Theo chuyên gia công trình xanh Đỗ Ngọc Diệp (tổ chức IFC – Ngân hàng Thế giới), mặc dù các khái niệm này đã được sử dụng khá phổ biến, điển hình như cụm từ “công trình xanh” đã bắt đầu được biết đến ở Việt Nam từ năm 2007 và nó cũng được nêu ra trong Thông tư 01/2018/TT-BXD ban hành ngày 5/1/2018, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, công trình xanh, kiến trúc xanh và nội thất xanh vẫn chưa được định nghĩa và phân biệt rõ ràng trong một văn bản pháp luật nào của Nhà nước Việt Nam.
Do đó, vẫn tồn tại những hiểu lầm xoay quanh 3 khái niệm trên. Chẳng hạn như có người cho rằng, việc thiết kế nội thất xanh tức là tạo nên một kiến trúc xanh hoặc tạo nên một kiến trúc xanh là tạo thành một công trình xanh. Tuy nhiên, đây là 3 khái niệm hoàn toàn khác biệt.
Nói một cách đơn giản, để phân biệt công trình xanh, kiến trúc xanh và nội thất xanh, chúng ta cần phân biệt được nội thất, kiến trúc và công trình là gì. Theo ThS. KTS Vũ Thế Cao, Giám đốc Công ty Nội thất Xanh, một công trình sẽ bao hàm cả phần kiến trúc và phần nội thất, do đó, khái niệm công trình xanh là khái niệm bao chùm tổng quát nhất, bao gồm cả kiến trúc xanh và nội thất xanh. Để tạo được một công trình xanh thì nó phải kết hợp cả yếu tố kiến trúc xanh và nội thất xanh, tức là nó phải xanh từ ngoài vào trong. Công trình được gọi là xanh khi nó xử lý được cả phần năng lượng và phần không gian cho con người.
Trong khi đó, kiến trúc là phần tác động trực tiếp với môi trường bên ngoài, nói đến kiến trúc xanh người ta thường nghĩ nhiều hơn đến kiến trúc công trình, hình thái và năng lượng tỏa ra. Và nội thất là cái cận kề nhất với cuộc sống của con người, nội thất xanh là một yếu tố, khái niệm thu hẹp hơn tác động trực tiếp đến cuộc sống bên trong của con người trong công trình.
Căn cứ vào các định nghĩa (các tiêu chí để xác định) của công trình xanh, kiến trúc xanh phổ biến và uy tín trên thế giới, bà Đỗ Ngọc Diệp nhận định: “Có thể nhận ra các tiêu chí của kiến trúc xanh khá gần với định nghĩa công trình xanh, tuy nhiên hai khái niệm này theo ngôn ngữ ngành khác biệt rất rõ”.
Cụ thể, kiến trúc xanh là triết lý, phương pháp thiết kế để tạo ra công trình xanh còn công trình xanh là sản phẩm của một quá trình xây dựng (từ các khâu thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ) đã cân nhắc tác động tới môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình trong suốt vòng đời của chúng. Để tạo ra các công trình xanh, ngoài các giải pháp kiến trúc xanh, các kỹ sư cũng đóng góp rất nhiều các giải pháp kỹ thuật như điều chỉnh hệ thống điều hòa, hệ thống chiếu sáng được lắp cảm biến để điều chỉnh tự động, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng…
Còn về nội thất xanh, mặc dù thị trường Việt Nam chưa có tổ chức uy tín nào đưa ra định nghĩa, tuy nhiên, có thể hiểu rằng nội thất xanh, cũng giống hai định nghĩa kể trên là phương pháp thiết kế nội thất có kết hợp các lựa chọn, giải pháp thân thiện môi trường. Ví dụ trong quá trình chọn lựa các vật liệu thì ưu tiên các vật liệu có nguồn gốc bền vững, giảm thiểu việc gia công chế biến và tính toán đến khả năng tái sử dụng, tái chế…
Đứng trên góc độ của một nhà nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Nam, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc và Nội thất, Đại học Xây dựng Hà Nội giải thích: Kiến trúc xanh là việc sử dụng các giải pháp kiến trúc để tiết kiệm năng lượng. Các giải pháp kiến trúc để tiết kiệm năng lượng thì thường không có nhiều và nó không chủ động, cho nên nó thường thiên về giải pháp thụ động.
Ví dụ như KTS. Võ Trọng Nghĩa dùng phương pháp quay hướng nhà sang hướng đông nam để tránh nắng và chỉ cần sử dụng quạt. Hoặc bắt buộc nhà phải nằm ở hướng có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thì ta có thể sử dụng các nan chớp để tránh nắng. Đấy là các giải pháp thụ động, giải pháp kiến trúc.
Công trình xanh cũng có thể sử dụng cả những giải pháp thụ động như của kiến trúc xanh. Tuy nhiên, vì các giải pháp thụ động này không được nhiều nên nó phải xen kẽ với các giải pháp kỹ thuật để tạo nên một công trình xanh.
Thí dụ, các tòa nhà lớn, cao tầng, siêu cao tầng, ở các tầng 30, 40 rất nóng, bức xạ lớn, đặc biệt là các tòa văn phòng bắt buộc phải có kính. Khi sử dụng kính như vậy thì ta không thể mở cửa để lấy gió bởi tiếng ồn, bụi bặm sẽ vào bên trong và các giải pháp kiến trúc bị hạn chế. Trong trường hợp đó người ta sẽ sử dụng điều không, kết cấu bao che bằng kính low-e không cho các tia nhiệt đi vào trong nhà… Đó là giải pháp kỹ thuật.
Vì thế, công trình xanh thiên về các giải pháp chủ động, giải pháp kỹ thuật, tức là người ta sẽ dùng điều hòa… để giải quyết vi khí hậu trong nhà. Công trình xanh sẽ phải tiết kiệm năng lượng, về cơ bản các chỉ số về nó là các chỉ số về tiết kiệm năng lượng như năng lượng chiếu sáng, thông gió trong nhà… Tóm lại, công trình xanh sử dụng đồng bộ nhiều yếu tố. Ở các nước đều có chứng chỉ để xác định một công trình là công trình xanh.
Chữ “xanh” trong cả ba khái niệm này đều có nghĩa là giải quyết các vấn đề về năng lượng, không phải chữ “xanh” là để nói có cây xanh. Xanh là sạch, mà sạch là tiết kiệm năng lượng, an toàn với môi trường và con người.
Như vậy, nội thất xanh về cơ bản có thể hiểu là đề cao các yếu tố có khả năng tiết kiệm được năng lượng có trong nội thất. Nó là các trang thiết bị an toàn, không có hóa chất, không tỏa nhiệt… Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa, một bộ tiêu chí thể hiện thế nào là nội thất xanh.
Công trình xanh: Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời, được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua: + Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả; + Bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; + Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Kiến trúc xanh: Các tiêu chí kiến trúc xanh, theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bao gồm: + Địa điểm bền vững: Địa điểm xây dựng phù hợp với quy hoạch; Bảo vệ môi trường và cảnh quan tự nhiên; Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng/chống thiên tai; Hòa nhập với cảnh quan tự nhiên; Phục hồi, nâng cấp môi trường cảnh quan; + Sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả: Khai thác, sử dụng hiêu quả không khí và ánh sáng tự nhiên; Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; Sử dụng hợp lý, tiết kiệm đất đai trong xây dựng; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Áp dụng công nghệ xanh; Quản lý hiệu quả trong xây dựng, khai thác, sử dụng công trình kiến trúc, khu đô thị; + Chất lượng môi trường trong nhà: Tổ chức không gian trong nhà phù hợp nhu cầu tâm sinh lý, giao tiếp cộng đồng; Vỏ bao che phòng, chống, giảm thiểu tác động của các yếu tố môi trường tự nhiên, nhân tạo; Vật liệu nội thất đảm bảo không phát thải khí độc hại và tác động xấu đến sức khỏe, tâm sinh lý người sử dụng; Chất lượng không khí đảm bảo; Đảm bảo bảo mức ồn trong nhà, khu đô thị thấp hơn giới hạn cho phép; Giảm thiểu năng lượng sử dụng, quản lý và kiểm soát chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng; + Kiến trúc tiên tiến, bản sắc: Giải pháp quy hoạch, kiến trúc tương thích với nhu cầu sống, hướng tới các giá trị văn hóa của xã hội tương lai; Bảo tồn, kế thừa và khai thác các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống, đặc trưng dân tộc, vùng, miền; Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội; + Tính xã hội - nhân văn, bền vững: Hòa nhập với môi trường nhân văn; Đáp ứng nhu cầu vật chất, văn hóa tinh thần của cá nhân, cộng đồng, dân tộc; Tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Môi trường – kinh tế - xã hội ổn định. |