Aa

Quy hoạch Hà Nội: Kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô

Thứ Ba, 09/01/2024 - 16:57

Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được tổ chức lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, nhằm kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội giữa thế kỷ XXI và xa hơn nữa.

Tạo lập thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù cho Thủ đô

Sáng 9/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục; có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là cực tăng trưởng của đất nước trong những năm qua. Hiện GRDP của Hà Nội chiếm khoảng 14% của cả nước và liên kết giữa Hà Nội với các địa phương ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được; trong những năm gần đây vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2011, GRDP chiếm 48% GRDP của Vùng thì đến năm 2022 chiếm 42,2%; Tốc độ tăng trưởng GRDP đang có xu hướng thấp dần so với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng (cụ thể: Năm 2023 tăng trưởng kinh tế của Thủ đô là ước đạt 6,27%, đứng thứ 9/11 tỉnh/thành phố trong Vùng).

Quy hoạch Hà Nội: Kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô
- Ảnh 1.

Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung)

 Nông nghiệp chậm thay đổi, manh mún, chưa phát triển theo xu thế kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sạch; thiếu các vùng sản xuất được hỗ trợ tốt về hạ tầng chuyên ngành; văn hóa; khu công nghiệp.

Không gian phát triển công nghiệp chưa phát huy được tiềm năng. Sau khi sáp nhập, Hà Nội có 9 KCN, với diện tích 1.673,6 ha; trong khi đó Bắc Ninh với diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng hiện có 16 KCN, diện tích 6.397,68 ha.

Vì vậy, việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương.

Quy hoạch Hà Nội: Kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô
- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đức Trung)

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, năm 2023, TP. Hà Nội triển khai tổ chức xây dựng đồng thời 3 nội dung công việc quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương mang tính chiến lược của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn kiện quan trọng khác. Đó là: (1) Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, (2) Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 nhằm kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội giữa thế kỷ XXI và xa hơn nữa; phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo lập thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực, động lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hiện nay, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã, cùng với các báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch (ĐMC), báo cáo tóm tắt, hệ thống phụ lục, hệ thống sơ đồ, bản đồ được xây dựng trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).

Quy hoạch Hà Nội: Kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô
- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh (Ảnh: Đức Trung)

4 tuyến hành lang và 1 vành đai kinh tế để trở thành động lực lan tỏa

Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Cụ thể, dự thảo Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến "tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển"; "phát triển bao trùm, nhanh và bền vững"; phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc "thuận tự nhiên"; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0".

Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Quy hoạch Hà Nội: Kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô
- Ảnh 4.

Nguồn: UBND TP. Hà Nội

Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...

Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: (1) Đột phá về thể chế và quản trị; (2) Đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; (3) Đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; (4) Đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.

Đồng thời, nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển nhằm khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển, đồng thời có sự liên kết hài hòa giữa các tiểu vùng, giữa các không gian dựa trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế so sánh của các vùng, ưu tiên phát triển một số tiểu vùng mang tính dẫn dắt, chú trọng một số không gian mới để tạo động lực phát triển. Các phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung phát triển theo 4 tuyến hành lang và 1 vành đai kinh tế để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng trung du miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.

Từ các ý kiến tham vấn, góp ý của các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để TP. Hà Nội triển khai xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển gắn với việc khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành thành phố "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top