Aa

Quy hoạch đô thị vệ tinh: Hà Nội sẽ học gì từ kinh nghiệm xương máu của Trung Quốc?

Thứ Sáu, 17/03/2017 - 06:18

Ô nhiễm, đông đúc, chật chội, quá tải dân số, tắc đường cục bộ... ở cả thành phố và đô thị vệ tinh của nó sẽ là viễn cảnh không xa của thành phố Hà Nội và các đô thị vệ tinh nếu Hà Nội bỏ qua bài học xương máu từ quy hoạch đô thị vệ tinh ở Trung Quốc.

Theo định hướng "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050", trong tương lai, Thủ đô Hà Nội sẽ được vây quanh bởi 5 đô thị vệ tinh, bao gồm Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc sơn và Hòa Lạc trong vòng bán kính khoảng 40km. Mỗi đô thị sẽ được phát triển theo một hướng, chức năng riêng, chuyên biệt.

Trước viễn cảnh đó, việc hoc hỏi kinh nghiệm phát triển đô thị vệ tinh từ những quốc gia láng giềng, có cùng điều kiện địa lý, nguồn tài nguyên, văn hóa.., là rất quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ đã định sẵn của Việt Nam. Trung Quốc là một trong số đó, một trong những quốc gia xây dựng thành phố vệ tinh sớm nhất ở Châu Á với nhiều kinh nghiệm xương máu đáng quý.

Đô thị vệ tinh ở Trung Quốc

Năm 1958, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các thành phố nhỏ và vừa quanh các điểm tích tụ dân cư (ở các thành phố lớn) để giải quyết vấn đề dân số của thành phố lớn. Đồng thời, những thành phố này cũng sẽ là nơi tiếp nhận các hoạt động kinh tế, công nghiệp đang chiếm nhiều diện tích của thành phố lớn. Trong đó, Mẫn Hàng sẽ là đô thị đầu tiên của thành phố Thượng Hải và cũng là thành phố vệ tinh đầu tiên của quốc gia này.

Để tránh khỏi ảnh hưởng từ quá trình mở rộng nhanh chóng của đô thị lõi và vùng ngoại ô của nó, những nhà quy hoạch Thượng Hải đã đưa ra khoảng cách tốt nhất giữa đô thị vệ tinh và đô thị lõi vào khoảng 10 – 50km.

Vị trí của đô thị vệ tinh nên có sự thuận tiện trong việc khai thác nước, giao thông vận tải và dễ dàng kết nối với đô thị lõi. Kích cỡ hoàn hảo cho một đô thị vệ tinh vào khoảng 50 nghìn đến 200 nghìn người.

Đô thị vệ tinh ở những quốc gia khác trên thế giới thường là những đô thị độc lập về kinh tế đối với việc làm, dịch vụ công cộng, xã hội và hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các đô thị vệ tinh lại không được quy hoạch thành những thị trấn ngoại ô hoặc khu nghỉ dưỡng mà chúng trở thành các khu tự trị.

Xét riêng 3 thành phố lớn nhất Trung Quốc, có 8 đô thị vệ tinh ở Bắc Kinh, 5 đô thị ở Thiên Tân và 11 đô thị ở Thượng Hải. Hầu hết các đô thị này đều chỉ cách thành phố lõi chỉ từ 15 đến 75 km với dân số vào khoảng 117 nghìn người. Nhưng cũng có những đô thị lại có dân số vượt mức 200 nghìn người.

Mô hìcuar11 đô thị vệ tinh của Thượng Hải

Mô hìcuar11 đô thị vệ tinh của Thượng Hải

Các đô thị vệ tinh trên chủ yếu trở thành các trung tâm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng. Cụ thể, 13 trong 18 đô thị vệ tinh kể trên đều “sống dựa vào” công nghiệp nặng và 3 đô thị khác lại là các trung tâm công nghiệp bán nặng.

Về bản chất, đô thị vệ tinh của Trung Quốc được phát triển dưới sự dẫn dắt của các ngành công nghiệp . Vì vậy, có thể chia đô thị vệ tinh của nước này ra làm 6 loại:

Thứ nhất, đô thị vệ tinh phức hợp công nghiệp đặc biệt lớn yêu cầu quỹ đất lớn, bao gồm phức hợp sản xuất sắt, thép và các nhà máy hóa dầu.

Thứ hai, đô thị vệ tinh có các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Thứ ba, đô thị vệ tinh với những ngành công nghiệp yêu cầu môi trường đặc biệt.

Thứ tư, đô thị vệ tinh chứa ngành công nghiệp có nguồn nguyên liệu thô và sản phẩm đầu ra có sự ràng buộc với những vùng ngoài đô thị lõi.

Thứ năm, đô thị vệ tinh sống dựa vào ngành công nghiệp có thể sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên và lao động có ít mối quan hệ với những ngành ở đô thị lõi.

Và thứ sáu, đô thị vệ tinh có ngành công nghiệp có thể sử dụng cơ sở hạ tầng có sẵn.

Về cơ bản, các đô thị vệ tinh đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ của mình khi kìm hãm sự tăng dân số của thành phố lớn mà chúng vây quanh, Chẳng hạn như ở Thượng Hải, năm 1950, có mật độ dân số cao thứ 3 thế giới với 10.3 triệu người. Đến năm 1985, thành phố này chỉ còn đứng ở vị trí thứ 5, cụ thể trong 35 năm, dân số thành phố chỉ tăng 1.5 triệu người. Đến năm 2000, thành phố cảng trên chỉ còn đứng ở vị trí thứ 9 trong danh sách 35 điểm tích tụ dân số lớn nhất thế giới.

Vấn đề dân số vẫn nan giải

Một trong số những nhiệm vụ chính của đô thị vệ tinh là giải quyết vấn đề nén dân số và sức ép lên cơ sở hạ tầng ở thành phố lõi, tuy nhiên, những đô thị trên tại Trung Quốc đã không làm được. Tại Thượng Hải, chỉ có 15% công nhân chấp nhận sống ở đô thị vệ tinh và 15% trong số họ đã quyết định đưa cả gia đình rời thành phố đến đây. Còn ở Thiên Tân, 90% công nhân (quê quán) ở đô thị vệ tinh vẫn chuyển ra sống ở thành phố lõi.

Nguyên nhân là do mục đích ban đầu của các đô thị vệ tinh ở Trung Quốc được xây dựng để phát triển công nghiệp, cho nên có rất ít diện tích dành cho dân cư và thực tế cơ sở hạ tầng dành cho việc cư trú cũng không được chú trọng.

Quá tải dân số, nén dân cư ở cả thành phố và đô thị vệ tinh gây áp lực cho cơ sở hạ tầng giao thông

Quá tải dân số, nén dân cư ở cả thành phố và đô thị vệ tinh gây áp lực cho cơ sở hạ tầng giao thông

Chẳng hạn, tại Mẫn Hàng, Thượng Hải, có 1,5 nghìn gia đình đã phải sống ở thành phố lõi vì đô thị vệ tinh đã “hết chỗ”. Trong khi đó, 2 nghìn gia đình lại phải sống chen chúc trong những ngôi nhà quá tải để được sống ở nơi có nhiệm vụ “giải nén dân số thành phố lõi”. Như vậy, không những đô thị vệ tinh của nước này không giải nén dân số cho thành phố lõi mà còn tự nén dân số và tăng thêm sức nặng đè lên hệ thống cơ sở hạ tầng vốn đã không được chú trọng của nó.

Tại Quảng Châu, Bắc Kinh, cứ 10 nghìn công nhân chuyển nơi sống từ thành phố trung tâm ra vùng đô thị vệ tinh thì có 1 nghìn công nhân cùng 2.2 nghìn thành viên trong gia đình của họ phải quay trở lại thành phố trung tâm thì thiếu nhà ở. Đồng thời, các tiện ích, dịch vụ, giao thông và chất lượng cộng đồng chưa được đầu tư đầy đủ tại đô thị vệ tinh tại Trung Quốc. 

Hiểm họa từ đô thị vệ tinh sai cách

Ngay từ năm 1958, Trung Quốc đã gặp phải nhiều rắc rối liên quan đến môi trường chỉ vì phát triển đô thị vệ tinh sai cách. Tại các đô thị vệ tinh của nước này, sự quản lý và phân phối phát triển các ngành công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp nặng) trở nên rất lỏng lẻo, dẫn đến sự phát triển một cách nhanh chóng và thiếu kiểm soát. Các nhà máy phát thải khói bụi, chất thải không qua xử lý một cách ồ ạt ra ngoài môi trường tự nhiên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại các đô thị vệ tinh..

Từ đây, những đô thị vệ tinh này tạo thành một “vòng ô nhiễm” không những bao chùm chính nó mà còn “xâm chiếm” cả vào thành phố lõi. Năm 2016 là một ví dụ, thủ đô Bắc Kinh với 8 đô thị vệ tinh vây quanh đã chìm trong biển khói bụi trong suốt gần 1 tuần và diễn ra tới 2 lần. Xét trên tổng thể, trong năm vừa qua, 23 trên tổng số 33 thành phố của Trung Quốc gặp phải tình trạng trên.

Ô nhiễm môi trường do các đô thị vệ tinh gây nên cho thành phố lõi

Ô nhiễm môi trường do các đô thị vệ tinh gây nên cho thành phố lõi

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu của chính nước này cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã phát triển quá nhiều đô thị vệ tinh. Tính đến thời điểm những năm 1960, hầu hết các thành phố lớn của nước này đều sở hữu nhiều thành phố vệ tinh đến mức nguồn tài nguyên quanh đó không thể đủ để cung cấp. Như vậy, trong một tương lai không xa, các thành phố vệ tinh sẽ phải chia sẻ nhau nguồn tài nguyên khi nó dần cạn kiệt. Đồng thời, điều này chắc chắn sẽ khiến những đô thị này ngày một teo nhỏ lại và biến mất.

Nếu xét từ thực tế trên, rất có thể nếu không cẩn trọng trong việc phát triển đô thị vệ tinh của mình, Hà Nội sẽ đi vào vết xe đổ của nhiều thành phố ở Trung Quốc. Như vậy, nếu muốn phát triển một đô thị vệ tinh thành công thì việc phát triển công nghiệp tại đô thị đó là yếu tố trước nhất, song hành với đó là sự quản lý chặt chẽ về bảo vệ môi trường và phát triển cơ sở hạ tầng, nhà ở, dịch vụ... để đáp ứng nhu cầu của cư dân sẽ sống ở đó.

Tài liệu tham khảo:

  • Benzu.JK (Architecture Student Chonicles) (2011). Satellite Townships, Town Planning and Design.
  • Centre ò Urban Studies & Urban Planning, University of Hong Kong (1986). Satellite Town Development in China: Problems and Prospects.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top