Aa

Quy hoạch không gian nông nghiệp đô thị: Lời giải từ vành đai xanh

Thứ Sáu, 16/10/2020 - 10:57

Theo các chuyên gia, trong rất nhiều giải pháp, phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, tốc độ đô thị hóa nhanh còn gây không ít hệ lụy như áp lực dân số, giao thông, môi trường… Trong đó, đáng lo ngại khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nơi được coi là hành lang xanh của đô thị ngày càng bị thu hẹp.

Hệ lụy của đô thị hóa

Khu vực ven đô chịu ảnh hưởng mạnh của quá trình đô thị hóa tại Hà Nội thời gian qua. Quá trình xây dựng và mở rộng không gian đòi hỏi chiếm dụng một phần diện tích đất nông nghiệp khá lớn tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh… Nếu như năm 2000, diện tích đất nông nghiệp của TP là 40.152ha, đến năm 2007 giảm còn 37.857ha. Diện tích đất lâm nghiệp cũng giảm đáng kể từ 6.333ha năm 2000, chỉ còn 4.804ha vào năm 2007.

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Ý - Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị cho rằng, quá trình đô thị hóa tại Hà Nội đã, đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch, phát triển mới ở Thủ đô, đặc biệt với vùng ven đô. 

Điều dễ nhận thấy, diện tích đất nông nghiệp giảm đã làm một bộ phận lao động mất đất sản xuất, thiếu việc làm, gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Vấn đề vệ sinh môi trường đô thị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… Đây thực sự là các yếu tố đe dọa sự phát triển bền vững của đô thị.

Cánh đồng tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Cùng quan điểm, Thạc sĩ, KTS Vũ Hoài Đức - Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chia sẻ, việc chuyển đổi đất nông nghiệp khiến cho cả một khu vực sinh cảnh bị thay đổi, diện tích cây xanh, mặt nước thu hẹp do các hoạt động xây dựng và phát triển. Tại Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Trì... tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới bằng nguồn nước ô nhiễm khá phổ biến. Các làng nghề xen kẽ trong dân cũng là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Cần bước đột phá

Theo các chuyên gia, trong rất nhiều giải pháp, phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa. Đồng thời, xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại góp phần hình thành và phát triển vành đai xanh, hành lang xanh, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững. KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, nông nghiệp đô thị đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị của các quốc gia. Đây không chỉ là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ cho các đô thị, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị mà còn góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo dựng cảnh quan đô thị.

KTS Trần Ngọc Chính cho hay, tại Hà Nội, từ năm 2011, trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã xác định xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Vành đai xanh được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn TP, gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông hồ ao, không gian mở ven mặt nước và các công viên trong đô thị… Điều đó cho thấy, trong chiến lược phát triển Thủ đô, lĩnh vực nông nghiệp rất được quan tâm phát triển.

Trên thực tế, các quy hoạch, kế hoạch phát triển ở Hà Nội thời gian qua như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng ven đô đến năm 2020 đã có những nội dung, tiêu chí cơ bản của phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị cao, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, các nội dung đó về cơ bản mới chỉ có tính chất thí điểm ở những vùng nông nghiệp chuyên canh đặc thù, chưa có bước đột phá, phát triển trên diện rộng. Vì vậy, nông nghiệp ven đô chưa được rõ nét, làm giảm vai trò của những vành đai xanh.

Theo GS.TS Trịnh Duy Luân - Hội Xã hội học Việt Nam, thách thức lớn nhất là giá trị kinh tế của đất đai ở vùng ven đang gia tăng nhanh, rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phi nông nghiệp và bất động sản. Chẳng hạn, từ đầu những năm 2000, có những xã của Hà Nội, sau khi trở thành phường, đất đai đã được chuyển từ trồng lúa sang trồng rau, rồi trồng hoa, sang cho thuê đất… Cuối cùng là phương án bỏ hoang đợi ngày được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc được đền bù bởi các dự án khu đô thị mới hay nhà ở thương mại. 

“Chính sách giữ chân, giữ đất để người nông dân ven đô thực hiện chức năng làm nông nghiệp đô thị hay vành đai xanh cho các trung tâm đô thị hiện đại đang là bài toán lớn nhất cho các nhà quản lý đô thị và cơ quan chức năng của Hà Nội”, GS.TS Trịnh Duy Luân nhìn nhận.

Nông nghiệp đô thị ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong không gian đô thị. Vì vậy, Hà Nội cần nghiên cứu từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết các khu vực có hoạt động nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh - thông minh bền vững trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Cùng với đó, ban hành các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp đô thị trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - GS.TS Đỗ Hậu

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top