Aa

Quy hoạch không khoa học, đô thị sẽ ngập trong rác

Thứ Năm, 08/11/2018 - 23:30

Ở Việt Nam, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó, chất lượng môi trường đô thị bị suy giảm nghiêm trọng. Việc quy hoạch bãi rác đô thị hiện nay vẫn luôn là vấn đề nổi cộm.

Từ quy hoạch đến thực tế vẫn còn xa vời

Phần lớn các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc này chính là do quy hoạch bãi rác thiếu khoa học, tỷ lệ chất thải rắn đô thị chưa được xử lý đúng kỹ thuật, công nghệ xử lý còn lạc hậu và chưa phù hợp với điều kiện thực tế

Theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phân vùng xử lý chất thải rắn được chia làm 3 vùng và xác định có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó, 8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới, được phân theo 3 vùng nêu trên. Trong đó, Vùng I có 5 khu xử lý chất thải rắn gồm: Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (hiện có tiếp tục xây dựng mở rộng); khu xử lý chất thải rắn Việt Hùng (hiện có tiếp tục sử dụng); khu xử lý chất thải rắn Kiêu Kỵ (hiện có tiếp tục sử dụng); khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng (xây dựng mới); khu xử lý chất thải rắn Cầu Diễn (hiện có tiếp tục sử dụng). Vùng II có 6 khu xử lý chất thải rắn, trong đó xây dựng mới 4 khu và 2 khu tiếp tục xây dựng mở rộng. Vùng III cũng có 6 khu xử lý chất thải rắn với 4 khu xây dựng mới và 2 khu tiếp tục xây dựng mở rộng.

Mặc dù đã vạch ra những định hướng, tuy nhiên, các bãi rác của nước ta trên thực tế không giống với trên mặt giấy.

Mặc dù đã vạch ra những định hướng, tuy nhiên, các bãi rác của nước ta trên thực tế không đạt được tiêu chuẩn như đề ra ban đầu.

Toàn thành phố Hồ Chí Minh hiện trông chờ nhiều nhất vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (ở Bình Chánh, quy mô 614 ha).  Theo quy hoạch, các khu xử lý CTR có quy mô lớn sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại, chủ yếu là tái chế chất vô cơ, hữu cơ; đốt CTR vô cơ không tái chế được và CTR nguy hại sản xuất điện; chôn lấp hợp vệ sinh (chất vô cơ và tro sau khi đốt). Các khu xử lý CTR quy mô nhỏ, CTR phát sinh tại khu vực nông thôn ưu tiên sử dụng các công nghệ chôn lấp, tái chế, ủ phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp. Áp dụng công nghệ hoàn nguyên bãi chôn lấp để tiết kiệm diện tích. 

Tuy nhiên, trong thực tế, TP.HCM hiện chưa có các cơ sở tái chế CTR quy mô lớn, việc phân loại và tái chế CTR thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình với khoảng gần 1.000 cơ sở thu mua và 10 nhà máy tái chế.

Mặc dù các cơ quan quản lý luôn nỗ lực để quy hoạch các bãi rác thật khoa học và hợp lý, với mong muốn giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường đô thị, cũng như mang lại cuộc sống trong lành cho người dân, tuy nhiên, trên thực tế, những cố gắng đó dường như là “chưa đủ” khi mà số lượng rác thải ngày một gia tăng với con số chóng mặt, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. 

Tại Hà Nội, quy hoạch bãi rác gần nơi tập trung dân cư với số lượng lớn, các khu công nghiệp, đã khiến mức độ ô nhiễm ngày càng tăng cao. Ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, người dân chưa một ngày nào ngon giấc. Họ phải sống cùng với nỗi đau, nỗi lo lắng về bệnh tật suốt hơn 10 năm qua do rác thải của bãi rác Xuân Sơn gây nên.

Cuộc sống người dân xung quanh các bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuộc sống người dân xung quanh các bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề.

Với diện tích khoảng gần 30ha, bãi rác này nằm trên cả phần diện tích thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 1300 tấn rác. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ hoạt động của Khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Bên cạnh việc chôn lấp, rác còn được xử lý bằng phương pháp đốt gây ô nhiễm nghiêm trọng. Những con người ở đây, ngày này qua ngày khác mòn mỏi chờ đợi được giải quyết thoả đáng để tìm kiếm nơi sinh sống mới.

Bãi rác Nam Sơn cũng không thoát khỏi tình trạng trên mặc dù đã huy động nhiều nhân lực tập kết, thu gom, phân loại rác. Đây là nơi tiếp nhận rác của các quận nội thành Hà Nội với công suất tiêu thụ khoảng 4.000 tấn rác mỗi ngày. Nhiều người dân ở quanh bãi rác này nhiều năm nay mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư, bệnh ngoài da,... do môi trường nước và không khí đều ô nhiễm. Việc sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước tưới ô nhiễm nặng nề.

Vì đâu nên nỗi?

Theo Thạc sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luận, cơ sở hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa cộng với việc tỷ lệ chất thải rắn đô thị chưa được xử lý đúng kỹ thuật, công nghệ xử lý còn lạc hậu và chưa phù hợp với điều kiện thực tế là một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường đô thị. Tuy nhiên, việc quy hoạch các bãi rác đô thị gần nơi sinh hoạt của người dân nhưng không xử lý được kịp thời cũng là một trong những lý do quan trọng.  Điều đó vừa “kém văn minh”, thiếu khoa học, có thể sẽ dẫn đến tình trạng đô thị ngập trong rác.

Công nghệ xử lý rác thải còn lạc hậu, chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa.

Công nghệ xử lý rác thải còn lạc hậu, chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa.

Bên cạnh đó, công tác thu gom, vận chuyển, các trạm trung chuyển CTR cũng không được bố trí địa điểm một cách khoa học, không đảm bảo vệ sinh ở nhiều đô thị đã và đang gây ra những tác động xấu tới đời sống sinh hoạt người dân, gây mất mỹ quan đô thị, đặc biệt là tại các khu vực có hoạt động du lịch phát triển như phố cổ Hà Nội…

Có thể nói rằng, công nghệ thu gom, xử lý,… rác thải dường như chưa tương xứng với điều kiện phát triển cũng như số lượng rác ngày một tăng cao của nước ta. Vấn đề quy hoạch trước khi đưa vào thi công, xây dựng là một trong những vấn đề tiên quyết, giúp cho việc tránh khỏi những hệ quả không mong muốn có thể xảy ra sau này.

Ảnh: Huy Dương - Đỗ Linh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top