Aa

Quy hoạch Thủ đô: Lập đã khó, thực hiện được còn khó hơn rất nhiều

Thứ Năm, 20/06/2024 - 15:48

Làm một dự án đường sắt của Hà Nội mất từ 12-15 năm, nếu làm 14 tuyến đường sắt như quy hoạch mà không có cơ chế để huy động, không có cơ chế để thực hiện thì đến bao giờ mới xong.

Quy hoạch Thủ đô: Lập đã khó, thực hiện được còn khó hơn rất nhiều- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Chỉ có 4 đại biểu phát biểu, phiên thảo luận của Quốc hội sáng 20/6 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội kết thúc sớm hơn dự kiến rất nhiều.

Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao tư duy của quy hoạch và thống nhất với sự cần thiết xây dựng quy hoạch, nhưng cũng còn những băn khoăn.

Đại biểu còn day dứt

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nói, ông cảm thấy day dứt và thấy cần phải phát biểu về nội dung áp dụng mô hình thành phố trong Thủ đô.

"Tôi có ý kiến ngược lại, tôi muốn Thủ đô Hà Nội trong thành phố Hà Nội. Nên chăng, các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn Hà Nội là thành phố Hà Nội, gồm tất cả, kể cả Thủ đô Hà Nội và các các khu vực khác. Bởi vì, như vậy nhà nước mới có nguồn lực để tập trung vào Thủ đô, các tỉnh, thành phố mới có khả năng để vì Hà Nội. Vì Hà Nội bây giờ là 12 triệu dân, đến năm 2030 là 17, 18 triệu dân. Đồng thời, Hà Nội rất nhiều ưu thế để phát triển hơn các tỉnh khác, các tỉnh, thành phố sẵn sàng đóng góp cho Thủ đô Hà Nội chứ không thể các tỉnh đóng góp cho thành phố Hà Nội”, ông Thân lập luận.

Việc này nhiều nước làm chứ không phải là vấn đề gì ngoài tầm suy nghĩ của chúng ta, đại biểu Thân nói thêm.

Vị đại biểu Thái Bình cũng cho rằng, Thủ đô Hà Nội phải là trung tâm chính trị, văn hóa, chứ không thể là trung tâm chính trị, kinh tế được.

Trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung giải quyết nút thắt lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện này là giao thông ùn tắc, trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị đã nêu trong quy hoạch.

Các tuyến này thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân có thể di chuyển bất kể một địa điểm nào trên khu vực Thủ đô thì khi đấy sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân, như vậy những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết, ông Cường nói.

Bộ trưởng lo tổ chức thực hiện

Phát biểu cuối phiên thảo luận với vai trò đại diện cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, quy hoạch có nhiều đổi mới với nhiều tư duy hết sức đột phá. Như, quan điểm định hướng phát triển thành phố quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước. Trong đó, có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội…

Quy hoạch cũng đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là 1 trong 2 cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước, theo Bộ trưởng.

Quy hoạch đã cơ bản xem xét từ các vấn đề gọi là điểm nghẽn lớn hiện nay của thành phố, như ngập úng hay môi trường, những vấn đề giao thông, đô thị, an ninh nguồn nước…, Bộ trưởng nhận xét.

Để quy hoạch này thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao, theo Bộ trưởng, cần phải rà soát tính đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch điều chỉnh chung của Thủ đô. Đồng thời phải đồng bộ với cả các quy hoạch chung của cả nước, như Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch các ngành quốc gia, Quy hoạch của các địa phương xung quanh. “Việc này rất quan trọng, tránh sau này xung đột và mâu thuẫn lại phải trả giá hoặc phải điều chỉnh sẽ rất bất cập”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch rất quan trọng. “Lập ra, vẽ ra có thể đã khó, nhưng giữ được và thực hiện được còn khó hơn rất nhiều”.

Đơn cử, theo Bộ trưởng, làm một dự án đường sắt của Hà Nội mất từ 12-15 năm, nếu làm 14 tuyến đường sắt như quy hoạch mà chúng ta không có cơ chế để huy động, không có cơ chế để thực hiện thì đến bao giờ mới xong.

“Tôi nói ngay việc huy động nguồn lực, đường sắt của Hà Nội hiện nay đang tính ra cần độ khoảng 40 tỷ USD, mà việc huy động và thực hiện chỉ trong vòng 10 năm, đến năm 2035 phấn đấu xong, kể cả năm nay nữa thì tính ra có 11 năm. Vậy, cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện như thế nào để làm được điều này? Nếu không thì quy hoạch này chỉ là định hướng về tương lai, là kỳ vọng chúng ta mong muốn, chứ không phải điều chúng ta nhìn thấy được”, ông nói.

Nhấn mạnh tổ chức thực hiện là vấn đề lớn, là vấn đề khó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý sau khi được Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện lại, Thủ tướng phê duyệt thì Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch để thực hiện quy hoạch này một cách khả thi nhất. Trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai, thứ tự, danh mục ưu tiên thế nào… thì mới có được được một Thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn ngày hôm nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top