Quay cuồng trong cơn sốt đất
Kể từ thời điểm sau Tết, thị trường bất động sản đã chứng kiến sự xuất hiện của ma trận sốt đất cục bộ. Trong đó, Đà Nẵng Vân Đồn (Quảng Ninh), Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang được coi là những “tâm điểm” trên thị trường bất động sản khi lượng giao dịch tăng đột biến, giá đất đẩy cao phi mã tại một số khu vực. Kiếm trăm triệu trong một lần giao dịch, bỏ việc văn phòng đi buôn đất hay vác cả bao tiền đi mua đất… là những hình ảnh đang được báo chí nhắc tới tại các thị trường “nóng”.
Tại Đà Nẵng, bao gồm Q.Linh Chiểu, Q.Ngũ Hành Sơn (thuộc khu Tây Bắc và khu Nam) giá đất nhảy múa, dao động mạnh. Một số lô đất giá 500 triệu đồng có thể tăng lên tới 1 tỷ đồng trong vòng 1-2 tháng. Đặc biệt, những lô đất ven biển cũng có mức giá tăng mạnh, từ 9-10 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước Tết.
Tại Vân Đồn (Quảng Ninh), mặc dù thị trường bất động sản nơi đây đã trở nên sôi động ngay sau khi có quyết định mở lại giao dịch. Tuy nhiên, phải đến thời điểm sau Tết Nguyên đán, cuộc đổ xô về Vân Đồn săn đất mới thực sự nhộn nhịp. Các dự án đất nền phân lô đã nhanh chóng hết hàng. Đa phần chủ yếu là các cuộc sang tên, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư với nhau hoặc với môi giới. Theo thống kê, giá đất tại Vân Đồn gia tăng tới 30% tại các khu vực như Cái Rồng, KĐT Thống Nhất…
Trong khi đó, ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), những lô đất giá 1,5 tỷ đồng đã nhanh chóng hết hàng. Nhiều sàn còn không có hàng để bán. Tại khu vực giáp Q.0, Q.2 (TP.HCM) như Đại Phước, Phú Đông giá tăng ít nhất 20% trong vòng 2 tháng. Thậm chí, có những nền vị trí đẹp giá tăng đột biến từ 30-40%/2 tháng.
Cơn sốt đất tại các địa phương đã kéo theo sự đổ bộ của các nhà đầu tư từ tỉnh khác về găm hàng.
Mạo hiểm khi đánh cược!
Theo giới đầu tư nhận định, những cơn sốt đất chỉ kéo dài từ 1 – 3 tháng hoặc có thể lên tới 6 tháng. Ở thời điểm này, giá đất được đẩy lên nhanh chóng, hoạt động giao dịch trao tay diễn ra mạnh, tính thanh khoản tốt. Sự xuất hiện một số trường hợp kiếm vài trăm triệu đến tiền tỷ chỉ trong chớp nhoáng đã tạo ra tâm lý đổ xô vào thị trường để găm hàng, kiếm lời.
Tuy nhiên, thực tế, trường hợp kiếm tiền tỷ thì ít nhưng người trắng tay là nhiều nhất là ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản tại một số địa phương vẫn còn non trẻ, dễ chịu tác động từ quyết định, chính sách của cơ quan quản lý. Hoặc trong trường hợp khác, khi xuất hiện thông tin trái chiều về thị trường, nhà đầu tư đã buộc phải cân nhắc và cẩn trọng hơn khi xuống hàng. Hiện tượng đổ vỡ domino là điều không tránh khỏi.
Như chia sẻ của ông Quang Minh (nhà đầu tư tại Vân Đồn) cho biết: “Cứ thấy sốt đất là người người đổ vào đầu tư mà không quan tâm tới vấn đề về pháp lý. Biết dự án đất nền chưa hoàn thiện về pháp lý, chưa chắc chắn về sổ đỏ nhưng người ta vẫn bất chấp để mua mà điển hình như ở Vân Đồn. Họ cứ truyền tai nhau về kiếm tiền tỷ thì dễ mà không hiểu rằng, nếu Vân Đồn có quyết định thanh tra mạnh về chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay thắt chặt vấn đề làm sổ đỏ thì rõ ràng người mua sẽ gần như đóng băng vốn đầu tư. Thông thường khi nhảy vào thị trường bất động sản đang trong cơn sốt thì rủi ro đầu tư là rất lớn”.
Câu chuyện của thị trường Vân Đồn cách đấy hơn nửa năm là minh chứng rõ ràng về hệ lụy mua bán nháo nhào trong cơn sốt đất. Hay thị trường bất động sản Đà Nẵng bị vỡ trận vào thời điểm cuối năm 2017.
Ở góc độ khác, ông Duy Tài (Giám đốc bất động sản tại Đà Nẵng) cho rằng: “Rủi ro là như vậy nhưng vẫn muốn lợi nhuận tốt, nhà đầu tư buộc phải chấp nhận cuộc chơi. Nếu may mắn sẽ lướt sóng tốt, biết điểm dừng, lợi nhuận tốt. Nếu là người chậm chân, giữ hàng đúng thời điểm thị trường đóng băng thì sẽ bị đóng vốn đầu tư”.