Aa

Quỹ ETFs đổ bộ thị trường Việt

Thứ Tư, 30/06/2021 - 16:45

Bên cạnh quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã giải ngân, mới đây, thị trường Việt Nam đón nhận thêm thông tin quỹ Asian Growth Cubs ETF (CUBS) cũng có kế hoạch vào Việt Nam.

Chỉ trong vài tháng đầu năm, sau quỹ Fubon FTSE Vietnam từ Đài Loan xuất hiện, thị trường lại đang có thêm quỹ Asian Growth Cubs ETF (CUBS) cũng có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Để làm rõ hơn sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam.

- Thưa ông với việc quỹ Fubon và quỹ CUBS đã và đang có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam, điều này cho thấy thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại đã đủ hấp dẫn chưa thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Minh: Quỹ Fubon FTSE Vietnam họ thông qua chỉ số ETF để đầu tư vào Việt Nam, còn quỹ CUBS US cũng là một sản phẩm ETF nhưng có cách thức đầu tư hơi khác. Đối với các quỹ  có xu hướng đổ tiền vào Việt Nam thì đây là một xu hướng chung, bởi Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, dư địa tăng trưởng còn nhiều như dư địa về quy mô, dư địa về tốc độ tăng trưởng và các yếu tố vĩ mô khác trong thời gian qua đã chứng minh thị trường Việt Nam ổn định hơn so với nhóm thị trường cận biên.

Như chúng ta đã biết rủi ro của thị trường cận biên rất cao, bao giờ xếp hạng tín dụng đối với chúng ta luôn ở mức dưới trung bình tức là mức rủi ro cao. Nhưng bao giờ rủi ro cao cũng đi cùng với mức lợi nhuận cao hơn so với các nước phát triển và thị trường mới nổi.

Chúng ta có thể thấy rằng trong thời gian Việt Nam vẫn duy trì các yếu tố vĩ mô tăng  trưởng dương, cùng với đó là khả năng kiểm soát lây lan dịch bệnh COVID -19 đã giúp thị trường tăng trưởng tốt từ năm 2020 cho đến nay. Với chỉ số VN-Index, VN30 tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có những tăng trưởng cao nhất, thuộc top đầu thế giới. Đây cũng là một yếu tố thu hút dòng tiền vào thị trường nhất là các quỹ ETF.

Các quỹ ETF họ quan tâm đà tăng trưởng của thị trường chứ không xét nhiều yếu tố rủi ro khác, nhưng riêng với các thị trường tăng trưởng cao thì luôn là điểm đến họ quan tâm.

Riêng quỹ CUBS US có đặc điểm mang tính loại trừ: Họ đưa ra các tiêu chí về mặt cơ bản tài chính để loại trừ các doanh nghiệp, thị trường quá rủi ro để không đầu tư . Điều này khác so với các quỹ ETF khác do họ không yêu cầu về các tiêu chí cơ bản tài chính để lựa chọn thị trường, cổ phiếu đầu tư. Việc CUBS đưa tiêu chí này vào có nghĩa rằng họ e ngại mức độ rủi ro của thị trường cận biên nên dựa vào tiêu chí tài chính để giảm bớt rủi ro.

Thông thường các quỹ ETF sẽ lựa chọn vào các tiêu chí kỹ thuật: Vốn hóa, giá trị than khoản, khối lượng giao dịch, room nhà đầu tư nước ngoài… hơn là các tiêu chí cơ bản. Nhưng CUBS lại phân bổ đều các tiêu chí vừa cơ bản vừa kỹ thuật.

Ảnh minh họa.

- Với làn sóng các quỹ ETF sẽ hút dòng vốn ngoại đến thị trường Việt Nam, sẽ tác động ra sao tới thị trường?

Ông Nguyễn Thế Minh: Xu hướng dòng vốn các quỹ ETF sẽ là dòng vốn chủ đạo của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chiếm tỷ lệ lớn nhưng nó sẽ cân bằng với các quỹ đầu tư trên thị trường cơ sở hiện nay.

Đơn thuần các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam kể cả nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức sẽ mất rất nhiều thời gian, thay vào đó họ sẽ lựa chọn sản phẩm về quỹ đầu tư.

Và trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, làn sóng rút ra khỏi các quỹ truyền thống đổ vào các quỹ ETF có xu hướng tăng lên, qua đó để đổ tiền đầu tư vào các thị trường mới nổi. Do vậy, xu hướng sắp tới các quỹ sẽ thành lập ra nhiều sản phẩm của các quỹ ETF để đầu tư và dễ thu hút dòng tiền vào các thị trường cận biên hơn thay vì thành lập các quỹ đóng. Quỹ đóng trong những năm vừa qua không hiệu quả nên thời gian tới các quỹ ETF sẽ là chủ đạo.

Tôi cho rằng đây sẽ là dòng tiền chính sẽ đổ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện tại ở thị trường châu Á, các sản phẩm quỹ ETF đang phát triển rất mạnh, nhất là tại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan là 3 thị trường có sự phát triển lớn sản phẩm ETF. Tại Việt Nam, hiện số lượng quỹ ETF so với lượng tổng cổ phiếu trên thị trường đang tương đối thấp, trong khi đó các thị trường mới nổi hay phát triển khác tỷ lệ này số lượng quỹ ETF chiếm 10 - 15% trên tổng số cổ phiếu niêm yết trên thị trường, như vậy dư địa phát triển các sản phẩm ETF tại Việt Nam sẽ rất lớn.

Bên cạnh đó, xu hướng sắp tới sẽ là xu hướng cá nhân hóa, nên các sản phẩm ETF sẽ là sự dịch chuyển chủ đạo vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

- Khi đã thu hút được dòng vốn ngoại qua các quỹ ETF, theo ông cần làm như thế nào để giữ chân các quỹ ETF?

Ông Nguyễn Thế Minh: Theo tôi, muốn giữ chân các quỹ ETF, thì: Thứ nhất, thị trường cần nhiều hàng hóa lớn, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hơn nữa, hiện cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ quanh quẩn nhóm VN30, phải có các cổ phiếu vốn hóa lớn trong các nhóm như VN100. Cần đẩy nhanh việc cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước đa phần là doanh nghiệp lớn. Hiện  thị trường vẫn đang thiếu vắng các cổ phiếu này.

Thứ hai, đảm bảo tính thanh khoản của thị trường. Để làm được cần phải thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân vào thị trường nhiều hơn, số lượng tài khoản cá nhân đang tăng mạnh nhưng để giữ chân nhà đầu tư cá nhân cần nhiều giải pháp như về mặt các sản phẩm tài chính như T0 để thu hút dòng tiền các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường, các sản phẩm quản lý tài sản đầu tư cá nhân….

Thứ ba, đẩy mạnh room nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài việc chúng ta nâng room trực tiếp, cũng có thể nhanh chóng cho các doanh nghiệp phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Hiện chúng ta đã có định nghĩa NVDR trong Luật chứng khoán mới nhưng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể để phát hành NVDR. Khi có NVDR thì đây là giải pháp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể gia nhập thị trường, sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn.

Thứ tư, về việc minh bạch của thị trường. Đây là yếu tố không thể đo lường khái quát được, nhưng chúng ta có thể đưa ra các thang điểm để đo lường tính minh bạch. Ví dụ có thể đưa ra thang điểm về hoạt động quan hệ nhà đầu tư, chuẩn thang điểm để có thể chấm điểm các doanh nghiệp. Đấy có thể là thông tin cụ thể để các nhà đầu tư nước ngoài có thể thấy thị trường Việt Nam là một thị trường chuyên nghiệp khi có những thang điểm đánh giá, họ cũng có được thông tin tham khảo để đưa ra các quyết định có đầu tư vào cổ phiếu nào hay không.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top