Aa

Quảng Trị: Khảo sát khu vực triển khai lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia

Thứ Sáu, 24/11/2023 - 11:31

Di tích “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626)” là một trong những di tích tiêu biểu của Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; là di sản văn hóa có giá trị nổi bật.

Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có chuyến khảo sát thực địa khu vực triển khai lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558- 1626)” tại các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Đoàn khảo sát khu vực triển khai lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia

Di tích “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626)” là một trong những di tích tiêu biểu của Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; là di sản văn hóa có giá trị nổi bật không chỉ của tỉnh Quảng Trị mà còn của cả đất nước. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài của lịch sử trên một vùng đất vốn chịu nhiều biến động, bởi các cuộc chiến tranh tàn khốc, cộng với sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai, hạn hán, bão lụt... đã xoá nhòa những dấu tích, những di sản văn hoá một thời từng là thủ phủ, là “kinh đô” của một triều đại vốn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Các yếu tố gốc để có thể nhận diện được quy mô, diện mạo, cấu trúc cụ thể của từng di tích trước đây đã bị thay đổi, biến dạng...

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và huyện Triệu Phong xây dựng hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn” tại huyện Triệu Phong năm 2018. Tuy nhiên, Di tích sau khi được xếp hạng quốc gia vẫn chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Nhằm quản lý tốt công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626)” gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân cũng như để di tích được bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm với giá trị lịch sử, việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là thực sự cần thiết.

Qua khảo sát thực địa Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị UBND huyện Triệu Phong và các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu khoanh vùng cần bảo vệ của di tích; có định hướng quy hoạch rõ ràng trên cơ sở tôn trọng và sử dụng hợp lý quy hoạch cũ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn” không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đồng thời hạn chế việc giải phóng mặt bằng nhưng phải đảm bảo được giá trị lịch sử của di tích.

Để đạt được yêu cầu đó, UBND huyện Triệu Phong và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại diện tích trong vùng di tích phù hợp với hiện trạng, không nên mở rộng quá nhiều, xây dựng di tích theo điểm, nếu vướng dân cư thì đưa vào trong vùng bảo vệ di tích. Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng tại điểm di tích dự kiến xây dựng đền thờ, tượng đài Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, nhà trưng bày hiện vật, quảng trường, các điểm khác mang tính chất kết nối để hoàn chỉnh di tích.

Quá trình lập quy hoạch, cần tính toán đến yếu tố sử dụng đường bộ, đường thủy để kết nối với các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch khác của huyện và các địa phương khác. Sau khi đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện Triệu Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời công bố quy hoạch di tích Nguyễn Hoàng và đẩy mạnh truyền thông về những giá trị lịch sử, công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đặc biệt là công lao mở cõi, qua đó tạo sự đồng thuận trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di sản.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top