Aa

Quy hoạch không gian dưới đất: “ngầm” chạy theo “nổi”!

Thứ Sáu, 20/04/2018 - 14:01

Mật độ phát triển đô thị dày đặc của thành phố xấp xỉ 13 triệu dân buộc cơ quan chức năng TPHCM phải tính đến việc tận dụng thêm diện tích dưới lòng đất để chia sẻ áp lực bên trên, trước mắt là lập một quy hoạch xây dựng không gian ngầm làm cơ sở để các công trình ngầm phát triển sau này.

Một gian hàng ở khu chợ dưới lòng đất tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Một gian hàng ở khu chợ dưới lòng đất tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Tuy nhiên, với thực trạng các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật đang tồn tại và các dự án chuẩn bị đầu tư bên trên mặt đất, có thể thấy không dễ để hình thành một không gian ngầm độc lập và hoàn chỉnh mang tính kết nối đồng bộ.  

Dù dự kiến đến năm 2019 mới hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng không gian ngầm TPHCM nhưng quan điểm ban đầu được Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố đưa ra là: giai đoạn đầu thành phố sẽ phát triển không gian ngầm khu vực vùng lõi 930 héc ta và khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó tập trung phát triển xung quanh hệ thống nhà ga các tuyến tàu điện ngầm (metro).

Theo ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố, việc đầu tiên ngành quy hoạch kiến trúc phải làm để lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm và điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố là khảo sát hiện trạng trên mặt đất của toàn thành phố. Hay nói cách khác là nắm hiện trạng trên mặt đất có gì để quy hoạch không gian ngầm hợp lý trong tương lai.

Về lý thuyết, kết nối giữa các không gian công cộng ngầm và các không gian dịch vụ thương mại ngầm khác gần như sẽ tạo thành một “thành phố” dưới lòng đất, để khai thác tối ưu công trình bên dưới mặt đất và bên trên mặt đất, tạo tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố. 

Hiện TPHCM đã có tám tuyến metro được hoạch định hướng tuyến cụ thể. Nếu thử lấy tuyến metro số 1 trục Bến Thành - Suối Tiên để phát triển không gian ngầm, sẽ thấy mọi chuyện không hề đơn giản. Đầu tiên, muốn phát triển hệ thống 14 nhà ga ngầm và nổi dọc tuyến metro số 1 trở thành các cụm đô thị kết hợp ngầm và nổi thì chi phí giải phóng mặt bằng để mở rộng thêm không gian thương mại dịch vụ dọc tuyến metro này sẽ không nhỏ. Việc phải làm sao để khi đào xuống không “đụng” các hạng mục hạ tầng hiện hữu như điện, nước, thoát nước cũng không hề đơn giản.

Ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó trưởng Văn phòng đại diện Tập đoàn Xây dựng Shimizu (Nhật Bản), cho rằng nếu phát triển không gian ngầm dọc theo tuyến metro số 1, bây giờ làm vẫn kịp nhưng sẽ rất tốn kém bởi đất xung quanh các nhà ga tuyến metro này đã tăng giá rất cao, chi phí bồi thường sẽ rất lớn.

Vậy nếu bên trên thành phố định hướng phát triển khoảng tám tuyến metro thì liệu có nhất thiết phải phát triển không gian ngầm chạy theo tất cả các tuyến này không? Và nếu có thì có cần phải tạo cơ chế thu hút thêm tư nhân tham gia đầu tư và khai thác không gian ngầm hay không, để giảm chi phí đầu tư cho ngân sách? Chưa kể, lộ trình trên mặt đất của tám tuyến metro này đều đi qua những khu vực đông đúc dân cư, có nhiều công trình lớn tồn tại mà muốn thu thập hết số liệu kỹ thuật, giải tỏa đủ mặt bằng, huy động đủ vốn có khi mất hàng chục năm mới xong.

Chỉ riêng khu vực trung tâm của thành phố hiện nay (930 héc ta), để quy hoạch được không gian ngầm bài bản, thì mỗi việc thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu kỹ thuật của các công trình trên mặt đất đã rất khó khăn.

Ông Quốc cho rằng một đô thị hiện đại thường có tỷ lệ công trình ngầm chiếm khoảng 20-25% tổng số lượng các dạng công trình, nên TPHCM không nhất thiết phải xây dựng công trình ngầm xung quanh toàn bộ các tuyến metro. Quan trọng là phải tính tới việc ngầm ở đâu để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, tránh kiểu xây dựng tập trung, dồn cục.  

Đối với khu đô thị Thủ Thiêm, theo ông Quốc, việc cần làm trước tiên là xây dựng các đường hầm ngầm kỹ thuật chung để chứa các đường cống thoát nước, cấp nước, điện, viễn thông… rồi mới tính đến chuyện quy hoạch không gian ngầm bên dưới gồm những công trình gì. Một số loại hình công trình ngầm phù hợp với đô thị Thủ Thiêm là phố đi bộ ngầm, khu mua sắm ngầm có kết nối với các công trình, các dự án đang phát triển trên khu đô thị được bao bọc bởi hệ thống sông rạch này. 

Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng chỉ riêng khu vực trung tâm của thành phố hiện nay (930 héc ta), để quy hoạch được không gian ngầm bài bản, thì mỗi việc thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu kỹ thuật của các công trình trên mặt đất đã rất khó khăn.

Chẳng hạn, muốn xây một tuyến tàu điện ngầm đi ngang qua một trục đường trung tâm, cần có số liệu nền móng của các tòa nhà bên trên để xử lý chống rung. Hiện tại việc này không dễ thực hiện vì  hồ sơ, số liệu phân tán, không được lưu trữ và quản lý tập trung. Điều này cho thấy quy hoạch phát triển công trình ngầm phụ thuộc vào dữ liệu các công trình bên trên như thế nào!    

Nhiều chuyên gia cho rằng việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm đô thị cần được nghiên cứu cẩn thận dựa trên các phân tích khoa học, kinh tế, môi trường, xã hội để đảm bảo tính khả thi và ổn định lâu dài. Đặc biệt, cần chú ý đến điều kiện địa chất công trình, thủy văn, vị thế và giá trị các công trình kiến trúc hiện hữu bên trên cũng như mạng lưới các công trình kỹ thuật ngầm sẵn có bên dưới.

Các chuyên gia đề xuất đối với vùng lõi 930 héc ta của thành phố, những dạng công trình ngầm TPHCM có thể triển khai trước là công trình công cộng, thương mại dịch vụ ngầm, hệ thống đường sắt đô thị, hầm vượt sông, hầm đường bộ, bãi giữ xe ngầm, hành lang đi bộ ngầm đi kèm với không gian ngầm chung dành cho các công trình kỹ thuật ngầm như hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước và cả những công trình phục vụ an ninh quốc phòng.

Tất cả các dạng công trình ngầm này đều phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, đảm bảo tính hiện đại trong định hướng phát triển đô thị và công trình ngầm, đảm bảo kết nối không gian công trình ngầm với các công trình trên mặt đất, tránh việc thiếu tính kết nối, “ngầm” một bên và “nổi” một bên!

Theo nghị định 41/2007/NĐ-CP thì công trình ngầm là những công trình được xây dựng dưới đất tại đô thị. Công trình ngầm trong đô thị có thể phân thành các nhóm công trình sau: công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm đường ống, cấp nước/thoát nước, cấp nhiệt, khí và công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc, cáp quang; công trình giao thông ngầm đô thị gồm hầm giao thông (hầm đường ô tô, hầm đường sắt đô thị - tàu điện ngầm, hầm cho người đi bộ), nhà ga, bến, bãi đỗ xe, các công trình phục vụ giao thông khác có liên quan; công trình công cộng ngầm (tổ hợp đa năng) bao gồm các công trình văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ, văn phòng có thể kết hợp bãi đỗ xe, ga tàu điện ngầm với các dịch vụ này; Phần ngầm của các công trình xây dựng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top