Aa

Quốc hội chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2, quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Hai, 28/11/2022 - 09:49

Sáng 28/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp thứ 17 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tại phiên họp, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc với sự đồng thuận, thống nhất cao, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 06 luật, 13 nghị quyết; thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật; giám sát tối cao 01 chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác.

Những nội dung quan trọng được Quốc hội ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra để các cơ quan, tổ chức có cơ sở triển khai, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và tiếp tục tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.

Kết quả của kỳ họp tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, gần dân, sát với thực tiễn; đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; trong đó có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, Nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Việc mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố dự thính các phiên họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực cho đại biểu các cơ quan dân cử, thể hiện mối quan hệ gắn bó, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm của các cơ quan dân cử, cần tiếp tục triển khai ở các kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Bên cạnh những kết quả tích cực, Tổng Thư ký Quốc hội cũng nêu một số hạn chế còn tồn tại như: Vẫn còn tình trạng gửi tài liệu của một số dự án luật còn chậm so với yêu cầu; một số nội dung được gửi xin ý kiến trong thời gian ngắn…

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội các nội dung: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách;...

Về thời gian và hình thức họp, căn cứ tiến độ chuẩn bị các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12/2022 thì đề nghị tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2/2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Phương án 2: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 1/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến; họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ).

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).

Theo đề nghị của Chính phủ, kỳ họp bất thường thứ 2 thảo luận quyết định 5 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thứ hai, xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thứ ba, xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Thứ tư, xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022).

Thứ năm, cho ý kiến về 3 dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo tại phiên họp thú 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Đối với công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 17 ngày, họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày thứ hai 22-5-2022, trong đó sẽ thảo luận một số dự án luạt và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác...

Tại kỳ họp này, Quốc hội thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về một số nội dung cần thiết trước khi trình Quốc hội.

Nêu ý kiến về việc tổ chức kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị nên tổ chức họp tập trung tại Nhà Quốc hội vì số ngày diễn ra kỳ họp ngắn, nội dung không nhiều, nếu tiến hành họp theo phương thức cả tập trung và trực tuyến là không cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu cấp bách, cần bố trí tổ chức Kỳ họp trong khoảng thời gian10 ngày đầu tiên của tháng 1/2023. Về hình thức tổ chức, tùy thuộc vào công tác chuẩn bị, đề nghị cân nhắc lựa chọn hình thức họp trực tuyến để đảm bảo tính linh hoạt.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra  trong tuần đầu tiên của tháng 1 năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục cân nhắc một trong hai phương án: phương án 1 theo hình thức họp trực tuyến (tập trung ĐBQH hoạt động chuyên trách và kết nối với các điểm cầu tại địa phương) và phương án 2, tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top