Dự kiến dự thảo Luật Quy hoạch sẽ được đưa ra bàn luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong tháng này, tuy nhiên con đường trở lại nghị trường của dự thảo Luật này không suôn sẻ. Một số nội dung trong dự thảo đang vấp phải nhiều ý kiến của một số bộ và giới chuyên gia. Tranh cãi lớn nhất hiện nay là việc Dự thảo Luật Quy hoạch không quy định về Quy hoạch xây dựng (QHXD).
Trong khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật - cho rằng không vì ý kiến khác của một bộ, ngành mà phải viết lại Luật Quy hoạch thì Bộ Xây dựng khẳng định: “Dự thảo Luật chưa tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”. Thể hiện quan điểm của mình, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo rõ hơn một số vấn đề trong Dự thảo Luật Quy hoạch.
Xáo trộn quy hoạch cũ?
Bộ Xây dựng cho rằng, dự thảo luật hiện không bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng (QHXD) (mà hiện nay đã được quy định tương đối đầy đủ, đồng bộ trong các luật hiện hành, nhất là Luật Xây dựng 2014), khi thực hiện có thể dẫn tới sự xáo trộn không cần thiết và không bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo Bộ Xây dựng, các nội dung về QHXD vùng và QHXD khu chức năng đặc thù được tích hợp trong nội dung của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (quy hoạch tổng thể) trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi. Điều này dẫn đến thời gian để hoàn thành việc lập một bản quy hoạch sẽ kéo dài hoặc chất lượng nội dung của quy hoạch không đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật đặc thù của từng ngành.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, dự thảo luật hiện không bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng (mà hiện nay đã được quy định tương đối đầy đủ, đồng bộ trong các luật hiện hành, nhất là Luật Xây dựng 2014), khi thực hiện có thể dẫn tới sự xáo trộn không cần thiết và không bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, nếu thực hiện như quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch, trên thực tế sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các quy hoạch xây dựng đã và đang được thực hiện, có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực và có nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Giải quyết thực tiễn hay chỉ làm cho đúng quy định?
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay đang tồn tại rất nhiều bất cập. Nhiều nội dung vướng các luật khác dẫn đến phải điều chỉnh, phải thay đổi.
“Luật này phải làm thế nào để tạo hành lang pháp lý, từng luật, từng cơ quan pháp lý của Bộ, ngành phải hết sức rõ ràng nhưng phải thống nhất với nhau. Chứ không phải khớp nối vào đây để cho Bộ luật thật to, luật này ôm tất cả luật khác vào”, ông Chính đề nghị.
Cũng theo ông Chính, Luật xây dựng quy định về vấn đề QHXD, từ quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là tiền lệ các nước trên thế giới đều làm lâu nay. Người Pháp làm quy hoạch vùng Paris, người Anh làm quy hoạch đại đô thị London, Nhật có quy hoạch vùng thủ đô Tokyo…
Ông Chính khẳng định, trước nay, Việt Nam cũng làm theo cách đó và có như vậy hôm nay đất nước mới có tất cả những hạ tầng từ con đường tới nhà máy, trường học… Riêng đồ án quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội cũng phải mất 2-3 năm, mời cả chuyên gia quốc tế hỗ trợ mới làm được.
Nhắc đến Dự thảo Luật Quy hoạch, ông Nguyễn Hồng Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng không đồng tình nhiều nội dung, đồng thời bày tỏ băn khoăn: “Chúng ta đang giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống, thực tiễn xã hội để đem lại hiệu quả hay để cho đúng quy định về thủ tục hành chính?”
Ông Quân cho rằng, tờ trình Dự thảo Luật Quy hoạch mới chỉ nêu ra thực trạng lập quy hoạch quá nhiều nhưng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực, diễn ra ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng từ vài nghìn quy hoạch lên tới hàng chục nghìn quy hoạch… để cho thấy sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch.
Nhưng lại không phản ảnh đúng hiện tượng, bản chất của sự việc khi không làm rõ trong số hàng chục nghìn bản quy hoạch gây tốn kém, thất thoát ngân sách nhà nước đó thì có bao nhiêu bản quy hoạch vật thể, là quy hoạch không gian (nhà cửa, công trình…) mà chúng ta thường gọi là quy hoạch xây dựng, mỗi đồ án quy hoạch vật thể phải chi bao nhiêu tiền, tiền chi cho đồ án quy hoạch vật thể có nhằm vào mục đích thiết thực không?
"Về nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch, tôi cho rằng nhận thức về bản chất của câu chuyện quy hoạch trong luật quy hoạch là không chuẩn, không thể có chuyện sắp xếp không gian kinh tế - xã hội, việc sắp xếp và bố trí chỉ làm được và khả thi đối với quy hoạch vật thể.
Dự thảo Luật cũng đưa ra khái niệm “tích hợp” là một thuật ngữ, nhưng nội hàm trong Luật không có điều khoản nào nói về tích hợp quy hoạch là gì và cũng không có điều khoản nào nói đến việc xử lý các quy hoạch hiện hữu, cách làm các quy hoạch tương lai tiếp theo theo phương pháp “tích hợp” là như thế nào mà chỉ đưa ra 5 loại quy hoạch.
Nếu giải thích cách tích hợp theo cách, mấy đồ án quy hoạch xây dựng mà ngành Xây dựng làm phải đưa sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thẩm định thì là không ổn. Chúng ta cần biết bản chất đồ án quy hoạch đó đã được làm như thế nào, nội dung có đi vào cuộc sống hay không? Chứ không phải là quy hoạch đó chưa được tích hợp nên phải đưa cho Bộ KHĐT thẩm định hoặc trình phê duyệt lại.
Trong thực tế hiện nay, quy hoạch tỉnh (63), vùng (16) đã có và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đều gắn với chữ “xây dựng”. Nếu theo Luật này thì tất cả những quy hoạch chưa được tích hợp thì sẽ xử lý thế nào? Xử lý bằng cách trình lại sang Bộ KHĐT để thẩm định và phê duyệt lại?" - Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm, bà Đào Tú Lan, nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị nông thôn, cho rằng: “Việc đưa ra một quy hoạch tích hợp cũng có thể là hợp lý để đạt mục tiêu đồng bộ. Nhưng việc ghép tất cả các bản quy hoạch thiết kế cho một vùng hay một tỉnh với đầy đủ nội dung cần thiết như hiện nay vào một bản vẽ là không thể, hoặc chỉ có thể có rất sơ sài như vậy dẫn đến tình trạng quy hoạch không dùng được. Có thể dẫn đến quy hoạch như một “nồi lẩu thập cẩm”.