Bán hết đất là có tội...
Hội thảo xem xét và sửa đổi ý tưởng quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tổ chức ngày 23/8 tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Đà Nẵng có lợi thế lớn là diện tích đất đai rộng lớn, mật độ dân số thấp nhưng trong quá trình phát triển đã bộc lộ không ít những mặt trái.
Theo ông Vạn, gia tăng dân số cơ học của Đà Nẵng hiện nay khoảng 0,6%, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác của nước ta. Điều đó chứng minh Đà Nẵng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm, mức sống... Con số này để nhìn nhận rằng, Đà Nẵng cần phải phát triển hơn nữa về kinh tế.
"Quỹ đất của Đà Nẵng phần lớn đã có chủ, cách sử dụng đất của Đà Nẵng cần phải đánh giá lại. Xu hướng chia lô bán nền, thu tiền là nguy hiểm. Thậm chí chỗ rất quan trọng trong cảnh quan như 2 bờ sông Hàn cũng tiếp tục chia lô bán nền là điều không hợp lý", ông Vạn nói.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, nếu thực hiện đúng theo quy hoạch hiện nay thì đến 2045 thành phố hết đất, nên phải theo phương án tiết kiệm. Nếu có bao nhiêu đất lúc này "vẽ" cho hết thì e rằng sẽ có tội với tương lai, với các thế hệ sau.
Theo ông Hùng, xây dựng quy hoạch phải chọn cho Đà Nẵng những ngành kinh tế thực sự, và lượng hóa được đầu ra, đầu vào. Muốn làm như vậy thì cần phải nhìn rõ vị thế, chức năng của Đà Nẵng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Không mở rộng cảng Tiên Sa
TS. Trần Du Lịch lưu ý, muốn “không phải tiếp tục sửa sai”, Đà Nẵng đòi hỏi phải có chất lượng quy hoạch cao, chứ đừng như TP.HCM.
Trên cơ sở đó, ông Lịch đưa ra hai vấn đề cốt lõi cần lưu ý trong điều chỉnh quy hoạch lần này của Đà Nẵng. Thứ nhất, trong đề án phải luôn luôn quán triệt một điều là chúng ta quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên nền tảng đô thị đã hình thành để có phương án giải quyết rất nhanh.
Thứ hai, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 mà những người làm quy hoạch cảm thấy sướng, đó là phải đặt Đà Nẵng trong chuỗi đô thị phát triển dọc biển miền Trung từ Huế cho đến Quy Nhơn (Bình Định).
Hiện Chính phủ đang tập trung phát triển đường ven biển là con đường chiến lược mà theo quan điểm của tôi nó chiến lược hơn Quốc lộ 1 hiện nay. Mà, Đà Nẵng là đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị trọng điểm này.
"Điểm thứ hai cực kỳ quan trọng đó là Bộ Chính trị khẳng định xây dựng Vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm từ Lăng Cô cho tới Nam Hội An. Nếu chỉ nhìn Đà Nẵng thì không cách nào làm được. Theo tôi, quy hoạch Đà Nẵng phải trên tinh thần này”, ông Trần Du Lịch chia sẻ.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, TS. Trần Du Lịch cho rằng phải tồn tại hai sân bay song song của cả vùng là Đà Nẵng và Chu Lai (Quảng Nam). Tức là sân bay Đà Nẵng như sân bay Haneda, còn Chu Lai như Narita (đều của Nhật Bản), chứ không phải bỏ cái này làm cái kia.
Về cảng, TS. Trần Du Lịch đồng tình không nên mở rộng Tiên Sa. Tiên Sa tương lai là cảng du lịch, không phát triển trọng điểm. Phát triển trọng điểm phải là cảng Liên Chiểu – giao thông hệ thống kết nối vùng. Tuy nhiên, ông Lịch lưu ý:
“Cảng quy mô cỡ nào tùy thuộc vào vấn đề cực kỳ quan trọng là chở cái gì. Nếu vùng này không có công nghiệp thì Cảng Liên Chiểu cũng không làm gì cả. Thành ra, cảng quy mô nào là phải tính tổng thể công nghiệp cả vùng này phát triển cái gì để phát triển cảng”.
Về giao thông, ông Lịch cho rằng, phải xác định rõ triết lý giao thông của Đà Nẵng là gì? Nếu là triết lý giao thông công cộng thì quy hoạch dân cư nén ở từng cụm, mở lối công cộng, còn cứ trải như hiện nay thì không thể phát triển được.