Aa

Quốc hội chính thức thông qua Luật các TCTD sửa đổi, mở đường cho phá sản ngân hàng

Thứ Ba, 21/11/2017 - 05:02

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi với nhiều thay đổi đáng chú ý, trong đó có bổ sung riêng một mục về phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Chiều ngày 20/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Kết quả, 90,43% số đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó tỷ lệ tán thành là 88,8%.

Một trong những nội dung tâm điểm của lần sửa đổi này là việc Quốc hội bổ sung thêm Mục 1e: Phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, được xem như là động thái mở đường cho phá sản ngân hàng.

Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật các TCTD sửa đổi.

Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật các TCTD sửa đổi.

Theo nội dung Luật sửa đổi, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét.

Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Phương án phá sản bao gồm 4 nội dung tối thiểu. Một là đánh giá thực trạng và quá trình xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản.

Quốc hội chính thức thông qua Luật các TCTD với tỷ lệ tán thành 88,8%.

Quốc hội chính thức thông qua Luật các TCTD với tỷ lệ tán thành 88,8%.

Hai là đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng;

Ba là phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân;

Bốn là lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.

Về tổ chức thực hiện phương án phá sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.

Đặc biệt, Quốc hội quyết định bổ sung cụm từ “chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào sau cụm từ “tổ chức tín dụng” tại tên Điều 156, khoản 2 và khoản 4 Điều 156, đồng nghĩa chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng có thể bị phá sản.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 1 năm 2018.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top