Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành một tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Tư duy đột phá
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn năm 2050 xác định 5 trụ cột để phát triển là: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao; Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao; Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển – logistics; Phát triển đô thị nhanh và bền vững.
Ngoài ra là 3 đột phá phát triển: Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh. Quy hoạch tỉnh là khung pháp lý cao nhất, là “xương sống” để Bình Định tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới, tạo xung lực mới để Bình Định đột phá, tạo kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội. Bản quy hoạch tỉnh Bình Định được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND đã đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định lên đón nhận Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ trao quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát; Trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
Bình Định cần định hình được “chân trời” phát triển
Bình Định có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; đường cao tốc và đường ven biển cùng hệ thống tuyến đường kết nối trục Đông – Tây đã và đang đầu tư hoàn thiện; là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Tỉnh Bình Định còn có lịch sử lâu đời, là vùng đất kinh đô của một số triều đại, có nền văn hóa đặc sắc, cổ xưa (Sa Huỳnh, Chămpa) với hệ thống di tích văn hóa có giá trị và giao thoa văn hóa các dân tộc với nhiều lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực phong phú; là miền “đất võ, trời văn” sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh tướng và nhiều nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa.
Bình Định có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và đặc biệt người Bình Định có tinh thần đoàn kết, yêu nước, trí tuệ, cần cù, sáng tạo, có khát vọng vươn lên.
Có thể thấy Bình Định có nhiều lợi thế để bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Định vẫn là một tỉnh nghèo và khó.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, chính vì Bình Định khó phát triển nên nghèo dai dẳng, ít có cơ hội để bứt lên trong cuộc đua tranh phát triển hiện đại, nhất là cuộc đua mang tính quốc tế - toàn cầu mà Bình Định trong vị thế “đi sau”.
Công cuộc vật lộn phát triển trong những năm gần đây của Bình Định, diễn ra “khốc liệt”, đúng theo nghĩa “vạn sự khởi đầu nan”. Những kết quả ban đầu hé lộ, mở ra triển vọng và niềm tin. Đặc biệt, quá trình đó đã giúp làm vỡ nhiều vấn đề, cho phép đúc kết nhiều bài học quý và “đắt” theo đúng nghĩa đen của từ.
“Câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế, giàu bản sắc lại khó thoát nghèo” bắt đầu hé lộ, mà điểm mấu chốt chính là ở “Tầm nhìn đúng”, “cách tiếp cận hành động mới, quyết liệt và khôn ngoan”. Đây được coi là những yếu tố chủ chốt cần có để Bình Định khả thi hóa khát vọng phát triển mãnh liệt của mình”. Điều này được phản ánh tập trung cao độ trong Quy hoạch Tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.
Đi đúng hướng, có tầm nhìn
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, quy hoạch Bình Định được làm không đơn thuần chỉ là dựng nên chân dung phát triển Tỉnh, kể cả theo nghĩa “động”. Xây dựng Quy hoạch tích hợp, tổng thể, tầm nhìn đến tận năm 2050, trong một thế giới đầy biến động là một công việc mới mẻ và đầy thách thức. Bình Định thực hiện công việc này còn với những động cơ – mục tiêu chiến lược khác.
Một là, theo tinh thần tận dụng tối đa cơ hội hiếm có để thay đổi nhận thức, đổi mới căn bản suy nghĩ về phát triển. "Của cả Tỉnh, và của đất nước về Tỉnh", Bình Định hiểu sâu sắc rằng lối tư duy cũ, cách hành động như vẫn được triển khai, cho dù có thể mang lại những kết quả tích cực to lớn, vẫn không thể bảo đảm sự thành công chiến lược của Tỉnh trong tương lai.
Hai là, không chỉ có vai trò dẫn dắt, bản Quy hoạch tốt là một công cụ đặc biệt hiệu quả để hiệu triệu đầu tư, thu hút “đại bàng” đúng nghĩa, giúp Bình Định tạo đột phá - đột biến phát triển trong nỗ lực đi sau – vượt trước để sánh vai thế giới.
Không phải là tình cờ, cũng không hề là “khoa trương” khi mục tiêu xuyên suốt Báo cáo Quy hoạch Bình Định là xây dựng Bình Định thành “điểm đến tầm cỡ thế giới – hàng đầu khu vực”.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, để đạt mục tiêu phát triển đầy tham vọng, Quy hoạch kiểm định lại tiềm năng lợi thế của Tỉnh, gắn với thời đại, theo nguyên tắc “động”, trên cơ sở đó, lựa chọn phương án tăng trưởng, xác định các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm. Điểm đặc sắc, sự khác biệt, cũng có thể nói là khác thường của Bình Định thể hiện rõ nhất chính là ở cách lựa chọn ưu tiên.
Thứ nhất, đó là cách tiếp cận mở - tạo thế hội nhập - liên kết phát triển. Bình Định đất hẹp, trải dài tựa núi và hướng biển. Mở lên Tây Nguyên, mở ra biển lớn, thông hai đầu Nam Bắc và nối với thế giới. Không mở thì tự Bình Định khó, thậm chí không thể phát triển. Nhưng để “mở”, cần rất nhiều vốn, thứ mà Bình Định luôn thiếu. Tình thế “lưỡng nan” buộc Bình Định chọn cách tiếp cận “khác – mới (ngược)” để giải quyết vấn đề: lấy lợi ích tương lai bảo đảm “hài hòa lợi ích” để mở cơ hội, mời gọi đầu tư. Cách chọn các tọa độ đột phá VSIP, Sân bay Phù Cát vươn tầm quốc tế, Phát triển Vùng Cảng Phù Mỹ thành Trung tâm Công nghiệp Hỗ trợ chuỗi Năng lượng Tái tạo (Điện Gió) - Logistics, đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku liên kết sức mạnh với Tây Nguyên, trong thế cộng hưởng sức mạnh với các tuyến Cao tốc ven biển, với TP Cảng biển – Du lịch Quy Nhơn, .v.v. mở ra thế phát triển đột biến vượt tầm, trên nền tảng liên kết hiện đại, nhờ đó, vẫn bảo đảm tính khả thi.
Thứ hai, Bình Định là “đất võ”, với truyền thống Tây Sơn oanh liệt. Thế mạnh lịch sử - văn hóa của Bình Định hiện đang được khơi dậy, làm mới và phát huy thành lợi thế cạnh tranh đúng nghĩa (chứ không khư khư ôm chặt lợi thế so sánh – tiềm năng). Nhưng ở khía cạnh này, điều khác thường là ở chỗ Bình Định chọn cho mình mục tiêu trở thành Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Quốc gia tầm cỡ Quốc tế. Một sự lựa chọn thực sự khác thường của Tỉnh, xét trên quan điểm tiềm năng – lợi thế truyền thống.
Bình Định chọn cho mình logic tiến vượt, hợp xu thế thời đại, để trở thành xứ sở không chỉ đẹp, giỏi võ mà còn thông minh – sáng tạo. Định hướng Quy hoạch Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa, với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo, hình thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cấp Vùng, …trên những nền tảng khoa học – công nghệ định hướng quốc tế đã được xác lập, như được thể hiện trong Báo cáo Quy hoạch cho thấy tầm nhìn phát triển mới và khác của Bình Định cũng như triển vọng – tính khả thi của định hướng lựa chọn.
" Quy hoạch Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra cho tỉnh những cơ hội chưa từng thấy, nhưng cũng đặt ra những bài toán phát triển mang tính thách thức cao cho Bình Định".
(PGS. TS Trần Đình Thiên)
PGS. TS Trần Đình Thiên chia sẻ thêm, còn nhiều nội dung – đặc sắc khác có thể đề cập để nhận diện sâu hơn, đúng tầm và đúng hướng hơn Quy hoạch phát triển Bình Định.
Nhưng dù nhiều, có một điểm rất rõ: tính nhất quán và tinh thần đột phá – sáng tạo. Quy hoạch đã đặt ra những bài toán phát triển mang tính thách thức cao cho Bình Định.
“Khát vọng lớn, thách thức phải cao và điều đó là đương nhiên. Nhưng đặt ra thách thức đúng cũng nghĩa là tạo được cơ sở quan trọng để giải quyết vấn đề, là đã biết chuyển thách thức thành cơ hội”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo PGS. TS Trần Đình Thiên, quy hoạch mở ra cho Bình Định những cơ hội chưa từng thấy. Đồng thời, quá trình chuyển biến cơ hội đó thành lợi ích phát triển thực tế đang diễn ra, được nhìn thấy trong sự đồng tình và ủng hộ của Trung ương, trong sự phối hợp Vùng đang được triển khai, và hơn hết, trong khí thế hành động đầy tinh thần đột phá và chất trí tuệ của Bình Định. Theo tinh thần đó, không có lý do gì để hoài nghi triển vọng thành công của Bình Định./.