Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành với dự thảo luật về việc duy trì hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.
Nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập. Một số ý kiến đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, vì việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật quy định Chính phủ xem xét, quyết định giao một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trên thực tế, tại các cơ quan này đã tổ chức đơn vị tham mưu về công tác thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong một số luật đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, việc dự thảo Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Việc thành lập này về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội quy định rõ trong Luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập theo hướng Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trong 03 trường hợp: (1) Theo quy định của luật; (2) Tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; (3) Theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi Luật được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ rà soát kỹ các cơ quan hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo hướng chỉ cơ quan nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nguyên tắc và thực sự cần thiết, có đủ năng lực thì mới được thành lập cơ quan thanh tra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy.
Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc của các cơ quan để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đảm bảo đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Góp ý về nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra và thanh tra chuyên ngành quy định tại Điều 47 và Điều 48 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An đề nghị xem xét, bổ sung thêm một điểm vào Khoản 1 Điều 47 sau Điểm b về ban hành quyết định thanh tra với nội dung Điểm c là ban hành và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra của dự thảo luật và sửa lại thứ tự các điểm cho phù hợp.
"Tại quy định về kế hoạch tiến hành thanh tra, dự thảo Luật đang quy định kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra do Trưởng Đoàn thanh tra xây dựng và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt. Như vậy, sau khi người ra quyết định thanh tra ban hành quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt làm căn cứ thực hiện việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra là một bước quan trọng trong trình tự tiến hành một cuộc thanh tra, cụ thể là một bước trong trình tự, thủ tục chuẩn bị thanh tra", bà An nêu.
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng, đây là luật chuyên ngành về hoạt động thanh tra, còn hoạt động kiểm tra đã có các văn bản khác điều chỉnh, do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định nội dung kiểm tra trong Điều 6 và các cái điều luật khác trong dự thảo Luật nhằm tách bạch các hoạt động thanh tra và kiểm tra.
Về xử lý vi phạm trong cái quá trình thanh tra thì tại khoản 3 Điều 66 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng là: Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn Thanh tra phải báo cáo ngay cho người ra quyết định thanh tra để nhanh chóng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, đây là luật chuyên ngành về hoạt động thanh tra, còn hoạt động kiểm tra đã có các văn bản khác điều chỉnh, do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định nội dung kiểm tra trong Điều 6 và các cái điều luật khác trong dự thảo Luật nhằm tách bạch các hoạt động thanh tra và kiểm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra; đề cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, bảo đảm hoạt động thanh tra được tiến hành đúng mục đích, tuân thủ pháp luật, khách quan, kịp thời, chính xác.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, quy định cụ thể và phân định rành mạch trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của Đoàn thanh tra. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra; xem xét, ban hành kế hoạch thanh tra hằng năm (Điều 6 và Điều 43); yêu cầu cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm hoạt động của Đoàn thanh tra được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật (Điều 50).
Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm ban hành quyết định thanh tra khi có căn cứ theo quy định của Luật (Điều 49 và Điều 57); thành lập Đoàn thanh tra, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra (Điều 58 và Điều 59); xem xét báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình (Mục 4 Chương IV). Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra; tuân thủ trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra và báo cáo kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra theo quy định (Mục 2 - Mục 5, Chương IV). Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về kết quả thanh tra, về nội dung kết luận thanh tra trước người ra quyết định thanh tra (Điều 51 và Điều 73).
Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra, dự thảo Luật bổ sung quy định “Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp”; đồng thời, làm rõ các nội dung theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành (Điều 76).
Ngoài các vấn đề nêu trên, tại Báo cáo đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo tiếp thu, giải trình nhiều ý kiến khác của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 08 chương, 118 điều và đã đạt sự đồng thuận của Chính phủ.
Đối với ý kiến đề nghị thành lập cơ quan thanh tra tại một số Cục thuộc Tổng cục là đơn vị ngành dọc đóng tại địa phương hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 không quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại Cục là đơn vị đóng tại địa phương thuộc Tổng cục. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy để đáp ứng yêu cầu quản lý, một số luật hiện hành như Luật Quản lý thuế, Luật Thống kê đã quy định giao các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương (Cục Thuế, Cục Hải quan, Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan địa phương, Cục Thống kê cấp tỉnh) thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2017 - 2021 các đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại 63 Cục Thuế cấp tỉnh đã thực hiện hơn 31 nghìn cuộc thanh tra, chiếm 99% tổng số cuộc thanh tra của toàn ngành, qua đó thu hơn 33,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78% số thu qua thanh tra toàn ngành.
Như vậy, nếu không tổ chức cơ quan thanh tra tại Cục Thuế địa phương thì chỉ với đội ngũ công chức tại Thanh tra Tổng cục Thuế không thể đảm đương được khối lượng công việc rất lớn mà các cơ quan thanh tra thuế tại địa phương đang đảm nhiệm. Bộ Tài chính cho rằng nếu bỏ chức năng thanh tra của Cục Thuế, Cục Hải quan (tỉnh, khu vực) thì ngân sách nhà nước sẽ có nguy cơ thất thu thuế nhiều nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra (khoản 3 Điều 18 của dự thảo Luật). Việc ràng buộc điều kiện “được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra” sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị này, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đối với Chi cục đóng tại địa phương, do hoạt động của Thanh tra Cục có thể bao quát được yêu cầu về thanh tra ở các địa bàn Chi cục phụ trách, đề nghị không quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Chi cục.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho hay, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội , Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung, làm rõ các quy định về tránh sự chồng chéo, trùng lặp ngay trong nguyên tắc hoạt động thanh tra. Bổ sung quy định dự phòng để xử lý chồng chéo, trùng lặp phát sinh ngoài các tình huống đã được dự liệu trong luật.