Aa

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần dự báo ở mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải những hệ lụy về sau

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Bảy, 07/01/2023 - 13:47

“Đây là bài học kinh nghiệm quý giá và là vấn đề nhức nhối mà chúng ta đã và đang gặp phải hiện nay tại các khu đô thị lớn trên cả nước”, Đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Sáng nay (7/1/2023), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan cũng như nội dung của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội lần này, đồng thời kiến nghị cần quan tâm thêm 4 nội dung sau đây:

Một là, không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn. Đề nghị cần nghiên cứu, lập quy hoạch bổ sung thêm các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các nghị quyết về phát triển các thành phố lớn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để nội dung quy hoạch này phù hợp với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhưng cũng vừa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước và đặc biệt là không xa rời thực tiễn.

Hai là, cần dự báo ở mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải những hệ lụy về sau. Khi dự báo tương đối chính xác, chúng ta sẽ có được những khung số liệu, nền tảng phục vụ cho việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp tương ứng với các định hướng phát triển đi kèm với các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách được đề xuất mang tính khả thi cao, điển hình như trong quy hoạch định hướng xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực.

Nếu chúng ta không dự báo tốt về mức độ di dân đến các vùng kinh tế này hoặc không có chính sách phát triển đồng bộ các vùng kinh tế, vùng đô thị vệ tinh, chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn và đối mặt với những nguy cơ về mật độ dân cư đông cục bộ, kéo theo hệ lụy gây tắc nghẽn giao thông hay ngập úng đô thị trong tương lai là điều không thể tránh khỏi.

“Đây là bài học kinh nghiệm quý giá và là vấn đề nhức nhối mà chúng ta đã và đang gặp phải hiện nay tại các khu đô thị lớn trên cả nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ba là, cần đề xuất chính sách phát triển liên kết vùng một cách thực chất. Trong phần nội dung đánh giá chung về hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua có nêu 8 nhóm hạn chế, trong đó có nhóm hạn chế thứ nhất đó là không gian phát triển đô thị bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình.

Nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng. Còn tình trạng cục bộ địa phương theo đơn vị hành chính, các yếu tố thể chế liên quan như tổ chức điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh…

“Tôi cho rằng liên kết vùng là một trong những định hướng quan trọng được nhấn mạnh tại các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây. Đồng thời, chúng ta cũng đã xác định rõ những hạn chế, yếu kém của liên kết vùng trong thời gian vừa qua. Do vậy, tôi kiến nghị trong quy hoạch này cần phải đề cập sâu hơn về việc xây dựng các cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng để làm căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển mang tính bền vững và bao trùm”, ông Tuấn phân tích.

Bốn là, cần định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển. Theo tôi, phát triển các khu kinh tế ven biển là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Do vậy, tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là đề nghị làm rõ định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 đối với 8 khu kinh tế ven biển đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm: Khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải, TP. Hải Phòng; khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh; khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên; khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh.

“Vì trong nội dung nhóm hạn chế thứ 5 của quy hoạch này có nêu "tính đến thời điểm hiện nay, việc triển khai xây dựng các khu kinh tế này rất chậm, đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế, thu hút đầu tư và phát triển các khu kinh tế này chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt là cơ chế, chính sách đã ban hành cho các khu kinh tế chưa vượt trội so với những nơi khác, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao". Phần hạn chế đã nêu như thế nhưng nội dung này chưa thấy đề cập trong phần định hướng phát triển, do vậy tôi đề nghị cần phải nêu rõ nội dung, định hướng phát triển đối với các khu kinh tế ven biển giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, cũng cần bổ sung nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cho phát triển các khu kinh tế ven biển phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững hơn”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Các đại biểu thảo luận tại nghị trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): "Về định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, xu thế phát triển. Tờ trình của Chính phủ đã có đánh giá rất cụ thể về xu hướng phát triển có tác động trực tiếp, gián tiếp đến các lĩnh vực trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ các thách thức của quốc tế và trong nước ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng của đất nước như xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ, nhất là hàng hóa nông sản chế biến sau thu hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, giảm nghèo kém bền vững, nguy cơ tái nghèo khá cao. Cơ hội phát triển của đất nước trên cơ sở sở hội nhập sâu rộng quốc tế, liên kết bền vững với các đối tác nước ngoài ra sao.

Về kịch bản phát triển kinh tế, tôi nhất trí với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đến năm 2030 là 6,3% và đến năm 2050 là 6,49%, tuy nhiên Chính phủ cần tính con số chẵn cho cụ thể, như 6,49% thì nên tính là 6,5% cho dễ. Tôi chọn kịch bản này. Thế giới chỉ tăng trưởng 2% tới 3% là lý tưởng rồi, đất nước ta tăng trưởng ở mức độ đó là hợp lý.

Báo cáo Quy hoạch đã định hướng phân vùng trọng điểm, đầu tư, khuyến khích phát triển vùng hạn chế, kinh tế cần bảo tồn, cần cấm khai thác và sử dụng là rất cần thiết. Trên cơ sở quy hoạch ngành, địa phương thực hiện đảm bảo quy hoạch cấp quốc gia được chấp hành tốt, cũng dễ thực hiện, nhất là việc bố trí các ngành xây dựng tập trung vùng trọng điểm, động lực phát triển khu kinh tế, khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, cần có những giải pháp liên kết vùng để hạn chế bất cập hiện nay, trong đó có ngành công nghiệp, cần lựa chọn ngành nghề ưu tiên mang tính chiến lược, thân thiện môi trường, lao động nhiều, công nghiệp hỗ trợ, sử dụng đất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. Quan tâm đến hệ thống du lịch cấp quốc gia, vùng, hạ tầng cho du lịch, đảm bảo môi trường sinh thái, tài nguyên được đảm bảo và sản phẩm du lịch có chất lượng cao cho từng vùng, địa phương".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top