biển. Tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch từ các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma về với du lịch biển; tạo ra quỹ đất rộng lớn để từng bước hình thành các khu đô thị, khu du lịch - dịch vụ bờ biển, hình thành các nguồn lực mới để tỉnh Quảng Trị phát triển kinh tế biển phù hợp với chiến lược quốc gia về kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; nhằm kết nối TP. Đông Hà là trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh, là đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với các khu dịch vụ - du lịch dọc bờ biển Quảng Trị, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; góp phần hình thành và phát triển các khu đô thị vệ tinh dọc hai bên tuyến từ TP. Đông Hà về đến bờ biển Quảng Trị.
Trước đó, như Retimes đã thông tin, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ trì xây dựng những chiến lược và định hướng phát triển khu vực ven biển tỉnh có phạm vi gồm các xã, thị trấn nằm ven biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ (bao gồm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị).
Định hướng mô hình liên kết không gian vùng ven biển với các vùng trên cơ sở liên kết trung tâm đô thị trên các hành lang kinh tế Quốc lộ 1; hành lang kinh tế Đường 9 và hành lang kinh tế ven biển… Hình thành trục hành lang kinh tế ven biển tỉnh Quảng Trị kết nối các trung tâm du lịch ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và khu vực miền Trung nhằm liên kết, hợp tác, quảng bá phát triển du lịch trên cơ sở tuyến giao thông ven biển.
Phân vùng không gian khu vực ven biển gồm 4 khu vực chính gồm: Khu vực phía Bắc (thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng) là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng ven biển, di tích lịch sử, văn hóa; khu vực trung tâm (thuộc địa phận huyện Gio Linh và Triệu Phong, hạt nhân là đô thị Cửa Việt) là khu vực trung tâm phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Khu vực phía Nam (thuộc địa phận huyện Triệu Phong và Hải Lăng, hạt nhân là cảng Mỹ Thủy và đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị) là trung tâm thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành, logistics; khu vực phía Đông, hình thành tam giác du lịch biển đảo trọng điểm của tỉnh Quảng Trị và vùng Bắc Trung bộ, đề xuất thành khu du lịch quốc gia Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ… Khu vực ven biển Quảng Trị được tổ chức theo mô hình dạng tuyến - điểm.
Xây dựng trục hành lang kinh tế ven biển Quảng Trị trên cơ sở hình thành trục hành lang kinh tế ven biển, điểm đầu từ thôn Mạch Nước (xã Vĩnh Thái) và điểm cuối là thôn Thâm Khê (xã Hải Khê) kết nối với các trung tâm dịch vụ du lịch biển miền Trung; trên trục hành lang ven biển xây dựng các trung tâm đô thị (Cửa Tùng, Cửa Việt, trung tâm khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị - cảng Mỹ Thủy), các trung tâm du lịch biển kết nối các đô thị và không gian sinh thái nông nghiệp; hình thành các quảng trường, công viên, đại lộ cây xanh kết hợp với rừng phòng hộ để hình thành không gian công cộng ven biển; hình thành không gian kết nối Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo…