Aa

Quy hoạch Hà Nội bị “băm nát“: Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Tư, 10/11/2021 - 06:15

Các chuyên gia cho rằng, việc thu phí ô tô vào nội đô để giảm ách tắc là giải pháp tình huống, còn căn cơ vẫn là câu chuyện quy hoạch phải được làm đúng, hạ tầng giao thông phải được đầu tư...

Tiếp tục vi phạm quy hoạch, hậu quả với hạ tầng giao thông sẽ còn khủng khiếp

Để triển khai lộ trình quản lý phương tiện cá nhân, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin về phương án xây dựng 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô với chi phí dự kiến lên tới 2.600 tỷ đồng. Các trạm được đặt tại khu vực đường vành đai và thực hiện thu phí phương tiện từ 5h đến 21h mỗi ngày.

Tuy nhiên, phương án này hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều, đa phần đều cho rằng nếu áp dụng xây dựng các trạm và tiến hành thu phí vào năm 2025 là vội vàng, chi phí quá lớn và không đạt được mục tiêu.

Trao đổi với Reatimes, KTS.TS Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, với thực trạng hạ tầng và phương tiện công cộng hiện tại, Hà Nội chưa thể áp dụng biện pháp thu phí vào nội đô.

Ông Bảo bày tỏ: “Chúng ta phải trở lại với vấn đề quy hoạch Thủ đô và kèm theo đó là quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải, bóc tách từ chủ trương để xem xét các khâu thực hiện tới nay đã đạt được kết quả gì và đang tồn tại những gì cần tháo gỡ.

Nhìn vào thực trạng hiện nay, chúng ta đều thấy rằng hạ tầng giao thông thành phố chưa đồng bộ, đường xá nhỏ hẹp, hệ thống phương tiện công cộng chỉ có xe buýt, chưa đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa đưa vào sử dụng cũng chưa tính toán được liệu có đáp ứng được nhu cầu của người dân không, bởi vì còn phụ thuộc vào sự kết nối từ nhiều điểm khác nhau tới ga tàu. 

Những năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hệ thống giao thông ở Hà Nội bị quá tải cũng không lạ bởi vì thành phố đang trong giai đoạn phát triển nóng, cộng với rất nhiều yếu tố tồn tại được chỉ ra từ chục năm trước trong quá trình quy hoạch như không xây chung cư cao tầng trong nội đô, di chuyển trường đại học... nhưng không giải quyết dứt điểm, đã dẫn tới tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn như hiện tại”.

TS. Nguyễn Ngọc Bảo phân tích, lãnh đạo thành phố Hà Nội cần phải tổ chức đánh giá lại lộ trình thực hiện quy hoạch xem kết quả thực hiện tới nay ra sao, yếu ở khâu nào, triển khai vào thực tế đã làm sai, làm hỏng ở những điểm nào. 

“Tôi nghe nhiều phản ánh trên công luận từ mấy năm nay là quy hoạch Hà Nội đang bị băm nát, một khu đất vài héc-ta thì giao đến hai, ba chủ đầu tư dẫn tới việc xây dựng lộn xộn, tạo thêm gánh nặng cho hạ tầng giao thông xung quanh khu vực.

Tôi lấy thí dụ chỉ một đoạn đường Hoàng Đạo Thúy chỉ chừng 200m mà hai bên mọc lên hàng chục tòa nhà cao hơn 30 tầng, mỗi bên chỉ có hai làn xe, như vậy thì chắc chắn phải xảy ra ùn tắc khi mà có hàng vạn người đổ ra từ các tòa nhà này. Đấy là còn chưa kể nếu những khu đất trống ở khu vực xung quanh đó tiếp tục được xây dựng thì hạ tầng giao thông còn chịu thêm nhiều áp lực.

Ở phía những con đường bên trong như Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ cũng đã có nhiều nhà cao tầng mọc lên làm tăng dân số cơ học dẫn tới chuyện ùn tắc xảy ra triền miên. Sự quản lý của chính quyền cơ sở không nghiêm nên nhiều chủ đầu tư xây vượt tầng, xử phạt rồi cho tồn tại.

Tôi cho rằng phải xem lại năng lực, vai trò quản lý như vậy của một số cán bộ lãnh đạo đứng đầu sở, ngành tại Hà Nội đã để xảy ra tình trạng quy hoạch bị băm nát, khiến cho hạ tầng giao thông chịu nhiều áp lực như hiện nay. Không riêng gì hạ tầng giao thông mà các trường học, bệnh viện cũng chịu chung cảnh quá tải do dân số tăng đột biến. Lãnh đạo thành phố cần rà soát và kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức sai phạm để làm gương, chứ đừng thấy khó khăn là dồn về phía người dân”, ông Bảo nói.

thu phi vao noi do ha noi

TS. Nguyễn Ngọc Bảo nêu thêm một thí dụ khác đó là hơn 10 về năm trước, quy hoạch khu đô thị Linh Đàm ban đầu rất đẹp, đó là khu đô thị xanh với diện tích nhà ở chỉ 23%, còn lại là dành cho cây xanh, công viên, hồ nước… Tuy nhiên, vài năm gần đây, quy hoạch này bị phá nát, riêng ở khu HH thì đã có đến 4 tổ hợp mọc lên cao 35 - 41 tầng, diện tích xây dựng lên tới hơn 50%; xuất hiện nhiều căn hộ nhỏ chỉ hơn 30m2… những khu đất ban đầu là quy hoạch xây nhà thấp tầng bỗng nhiên được thay đổi lên tới 35 tầng.

Ông Bảo nhận định: “Quy hoạch rất quan trọng sẽ định hướng cho hạ tầng xung quanh và sự phát triển lâu dài, có tính gắn kết với những khu vực khác. Nhưng nhiều tòa nhà ở đây xây vượt tầng, mật đồ dày đặc làm tăng dân số đột biến, đồng thời cũng loại bỏ hết không gian chung của khu Linh Đàm. Theo như thống kê, việc thay đổi quy hoạch bất thường dựng lên nhiều chung cư cao tầng còn làm tăng dân số ở khu này khoảng 70 nghìn người, khiến hạ tầng giao thông đã yếu kém lại phải chịu thêm áp lực.

Nếu những cá nhân, tổ chức có quyền, có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy hoạch ban đầu thì đây sẽ là khu đô thị đẹp, giữ gìn được cảnh quan môi trường và không dồn thêm áp lực cho hạ tầng giao thông như ngày nay.

Đây là một thí dụ điển hình cho thấy quy hoạch bị băm nát, rất lộn xộn, vậy thì trách nhiệm ấy thuộc về ai? Tôi cho rằng, lãnh đạo thành phố Hà Nội, thậm chí là các cơ quan cấp cao hơn phải vào cuộc để xử lý trách nhiệm với những cá nhân, tổ chức gây nên tình trạng nói trên, đồng thời phải có những biện pháp đủ mạnh ngăn chặn những tình huống tương tự có thể xảy ra”.

Từ thực trạng trên, theo TS. Nguyễn Ngọc Bảo, việc tính đến giải pháp thu phí vào nội đô là cần thiết nhưng chỉ có thể triển khai khi nào các cơ quan chức năng thành phố triển khai thực hiện đúng quy hoạch, dồn nguồn lực cho hạ tầng giao thông. Theo yêu cầu thì năm 2020 vận tải công cộng phải đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân, nhưng hiện nay mới chỉ đạt được khoảng 15% nhu cầu. Quỹ đất dành cho phát triển giao thông 25%, nhưng hiện tại triển khai chưa được 10%.

“Tôi cho rằng lãnh đạo Hà Nội cần phải quyết liệt thực hiện cho được yêu cầu quy hoạch chung của thành phố, chấm dứt hoàn toàn tình trạng băm nát quy hoạch, nếu không hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều trong những năm tới. Đúng ra thì hạ tầng phải đi trước để tạo đà cho phát triển hoặc tối thiểu cũng phải phát triển song trùng, nhưng ở ta thì quản lý quy hoạch không tốt dẫn tới phát triển đô thị quá nóng, hệ quả là hạ tầng giao thông bị quá tải như hiện nay”, ông Bảo nêu quan điểm.

quy hoach thu do
Quá nhiều chung cư cao tầng xây dựng với mật độ dày đặc trong các tuyến phố trung tâm đã khiến cho hạ tầng giao thông Hà Nội quá tải. Ảnh: Ngọc Quang.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hài hòa "Kinh tế - Kiến trúc - Giao thông"

Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định, ông không phản đối giải pháp thu phí vào nội đô, tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề phải thảo luận và cần hết sức thận trọng vì có liên quan trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người dân.

“Tôi cho rằng thu phí vào nội đô chỉ là giải pháp tình huống mang tính ngăn chặn và đuổi theo chứ không căn cơ và giải quyết tận gốc. Hiện nay, rất nhiều ý kiến băn khoăn về vị trí đặt trạm, mức thu phí, thời gian thu phí và đặc biệt quan trọng là sự tác động tới đời sống, kinh tế - xã hội chưa được làm rõ. Đồng thời, phương tiện vận tải công cộng còn chưa đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân. Cho dù bây giờ có tăng được số chuyến xe buýt và có thêm đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì ở các đoạn di chuyển khác để tới được điểm xe buýt hay tàu điện cũng không thuận tiện.

Với những lý do trên thì giải pháp thu phí vào nội đô chưa thể áp dụng được, vì nó sẽ gây ra rất nhiều phiền toái, sự búc xúc trong xã hội, đồng thời cũng gây ra sự cản trở hoạt động hằng ngày của người dân và doanh nghiệp, bởi vì khi đã hạn chế xe cá nhân thì phải có giải pháp thay thế xứng đáng, nhưng có lẽ 5 năm tới thành phố chưa thể xử lý được vấn đề này”, ông Phong nói.

87 tram thu phi vao ha noi

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, vấn đề quan trọng nhất là thành phố phải quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mỗi một giải pháp khi đưa ra triển khai đều có sự liên kết và hỗ trợ nhau chứ không thể sử dụng đơn lẻ một giải pháp nào để mong đạt được kết quả.

Ông Phong phân tích: “Đầu tiên, tôi nói về kế hoạch phát triển các đô thị vệ tinh tới 2030 tầm nhìn 2050. Kế hoạch này đã được thảo luận từ 10 năm, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng tới nay chỉ có Hòa Lạc là làm được một phần, bốn khu vực còn lại không triển khai được gì. Vậy thì phải tổng kết đánh giá xem nguyên nhân tại sao chưa làm được và tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách gì, có những ưu đãi gì để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng di chuyển tới những khu vực ấy? Nếu như không đặt vấn đề và quyết liệt thực hiện thì 10 năm nữa trôi qua cũng không triển khai được, trong khi đó hạ tầng nội đô thì ngày càng quá tải.

Vấn đề thứ hai là quản lý quy hoạch của Hà Nội cũng cần phải được xem xét và xử lý nghiêm minh, tại sao lại để xảy ra tình trạng xây quá nhiều nhà cao tầng, xây vượt tầng làm tăng dân số cơ học mà điển hình những năm gần đây là khu vực Linh Đàm và Gia Lâm xảy ra vi phạm, mật độ xây dựng các nhà chung cư cao tầng quá lớn. Dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu cũng đã có quá nhiều nhà cao tầng, trong khi mỗi bên chỉ có hai, ba làn xe. Chắc chắn rằng với tình hình này thì vài năm tới đây đường phố sẽ còn ùn tắc nghiêm trọng hơn.

Một lần nữa, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Việc thay đổi quy hoạch bất thường là trách nhiệm của ai? Nếu như không xử lý trách nhiệm cá nhân thì không thể ngăn chặn được nguy cơ quy hoạch tiếp tục bị băm nát.

Vấn đề thứ ba, cũng đã chục năm nay chúng ta bàn về việc di dời các trường học, bệnh viện, công sở ra khu ngoại thành nhưng mãi không làm nổi. Tôi cho rằng trong quá trình xây dựng các đô thị vệ tinh cần phải tính toán để có cơ chế hỗ trợ giải quyết cho nhóm này di chuyển thì lập tức giảm được một phần áp lực cho hạ tầng giao thông nội đô

Vấn đề thứ tư, tiếp tục kiểm soát chặt việc xây dựng các tòa nhà trong 5 quận nội đô, kiên quyết xử lý nghiêm nếu chủ đầu tư xây cao vượt phép. Ngay cả những khu nhà chung cư cũ khi cải tạo làm mới cũng phải tính toán không làm tăng dân số, kiên trì với các giải pháp giãn dân ra khu vực ven đô”.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, trên thế giới hiện chỉ có vài quốc gia áp dụng giải pháp thu phí vào nội đô và khi áp dụng thì đều có sự tính toán hợp lý, vừa giảm bớt nguy cơ ùn tắc, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo vận hành phát triển kinh tế - xã hội.

"Tôi nhắc lại là giải pháp thu phí chỉ mang tính tình huống và không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Muốn người dân sử dụng phương tiện công cộng để chống ùn tắc thì công tác tổ chức phải tốt hơn, thuận tiện hơn cho quá trình di chuyển. Bên cạnh đó phải nhanh chóng đầu tư mở rộng dành quỹ đất cho giao thông, đồng thời kiên quyết thực hiện quy hoạch, dứt khoát không cho xây nhà cao tầng làm tăng dân số trong nội đô, có chính sách đẩy mạnh các dự án nhà ở khu vực ngoại thành, tạo thuận lợi cho người dân an cư và di chuyển làm việc thuận tiện, như vậy sẽ giải quyết hài hòa bài toán: Kinh tế - Kiến trúc - Giao thông", ông Phong cho hay. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top