Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1737/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là 4.701,23km2, bao gồm diện tích tự nhiên trên đất liền và đảo Cồn Cỏ (10 huyện, thị xã, thành phố) và phần không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp – dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông MêKông (GMS).
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp – dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.
Tỉnh sẽ tập trung vào các khâu đột phá như tăng cường huy động đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao nguồn nhân lực và ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào việc phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, trong đó xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp khai thác, phát huy các giá trị sinh thái đặc thù; phát triển bao trùm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ thành quả phát triển.
Quy hoạch tỉnh cũng xác định rõ phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) và phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Trong đó, có 4 nhóm ngành KT-XH quan trọng gồm: công nghiệp – xây dựng; dịch vụ; du lịch; nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đến năm 2030, phát triển hệ thống đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gồm 18 đô thị và đến năm 2050 có 19 đô thị.
Xây dựng mô hình phát triển bền vững khu vực nông thôn trên cơ sở duy trì tối đa sự ổn định của hệ thống khu dân cư sẵn có, phát triển các khu dân cư mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của dân cư nông thôn. Đồng thời triển khai quyết liệt, có hiệu quả các phương án về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong phương án phát triển 7 khu chức năng, quy hoạch tỉnh xác định phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, trở thành cực phát triển quan trọng của vùng, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng.
Xây dựng Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại, dich vụ, du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) – Đensavằn (Lào); đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và hạ tầng dịch vụ đồng bộ tại Khu cửa khẩu quốc tế La Lay. Hoàn thiện 9 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.500ha; phát triển khu du lịch biển đảo Cửa Việt – Cửa Tùng – Cồn Cỏ thành khu trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp, văn hóa lịch sử của vùng Bắc Trung Bộ và là khu vực tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Hoàn thành khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Trị tại TP. Đông Hà hoặc vùng phụ cận; xây dựng nhà thi đấu tiêu chuẩn quốc tế tại sân bay Quảng Trị. Lựa chọn các di tích trọng điểm đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới nhằm nâng tầm giá trị và làm giàu văn hóa Quảng Trị. Xây dựng cơ sở, trạm nghiên cứu, thực nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa; xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu Ngã Năm tập trung thuộc xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Tập trung xây dựng công trình phòng thủ cho cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trong phòng chống thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần và đảm bảo cho nhiệm vụ quốc phòng khi có chiến tranh xảy ra.
Để thực hiện được các quan điểm, mục tiêu quy hoạch tỉnh đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đề ra, cần thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp, bao gồm: huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; khoa học công nghệ; cơ chế, chính sách; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; liên kết phát triển; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các dự án động điểm, dự án có tính chất liên kết vùng, tạo động lực phát triển. Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện.