Quy hoạch dự kiến được phê duyệt vào tháng 6 và các đơn vị thành phố đang nghiên cứu, hoàn thiện đồ án quan trọng này.
Cụ thể, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch là 280.000 - 320.000 người.
Theo đó, quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ định hướng là hành lang xanh của đô thị trung tâm Hà Nội. Thay vì trước đây luôn coi sông Hồng là ranh giới của vùng ven và vùng nội đô, nhưng với quy hoạch này, sẽ đặt sông Hồng chảy vào tâm của TP. Hà Nội.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển phía bắc sông Hồng cũng phải hiện đại, thân thiện như phía nam sông Hồng. Từ đó có điều kiện về hạ tầng, cơ sở, để thu hút dân cư trong khu vực nội đô lịch sử, khu vực phía nam sông Hồng.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Viện Quy hoạch Kiến trúc, Sở Quy hoạch, Sở Xây dựng tính toán kết nối chặt chẽ quy hoạch này với các phân khu sẵn có, nhất là các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử.
Đặc biệt, cũng nhấn mạnh đồ án tuân thủ triệt để quy tắc phòng chống lũ, không cơi nới ở trong lòng sông, không thu hẹp chỉ giới thoát lũ. Phần hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi của quy hoạch thoát lũ với đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng đã cơ bản thỏa mãn - ông Dương Đức Tuấn chia sẻ.
UBND thành phố thời gian tới sẽ làm việc, xin ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, trình đồ án này đảm bảo phù hợp với thực tiễn, nhưng cũng phù hợp với mục tiêu chỉnh trang đô thị, tạo lập trục cảnh quan xanh cho Thủ đô.
Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ về việc thành phố sẽ kế thừa, tiếp thu quy hoạch sông Hồng được phía Hàn Quốc xây dựng cho Hà Nội trước đây thế nào, ông Dương Đức Tuấn khẳng định thành phố sẽ không đi theo hướng của Hàn Quốc xây dựng giống như quy hoạch tại Seoul.
Theo đó, thành phố sẽ không xây dựng khu đô thị cao tầng trong lòng sông Hồng mà làm theo hướng hài hòa hơn giữa 2 khu vực là phía Bắc và phía Nam sông Hồng.
Ông cho biết các chuyên gia, đơn vị chức năng của thành phố đã nghiên cứu kỹ vấn đề này. Đồ án đáp ứng định hướng không gian, chức năng khu vực, song cũng giải phóng tối đa các nguồn lực về đất đai, du lịch, dịch vụ và cả nông nghiệp.
Trong 11.000ha đất được quy hoạch của đồ án, 30% sẽ là diện tích mặt nước, phần đất khai thác đô thị trong đồ án xác định khoảng 2.000ha. TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tính toán trong thời gian tới, nhưng khoảng 2.000ha đã đủ đáp ứng các điều kiện cân bằng, hiệu quả kinh tế cho khu vực này.
Kết luận phiên làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ dành lời khen ngợi và đánh giá cao nỗ lực Ban cán sự Đảng UBND thành phố, cũng các ngành chức năng trong việc hiện thực hóa quy hoạch 2 bờ sông Hồng. Theo ông Vương Đình Huệ, đây là nhiệm vụ lịch sử của UBND TP. Hà Nội, nhất là trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Ban Thường vụ Thành ủy đồng tình cơ bản với định hướng phát triển theo quy hoạch này. Trước mắt, Bí thư Vương Đình Huệ giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố thống nhất với Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phê duyệt theo cấp có thẩm quyền.
Lưu ý, trong quá trình làm việc với các bộ, ngành, UBND thành phố cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến cầu thị, nghiêm túc, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo quy định hiện hành và hướng dẫn chuyên môn của các bộ. Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh nếu quy hoạch được duyệt vào tháng 6 sẽ là thành công lớn, niềm phấn khởi cho người dân tại đây.