Aa

Quy hoạch bán đảo Quảng An mang lại nhiều giá trị phát triển bền vững cho Thủ đô

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Tư, 10/08/2022 - 06:09

Câu chuyện quy hoạch khu vực bán đảo Quảng An và khu vực ven Hồ Tây đã được đề cập cách đây 30 năm, hiện nay đang là thời điểm thuận lợi để triển khai cụ thể.

Tiềm năng của bán đảo Quảng An "ngủ quên" hơn 30 năm

Vào giữa tháng 7 vừa qua, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư cho Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500. Hiện đồ án đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực.

Đồ án QHCT khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 được nghiên cứu lập nhằm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011); Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Tây Hồ và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 (được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 8/8/2014) và Đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực (được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 10/05/2021).

Mục tiêu của Đồ án là quy hoạch phát triển bán đảo Quảng An thành trung tâm, dịch vụ văn hóa, thương mại, du lịch chất lượng cao.

Theo thông tin UBND quận Tây Hồ công bố, Đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm bán đảo Quảng An có tổng diện tính nghiên cứu trên 77ha, trong đó, quy mô diện tích lập quy hoạch trên 45ha, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm: Phía Đông Bắc giáp đường Xuân Diệu; Phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ; Phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây; Phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.

Phân khu chức năng của khu vực quy hoạch là hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, trong đó bao gồm nhà hát quy mô lớn hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội; Kết hợp với khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Thành phố Hà Nội chủ trương thực hiện đầu tư xây dựng nhà hát quy mô lớn theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trong suốt quá trình thiết kế và thi công và vận hành công trình.

Đồ án quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm; mở rộng một số tuyến đường (đã nghiên cứu cụ thể trong thực tế) nhằm kết nối thuận tiện, thông suốt bên trong và bên ngoài khu vực; Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.

Theo đại diện quận Tây Hồ, Hồ Tây có khoảng 400ha cảnh quan mặt nước, xung quanh tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa, mang đặc trưng bản sắc Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, lâu nay khu vực vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có. Các hộ kinh doanh trên địa bàn chủ yếu mới chỉ khai thác dịch vụ lưu trú, du lịch, ăn uống quy mô nhỏ lẻ. Nghề trồng hoa cây cảnh truyền thống ở Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên có xu hướng mai một dần vì quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp…

Do đó, quận Tây Hồ xác định việc tập trung đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật; xây dựng, phát triển bán đảo Quảng An thành trung tâm dịch vụ văn hóa, thương mại, du lịch chất lượng cao…, nhằm khai thác tối ưu và bền vững những giá trị độc đáo riêng biệt ở đây mà không phải nơi nào ở Thủ đô Hà Nội cũng có được; hướng tới phát triển bán đảo Quảng An thành trung tâm, dịch vụ văn hóa, thương mại, du lịch chất lượng cao.

Tổ chức không gian kiến trúc tại khu vực nhằm thiết lập trục không gian kết nối từ khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - Hồ Tây - bán đảo Hồ Tây - Sông Hồng - thành Cổ Loa, góp phần bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước hồ Tây, hồ Đầm Trị..., các di tích đình, đền, chùa hiện có, đúng như định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Cho ý kiến về vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cho biết, từ sau năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch chung và 4 lần điều chỉnh địa giới. Sau khi điều chỉnh lại địa giới giữa Hà Nội và Hà Tây thì quy hoạch chung của toàn Thủ đô Hà Nội năm 1992 đã xác định có các khu vực đặc thù, các khu vực trung tâm văn hóa, đã nói rất rõ ngoài khu vực Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm còn có khu vực Hồ Tây.

Từ định hướng quy hoạch năm 1992 đã xác định phát huy giá trị của các khu vực này đồng thời đưa ra một yêu cầu rất chặt chẽ đó là bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của khu vực, không để xâm phạm hoặc làm sai phạm đến cảnh quan đó.

“Ngay sau quy hoạch chung năm 1992, Hà Nội rất quan tâm đến các khu trung tâm. Hà Nội đã có quy hoạch khu phố cổ, quy hoạch khu vực Hồ Gươm và năm 1994 có quy hoạch khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An. Trong quy hoạch này, khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An đã xác định được rõ chức năng, có các trung tâm văn hóa công cộng và đặc biệt đưa ra yêu cầu phục vụ cho du lịch, khai thác cảnh quan, đây là một điểm nhấn mới của Thủ đô Hà Nội”, ông Nghiêm nói.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, khu vực bán đảo Quảng An và khu vực ven phía tây Hồ Tây đã hình thành được 2 trục không gian. Trục không gian ở phía tây Hồ Tây và điểm xuất phát từ vành đai 3 và một trục ở bán đảo Quảng An, sau năm 1995 được đặt tên là đường Đặng Thai Mai. 

Đến năm 1998, trong Quy hoạch chung Hà Nội và tiếp tục nhấn mạnh thêm nữa về vai trò của khu vực bán đảo Hồ Tây, xác định rõ rằng có trục không gian nối từ phía tây Hồ Tây giao cắt với trục Cổ Loa, Đặng Thai Mai, bán đảo Quảng An để tạo thành một trục không gian Thăng Long - Hà Nội truyền thống nhưng hiện đại.

“Quy hoạch năm 1998 cũng đã tạo ra một điểm nhấn của giao điểm này là khu vực Đầm Trị - khu vực gắn kết với các di tích lịch sử xung quanh. Có thể nói, sau quy hoạch năm 1998, khu vực bán đảo Quảng An và phía tây Hồ Tây đã nở rộ lên những công trình kiến trúc mà đến nay còn thể hiện là dấu ấn của kiến trúc Hà Nội, của Việt Nam như khách sạn Sheraton, Khách sạn Thắng Lợi… Các công trình được cải tạo chỉnh trang nhưng không chấp nhận việc cải tạo làm phá vỡ những di tích, bảo tồn rất chặt chẽ đường ven hồ”, ông Nghiêm chia sẻ. 

Đến năm 2008, sau khi mở rộng địa giới, Hà Nội có 3 năm nghiên cứu với sự tham gia của các tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài, thẩm định, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Hà Nội mới đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 (Quyết định 1259 hay còn gọi quy hoạch năm 2011) đã xác định được rất nhiều vấn đề như xác định trung tâm dịch vụ, văn hóa, thương mại nằm ở phía tây Hồ Tây và đặc biệt khu vực bán đảo Hồ Tây.

Lúc này đã đặt ra những chức năng như bảo tàng, nhà hát cấp quốc gia, vấn đề chức năng văn hóa được nhấn mạnh hơn nữa.

Quy hoạch năm 2011 lần này đã xác định rõ khu vực bán đảo Hồ Tây sẽ có một nhà hát hoặc một bảo tàng thích hợp. Tiếp tục thực hiện quan điểm này, chúng ta có quy hoạch phân khu hay còn gọi là quy hoạch phân khu A6 Hồ Tây, bán đảo Hồ Tây. Đây là quy hoạch tương đồng với quy hoạch năm 1994 tức sau gần hơn 20 năm. Trong quy hoạch phân khu A6 khẳng định rõ vị trí giao điểm giữa trục tây Hồ Tây và trục Cổ Loa là một nhà hát đa năng, xác định rõ vị trí các công trình phải bảo tồn, tôn tạo và đặc biệt có thể thể hiện lại các ý tưởng, các cảnh quan xung quanh.

Như vậy để có được quy hoạch phân khu A6, chúng ta đã trải qua một thời gian rất dài. Gần 30 năm, chúng ta đã đặt ra vấn đề làm trung tâm văn hóa nhưng làm cái gì thì đến quy hoạch A6 mới xác định đó là một nhà hát đa năng.

Lần này chúng ta mạnh dạn đặt ra một công trình mới, có thể nói đây là kế thừa định hướng rất chuẩn xác và đúng hướng từ quy hoạch năm 1992. Đồng thời, thành phố đã rút kinh nghiệm các bài học để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là mặt nước ở đây.

“Qua tất cả những điều trên, dù có trái chiều nhau đi chăng nữa, phải khẳng định rằng một nhà hát đa năng ở vị trí Đầm Trị là hợp lý. Vị trí này phải được thiết kế xứng tầm là công trình văn hóa thủ đô nhưng vẫn phải tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng các di tích lịch sử, đặc biệt kế thừa các công trình kiến trúc đã để lại dấu ấn của Hà Nội suốt từ quy hoạch bán đảo Hồ Tây từ năm 1994 đến nay”, ông Nghiêm khẳng định.

Nhiều chuyên gia uy tín và cử tri ủng hộ việc quy hoạch chi tiết khu bán đảo Quảng An tạo thuận lợi cho sự phát triển gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Cộng đồng nêu quan điểm: “Tôi cho rằng việc lấy ý kiến công khai tiến hành quy hoạch chi tiết tại khu vực Quảng An và ven Hồ Tây là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển. Nhiều năm nay tại khu vực này đã xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, đổ rác thải bừa bãi gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của nhân dân, cần thiết phải có các giải pháp phù hợp vừa khai thác được giá trị của Hồ Tây nói chung và khu vực Quảng An nói riêng. Tôi tin rằng với sự quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo mong muốn tạo được điểm nhấn trong phát triển gắn liền với các yếu tố văn hóa và gìn giữ cảnh quan môi trường sẽ được nhân dân, cử tri đồng tình ủng hộ”.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nhiều năm nay Hồ Tây nói chung và khu vực Quảng An nói riêng chưa tận dụng được lợi thế, chưa thực sự phát huy được tiềm năng, trong khi diện tích mặt nước tự nhiên lại bị lấn chiếm, môi trường bị hủy hoại là điều vô cùng xót xa.

“Xem đồ án quy hoạch chi tiết, tôi và nhiều người khác đều nhận thấy ở khu vực này có dự kiến xây dựng nhà hát Opera là phù hợp. Những năm qua đời sống của nhân dân Thủ đô đã được nâng lên rất nhiều, sự phát triển về kinh tế cũng cần có sự song hành nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Vì vậy, tôi cho rằng việc xây dựng nhà hát là cần thiết. Về kiến trúc thì sẽ có các nhà chuyên môn góp ý, tôi chỉ mong rằng thiết kế nhà hát này hiện đại nhưng cũng cần thể hiện được những nét văn hóa riêng biệt của Việt Nam. Tinh thần chung là chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ quy hoạch phát triển khu vực này và xây dựng nhà hát, nếu như làm được điều này thì sẽ để lại giá trị cho cộng đồng xã hội nhiều thế kỷ”, bà An cho biết.

Hồ Đầm Trị đang bị xâm lấn và đổ rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân trong khu vực

Cần sớm có quy hoạch chi tiết tạo nền tảng phát triển bền vững qua nhiều thế kỷ

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, về mặt định hướng, khu vực Hồ Tây đã được xác định quy hoạch từ năm 1992, nhưng cụ thể từng lô đất, từng khu vực được bố trí những công trình gì thì còn có sự khác nhau. Riêng bán đảo Quảng An đã có rất nhiều quy hoạch, ví dụ như quy hoạch phía tây Hồ Tây năm 1994, sau đó đến quy hoạch quận Tây Hồ, gần đây quy hoạch phân khu A6 cũng đã xác định rõ chức năng.

“Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để gắn kết các quy hoạch khu vực Hồ Tây này với tổng thể phát triển của thành phố Hà Nội. Đây là bài học từ khu vực phố cổ, khu vực Hoàn Kiếm như chúng ta đã thấy. Khu vực Hoàn Kiếm từ năm 1995 đã đặt ra phố đi bộ nhưng mãi tận hơn 15 năm sau chúng ta mới tổ chức được tuyến phố đi bộ. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải tuyên truyền để nhân dân thấy rõ rằng phát triển của Hà Nội không chỉ bó hẹp trong khu vực nội đô lịch sử, ở những khu vực chúng ta thường quan tâm như Hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình hay phố cổ mà phải phát triển xa hơn, nhưng Hồ Tây cũng là khu vực có tiềm năng rất lớn về văn hóa. Khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An cũng có nhiều di tích tầm cỡ quốc gia. Tại đây, có tới 30 di tích quốc gia đã xếp hạng và còn gần 25 di tích chưa xếp hạng nhưng rất có giá trị”, ông Nghiêm nói.

Từ những năm 2012 đã có nhiều hội thảo quốc tế, chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề xuất nhà nước công nhận khu vực Hồ Tây là danh lam thắng cảnh quốc gia, là di tích đặc biệt, tuy nhiên đến nay chưa triển khai được.

“Tôi cho rằng vấn đề mấu chốt nhất để tránh những ý kiến trái chiều với nhau là phải tiếp cận được tổng thể, thấy được mục tiêu phát huy, khai thác giá trị văn hóa rất phong phú, rất đa năng của khu vực này, tạo động lực mới để tiếp tục phát huy những định hướng mà chúng ta đã đặt ra từ gần 30 năm nay. Đây là một tiềm lực rất lớn để chúng ta phát triển Hà Nội hướng tới năm 2030 trở thành thành phố xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại”, ông Nghiêm nhận định.

PGS.TS Bùi Thị An: "Cần thiết phải có các giải pháp phù hợp vừa khai thác được giá trị của Hồ Tây nói chung và khu vực Quảng An nói riêng". Ảnh: NVCC

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS. TS Bùi Thị An đánh giá tiềm năng phát triển của khu vực Hồ Tây vô cùng lớn, đây là thời điểm thành phố cần quyết tâm triển khai thành công quy hoạch chi tiết với khu vực Quảng An cũng như các vùng phụ cận liên quan, song song với phát triển hiện đại cũng cần lưu ý bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

Bà An nói: “Tôi được biết đa phần cử tri, nhân dân đều ủng hộ chủ trương tiến hành quy hoạch chi tiết để tạo nền tảng phát triển bền vững cho khu vực này, một số ý kiến còn bày tỏ băn khoăn thì các cơ quan có trách nhiệm cần tiếp tuyên truyền, lắng nghe và điều chỉnh phù hợp làm sao để có được một đồ án quy hoạch chi tiết với tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển hàng trăm năm sau này. Chúng ta phải hiểu rằng bảo tồn không có nghĩa là cứ để cho mọi thứ diễn ra một cách tự phát như lâu nay và bị lấn chiếm rồi xả rác khắp nơi không xử lý được, mà cần phải được triển khai một cách khoa học dựa trên các quy định của pháp luật và sự đồng thuận của đại bộ phận nhân dân, khai thác được các giá trị tiềm năng vốn có và duy trì nền tảng phát triển bền vững”.

Ngày 20/7, các đại biểu HĐND TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 5) đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ sau Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại đây, nhiều cử tri đề nghị các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có ý kiến với lãnh đạo thành phố quan tâm hơn nữa đến quy hoạch chi tiết khu vực Quảng An, trong đó có khu vực nhà hát Opera Hà Nội để dự án sớm triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn, tạo điều kiện phát triển quận Tây Hồ.

Liên quan đến quy hoạch chi tiết khu vực Quảng An, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin, để đảm bảo không gian xanh, có các vùng đệm, vùng lõi, khu vực dịch vụ, nhà hát… hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến Hồ Tây, Đầm Trị, đơn vị chức năng đang khẩn trương lấy ý kiến người dân và các đơn vị có chuyên môn về vấn đề này để quy hoạch sớm được triển khai.

Đồ án quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, nhân dân hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn quận. Sau khi lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư, UBND quận Tây Hồ sẽ tập hợp, gửi chuyển lại cho đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án. Trên cơ sở đó, UBND quận sẽ báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định đồ án. Khi đủ điều kiện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội sẽ báo cáo thành phố.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top