Aa

Tình trạng vi phạm quy hoạch, lấn chiếm đất nông nghiệp tại Quảng An bao giờ xử lý dứt điểm?

Thứ Ba, 09/08/2022 - 08:49

Nhiều công trình tạm bợ lấn chiếm đất quy hoạch ở khu vực hồ Đầm Trị thuộc khu vực phường Quảng An (quận Tây Hồ) nhiều năm nay, cần sự chỉ đạo xử lý quyết liệt từ các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội.

Nhiều công trình trái phép, lấn chiếm mặt hồ

Theo quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 ở quận Tây Hồ được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 8/8/2014, phường Quảng An có 3 khu vực được quy hoạch làm công trình công cộng và cây xanh trong đó có khu vực hồ Đầm Trị, tuy nhiên từ lâu diện tích hồ này đã bị xâm lấn làm hàng quán, nhếch nhác, vi phạm trật tự xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị.

Trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, diện tích mặt nước hồ Đầm Trị (phường Quảng An, Tây Hồ) liên tục bị thu hẹp do bị đổ đất lấn chiếm, xây dựng nhiều công trình kiên cố để kinh doanh trên mặt đầm.

Hai phía bờ hồ Đầm Trị, hàng loạt công trình tạm được dựng khung sắt, quây lợp bằng tôn ngang nhiên “mọc” lên. Lợi dụng vị trí giáp mặt hồ, quanh khu vực dân cư, hàng quán tập trung đủ loại từ giải khát, tạp hoá đến ăn nhậu...

Hồ Đầm Trị, hay còn gọi là ao Thủy Sứ vốn là đầm sen nổi tiếng nằm trong quần thể khu du lịch Hồ Tây, với diện tích mặt nước khoảng 7 héc-ta, nhưng vài năm gần đây đã bị thu hẹp đáng kể bởi tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng hồ. Ảnh: Tùng Dương

Ông NVH người dân tại xóm Chùa, phường Quảng An cho biết: Hồ Đầm Trị, hay còn gọi là ao Thủy Sứ vốn là đầm sen nổi tiếng nằm trong quần thể khu du lịch Hồ Tây, với diện tích mặt nước khoảng 7 héc-ta, nhưng vài năm gần đây đã bị thu hẹp đáng kể bởi tình trạng hàng quán, nhà dân… thi nhau lấn chiếm lòng hồ.

Nhiều hộ dân sống lâu năm tại khu vực xóm Chùa, phường Quảng An cho biết, xung quanh khu vực hồ Đầm Trị chủ yếu là đất nông nghiệp, vài năm nay báo chí đã phản ánh về nhiều công trình sai phép xây dựng kiên cố vi phạm các quy định của pháp luật.

Tình trạng lấn chiếm diện tích mặt hồ Đầm Trị để dựng nhà hàng, tự ý đổ phế thải, kè đá… đang khiến người dân bức xúc, vì phá vỡ cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường, cho tới nay cơ quan chức năng của thành phố và chính quyền sở tại chưa xử lý triệt để.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên, ngoại trừ đoạn hồ được kè để làm đường nằm giáp lối vào phủ Tây Hồ, 3 mặt hồ còn lại bị lấn chiếm như phía mặt đường Đặng Thai Mai là hàng loạt nhà hàng ăn uống, trong đó dãy nhà hàng có chiều dài cả trăm mét, được kè kiên cố bằng dãy cọc bê tông rất chắc chắn, nhà hàng này còn trùm lên cả bờ hồ Đầm Trị vốn là lối đi của người dân khu vực này có từ xa xưa. Có nhà hàng còn làm hệ thống cầu dẫn bằng sắt và gỗ để khách ra bè nổi ra giữa hồ sen. Một phía hồ có thể nhìn thấy hàng trăm mét kè bằng cọc tre, bao cát của các hộ dân lộ ra sau thời gian đổ đất lấn chiếm.

Quan sát thực tế tại hồ Đầm Trị vào sáng 27/7/2022, phóng viên nhận thấy các dãy nhà hàng ở 2 bờ hồ Đầm Trị vẫn nguyên trạng, các công trình lấn chiếm bủa vây hồ vẫn hoạt động bình thường, cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan chức năng thành phố.

Bà NMT (sống ở xóm Chùa) cho hay: "Sau khi xây dựng trái phép thì họ mua bán qua lại đẩy giá lên nhiều lần, mặc dù truyền thông đã nhiều lần phản ánh và chính quyền cũng đã vào cuộc, nhưng không biết vì sao tới nay chưa giải quyết dứt điểm? Không biết là ai mà ngang nhiên dám xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp như vậy, liệu có ai chống lưng cho những người đó không mà họ làm liều". 

Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền quận Tây Hồ và phường Quảng An trong việc giải tỏa, xử lý dứt điểm những hành vi lấn chiếm, xây dựng sai phép xung quanh hồ Đầm Trị.

Được biết, UBND quận Tây Hồ cũng yêu cầu một số phường trong quận, trong đó có phường Quảng An xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm còn tồn tại trên địa bàn quận tính từ 2010 đến nay. Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn không để phát sinh mới; tiếp tục, xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; tăng cường công tác quản lý không để phát sinh mới các trường hợp xây dựng nhà, lều lán trái phép vi phạm.

Chỉ đạo là vậy, nhưng dường như việc xử lý vẫn chưa triệt để cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Hồ Đầm Trị bị lấn chiếm cả 3 phía bờ hồ. Ảnh: Tùng Dương
Quan sát thực tế tại khu vực hồ Đầm Trị vào sáng 27/7/2022, các dãy nhà hàng ở 2 bờ hồ vẫn nguyên trạng, các công trình lấn chiếm bủa vây hồ vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Tùng Dương

Cần giải pháp mạnh từ thành phố

Tại trục đường Quảng Bá, men theo bờ Hồ Tây, hàng loạt công trình tạm được dựng khung sắt, quây lợp bằng tôn ngang nhiên “mọc” trên khu đất quy hoạch. Lợi dụng vị trí giáp mặt hồ, quanh khu vực dân cư, hàng quán đủ loại từ tạp hóa, giải khát đến quán nhậu… mọc lên.

Ở khu vực này còn tồn tại một sân bóng đá tại số 56 đường Tây Hồ. Người dân cho biết, từ năm 2020 đã có nhiều phản ánh về quá trình hoạt động của sân bóng số, tuy nhiên không hiểu sao chưa được xử lý dứt điểm?

Tương tự, dọc đường Đặng Thai Mai (đoạn từ Xuân Diệu đến đầu ngõ 12 Đặng Thai Mai, phường Quảng An) cũng nằm trong khu vực có quy hoạch đất cây xanh. Dù đã được dựng hàng rào tôn xanh nhưng nay cũng bị chiếm dụng làm quán quán cơm bình dân, quán nước giải khát, gửi/rửa xe...

Một người dân trong khu vực cho hay: “Người ta xẻ tạm hàng rào tôn, dựng vách tôn, che bạt tạm để buôn bán cũng lâu rồi. Khi thấy có phường đi kiểm tra, họ lại thu dọn vào. Đến khi phường đi qua, lại bày ra. Lâu rồi thành quen, chả thấy ai nhắc nhở gì nữa”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về quản lý đô thị, trách nhiệm quản lý của chính quyền sở tại chỉ là một phần, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng trên thì thành phố Hà Nội cần phải có quy hoạch chi tiết cho khu vực phường Quảng An nói riêng và quận Tây Hồ nói chung.

Trao đổi với phóng viên Reatimes, Luật sư Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng văn phòng Luật Phúc Thọ (đoàn luật sư Hà Nội), cho biết: “Vấn đề xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người thi hành công vụ có liên quan có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 229, Bộ luật hình sự 2015. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai hoặc các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII của Bộ luật hình sự 2015.

Người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích là vi phạm pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Vì vậy, đối với những trường hợp mới xây dựng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cần kịp thời ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; Có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích người vi phạm tự tháo dỡ. Đối với các trường hợp xây dựng cũ, cố tình tiếp tục thực hiện việc sử dụng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về quản lý đô thị, trách nhiệm quản lý của chính quyền sở tại chỉ là một phần, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng trên thì thành phố Hà Nội cần phải có quy hoạch chi tiết cho khu vực phường Quảng An nói riêng và quận Tây Hồ nói chung.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hiếu: Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Điều 207 Luật Đất đai 2013 quy định về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;

c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai

Nhiều công trình gây mất mỹ quan bên bờ hồ Đầm Trị. Ảnh: Tùng Dương
Rất nhiều rác thải đổ ra ven hồ gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay. Ảnh: Tùng Dương
Bè nổi bằng gỗ và sắt vẫn đang tồn tại trên mặt hồ Đầm Trị. Ảnh: Tùng Dương
Nhiều hộ dân chèn bao cát xuống hồ Đầm Trị. Ảnh: Tùng Dương
Đóng cọc bê tông xuống lòng hồ để xây dựng nhà hàng. Ảnh: Tùng Dương
Đường ra bờ hồ cũng bị lấn chiếm làm nhà hàng. Ảnh: Tùng Dương
Từ khi các nhà hàng mọc lên, hồ Đầm Trị ngày càng ô nhiễm. Ảnh: Tùng Dương
Rất nhiều cọc tre, cọc sắt được một số hộ dân đóng xuống để lấn chiếm mặt hồ. Ảnh: Tùng Dương
Nhiều bãi rác lộ thiên bên bờ hồ Đầm Trị. Ảnh: Tùng Dương
Bờ hồ Đầm Trị hiện đã thành bãi đổ rác, cần phải có những giải pháp mạnh từ cấp thành phố mới xử lý triệt để được vấn nạn lấn chiếm, xây dựng trái phép ở khu vực này. Ảnh: Tùng Dương
Nhà hàng này đã đóng rất nhiều cọc bê tông xuống lòng hồ. Ảnh: Tùng Dương
Những ngôi nhà tạm lấn chiếm mặt hồ. Ảnh: Tùng Dương
Những hộ dân ở sát bờ hồ vẫn tiếp tục đổ bao cát, đất đá xuống ven hồ. Ảnh: Tùng Dương
Cảnh lụp xụp, nhếch nhác của những căn nhà cơi nới trên mặt hồ. Ảnh: Tùng Dương
Ba mặt bờ hồ Đầm Trị đều bị lấn chiếm trái phép. Ảnh: Tùng Dương
Những công trình xây dựng lấn chiếm mặt hồ. Ảnh: Tùng Dương
Quán ăn làm tạm bợt trên khu đất đã quy hoạch, gây ra cảnh nhếch nhác. Ảnh: Tùng Dương

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top