Cơn sốt đất chưa từng có tiền lệ tại khu Tây Sài Gòn
Thông tin phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM vừa công bố đã tạo đà mạnh mẽ cho bất động sản các khu dân cư lân cận.
Một thực tế cho thấy khu vực nào có cơ sở hạng tầng phát triển, giao thông thuận tiện ở đó sẽ là điểm sáng của thị trường bất động sản.
Các khu dân cư về phía Tây, tiếp giáp với đường Trường Chinh cũng đang được hưởng lợi lớn từ việc quy hoạch, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Một làn sóng dịch chuyển địa ốc, khu dân cư, hàng loạt tiện ích đang được xây dựng lên về phía Tây của sân bay đang phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, thị trường bất động sản khu vực lân cận sân bay Tân Sơn Nhất đang sôi động từng ngày với sự xuất hiện của nhiều dự án bất động sản, nhiều khu dân cư tích hợp tiện ích.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, giá đất tại đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 từ 85 triệu/m2 đến 100 triệu/m2 tùy vị trí.
Vẫn thiếu các thương vụ đầu tư từ châu Mỹ, châu Âu
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Diễn đàn mua bán, sáp nhập Việt Nam (MAF), trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành bất động sản đang dẫn đầu về tỷ trọng giá trị mua bán và sáp nhập (M&A), đạt 66,75%. Hầu hết các giao dịch này hướng tới các dự án bất động sản ở khu vực thành thị lớn hoặc đô thị mới phát triển, nơi tập trung dân cư, các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn ở vị trí trung tâm.
Giới chuyên gia dự báo, xu hướng M&A sẽ còn tiếp tục trong lĩnh vực bất động sản, thậm chí kỳ vọng lập kỷ lục trong năm 2018. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các nhà đầu tư từ châu Mỹ, châu Âu vào thị trường bất động sản Việt Nam như khẳng định rằng thì trường thực sự chưa phát triển được như mong đợi, nhất là trong cách quản trị, vận hành và phong cách dịch vụ.
Lý giải từ Savills Việt Nam, hoạt động của các nhà đầu tư Âu Mỹ có vẻ “khiêm tốn” hơn các đơn vị đến từ châu Á. Trước hết, có thể xét đến nhiều yếu tố, như sự khác biệt văn hóa dẫn đến khác biệt thị trường, cũng như gần nhất là vấn đề địa lý. Hơn nữa, bản chất đầu tư bất động sản liên quan rất nhiều đến luật lệ địa phương, nhất là vấn đề pháp lý sở tại. Đây có thể là những rào cản đối với các nhà đầu tư Âu Mỹ.
Tổng giá trị bất động sản trên thị trường toàn cầu ước tính 27,5 nghìn tỷ USD
Sau cuộc khảo sát 122 thành phố trên thế giới, Tập đoàn bất động sản quốc tế CBRE đã công bố, tổng giá trị của các bất động sản có thể trao đổi được trên thị trường toàn cầu hiện ước đạt mức 27,5 nghìn tỷ USD.
Cuộc khảo sát của CBRE cũng cho thấy tổng khối lượng vốn hóa các bất động sản tại một thành phố tỷ lệ thuận với quy mô của thành phố đó. Vì vậy, thật không có gì lạ khi ba siêu đô thị New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) và Los Angeles (Mỹ) là các thành phố có tổng khối lượng vốn hóa các bất động sản cao nhất thế giới, trong đó Tokyo dẫn đầu với 771 tỷ USD, theo sau bởi New York (675 tỷ USD) và Los Angeles (482 tỷ USD).
10 thành phố dẫn đầu về khối lượng vốn hóa chiếm tới 15% (4 nghìn tỷ USD) tổng vốn đầu tư bất động sản trên thế giới. Paris (342 tỷ USD) và London (334 tỷ USD) là các thị trường lớn nhất tại châu Âu; trong khi đó dẫn đầu châu Á là 5 thành phố Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Osaka (Nhật Bản), Sydney (Australia), và Melbourne (Australia). 5 thành phố này có tổng khối lượng vốn hóa ước đạt 1,5 nghìn tỷ USD.
Bất cập trong các hợp đồng BT sẽ được tháo gỡ
"Tôi yêu cầu tất cả các địa phương phải rà soát lại việc thực hiện các hợp đồng BT cũng như việc sử dụng quỹ đất, cơ sở nhà, đất để thanh toán cho các nhà đầu tư các dự án BT đã triển khai trước ngày 1/1/2018".
Chỉ đạo trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra khi ông chủ trì cuộc họp về xử lý các bất cập, vướng mắc trong việc sử dụng quỹ đất, cơ sở nhà, đất để thanh toán cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT), chiều 10/10.
Theo Văn phòng Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng dự thảo một Nghị quyết của Chính phủ về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT đối với các hợp đồng được ký kết theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tháo gỡ các vướng mắc trong thanh toán, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới các dự án đang triển khai, đặc biệt là các dự án BT đã ký hợp đồng.
MBLand Holdings bị đem ra thế chấp: Xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật
Như Reatimes đã phản ánh, thời gian gần đây, có một số cư dân ở dự án Golden Field (chủ đầu tư là Tổng Công ty MBLand) mang hợp đồng mua bán căn hộ của mình đến các ngân hàng để vay vốn nhưng đều bị từ chối. Theo lý giải của phía ngân hàng, căn hộ của họ đang bị thế chấp bởi chủ đầu tư.
Trước thông tin toàn bộ dự án Golden Field đang bị thế chấp cho ngân hàng, cư dân đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư gặp gỡ để đối chất nhưng bất thành. Đến ngày 21/9 vừa qua, phía MBLand lại có văn bản phản hồi về vấn đề giải chấp căn hộ cho cư dân với nội dung: “Tổng công ty MBLand đã tất toán toàn bộ khoản nợ với ngân hàng Vietcombank, hiện đang làm thủ tục giải chấp với ngân hàng”.
Trước vụ việc này, một câu hỏi được đặt ra là: tại sao từ cuối năm 2017, người mua nhà đã nhận nhà về ở, nhưng phía ngân hàng vẫn cho doanh nghiệp dùng các căn hộ này để thế chấp vay tiền mà không có sự đồng ý của khách hàng.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), qua thông tin mà báo chí đưa ra, việc dự án Golden Field đem ra thế chấp có thể xuất hiện dấu hiện vi phạm của chủ đầu tư và cả ngân hàng.