Aa

Đại biểu Quốc hội “truy“ việc xây dựng nhà cao tầng tại một số khu đất trong nội độ

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 04/11/2022 - 06:05

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường dẫn hai thí dụ tại 175 Nguyễn Thái Học và 61 Trần Phú: "Đề nghị Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã thực hiện đúng theo các quy định tại Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hay chưa?".

Thực hiện Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 837/QĐ-TTg ngày 04/6/2014; phê duyệt Điều chỉnh tại Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 19/01/2017, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Tại Báo cáo số 91/BC-BXD (m) ngày 14/5/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai lập đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở Bộ ngành và tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18/10/2019, Bộ Xây dựng đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về các phương án quy hoạch, trong đó, đã xác định số lượng cơ quan cần di dời, địa điểm và phương án quy hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở Bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển tại Khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại Khu vực Mễ Trì. Phương án di dời gồm 2 nhóm sau:

Nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ bao gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới (Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và môi trường; Bộ Khoa học và công nghệ; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban dân tộc; TW Hội Nông dân (7 cơ quan đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; 01 cơ quan là Bộ Ngoại giao đang hoàn thiện)  và 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ (Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Ngân hàng nhà nước; VPCP; Viện hàn lâm KHXH Việt Nam; Viện Hàn lâm KHKTVN; Đài tiếng nói VN; Đài truyền hình VN; Thông tấn xã VN; Học viện chính trị hành chính quốc gia HCM; Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam).

Nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan, đó là: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa thể thao và du lịch; Bộ Thông tin truyền thông; Bộ Lao động thương binh và xã hội; Bộ Xây dựng (Các cơ quan này đã đề xuất xây dựng trụ sở mới tại khu vực quy hoạch xây dựng các trụ sở bộ ngành); Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam (Thực hiện di dời theo Quy hoạch chi tiết trung tâm Ba Đình được phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013).

Tại báo cáo Bộ Xây dựng gửi tới Quốc hội đã nói rõ công tác di dời còn triển khai chậm do hai nhóm nguyên nhân chính:

Một là công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan),

Hai là các bộ, ngành và Thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Nhóm vấn đề di dời các bộ, ngành, cơ quan nhà nước ra khỏi nội đô Hà Nội tiếp tục trở thành chủ đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vào chiều 3/11/2022.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nêu: "Cử tri cho rằng hiện nay quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi khu vực nội thành rất nhiều trường hợp lại được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân theo quy định định hướng chung và như vậy không đạt được mục đích giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình). Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời: Theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời.

Nguyên tắc thứ nhất là ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Nguyên tắc thứ hai là đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho di dời.

Nguyên tắc thứ ba là các công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc cần được bảo tồn, phục chế, tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa và ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng.

“Trong quá trình thực hiện di dời thì phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc này và Thủ tướng Chính phủ đã xác định trong Quyết định 130 và phải thực hiện theo đúng các quy hoạch đô thị. Quá trình xem xét cấp phép đầu tư dự án cũng phải đảm bảo đúng quy hoạch phát triển đô thị và trách nhiệm này là thuộc về các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao trong Quyết định 130”, ông Nghị nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 3/11/2022. Ảnh: quochoi.vn

Chưa hài lòng với câu trả lời, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã bấm nút tranh luận và đặt vấn đề: “Tôi có chất vấn Bộ trưởng câu hỏi là sau khi di dời các doanh nghiệp, các cơ quan ra khỏi nội thành thì có tình trạng sử dụng quỹ đất đó để xây dựng nhà chung cư, xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng gây nên áp lực về hạ tầng giao thông, không làm giảm tăng dân số trong khu vực nội thành. Bộ trưởng có nói đến Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rất rõ sau khi di dời thì quỹ đất đó phải được ưu tiên sử dụng cho các cơ sở hạ tầng, cho cây xanh.

Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều trường hợp không phải thực hiện đúng theo quyết định đó. Ví dụ, Nhà máy in Tiến bộ ở 175 Nguyễn Thái Học sau khi di dời chúng ta lại xây dựng Trung tâm thương mại Plaza, hay khu trụ sở ngay sau Văn phòng Quốc hội của Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện ở 61 Trần Phú cũng là công trình chức năng cao tầng, 11 tầng, còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã thực hiện đúng theo các quy định tại Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hay chưa?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phản hồi: “Liên quan đến ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, sau khi di dời các trụ sở thì sử dụng quỹ đất làm chung cư, gây áp lực hạ tầng giao thông. Báo cáo đại biểu, trong 3 nguyên tắc để sử dụng quỹ đất sau di dời như đã báo cáo với Quốc hội thì có nguyên tắc là không sử dụng để xây dựng nhà ở cao tầng sai quy hoạch. Do đó trong quá trình rà soát tổng thể nếu đảm bảo thực hiện theo đúng quy hoạch phê duyệt và trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng đảm bảo theo quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng quy hoạch, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng và đúng quy hoạch thì có thể triển khai thực hiện. Nguyên tắc sử dụng theo Quyết định trong 30 của Thủ tướng Chính phủ đối với quỹ đất sau di dời cũng đã tương đối rõ và ra chúng ta đang triển khai thực hiện theo nguyên tắc đó”.

Chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác đầu tư xây dựng các trụ sở mới

Cùng quan tâm tới vấn đề này, Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: "Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiến độ di dời các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội trong thời gian qua và giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ di dời trong thời gian tới?".

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc). Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời: Thực hiện Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp cũng như các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành trung ương, đến nay phải nói là diễn ra chậm với một số nguyên nhân:

Thứ nhất là còn có cơ quan chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 130, như là chậm xây dựng đề án di dời bao gồm danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời.

Thứ hai là nguồn ngân sách bố trí cho việc di dời trụ sở và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khu vực quy hoạch trụ sở mới trong khi nhu cầu vốn rất lớn mà ngân sách chúng ta còn hạn chế.

Thứ ba là chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác đầu tư xây dựng các trụ sở mới.

“Về trách nhiệm, phải nói là Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chung về việc thực hiện giám sát, đôn đốc công tác này cũng chưa thực sự hiệu quả trong thời gian vừa qua. Trách nhiệm thứ hai là các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cũng chưa quyết liệt, chưa đúng như nhiệm vụ Thủ tướng giao”, ông Nghị chỉ rõ.

Giải pháp trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Xây dựng, các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, xác định các danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện, đồng thời cũng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ di dời để đảm bảo theo đúng nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 130.

Các bộ như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, quy hoạch giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô để trình Thủ tướng phê duyệt, lập danh mục xây dựng biện pháp, lộ trình di dời cũng như sử dụng quỹ đất sau di dời.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với bộ, ngành, thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách di dời, đảm bảo phù hợp với mục tiêu theo Quyết định 130, đảm bảo đáp ứng đúng Nghị định 167 và Nghị định 67 của Chính phủ. Thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện công tác rà soát, lập đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng chấp thuận và lập quy hoạch phân khu đô thị cũng như xác định quỹ đất phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về kiến trúc, cảnh quan đô thị cũng như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top