Thị trường bất động sản “đi xuống” nhưng vẫn có điểm sáng
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ III và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức, các chuyên gia tham dự đều khẳng định, năm 2023 sẽ là năm có nhiều khó khăn, thử thách đối với thị trường bất động sản.
Thanh khoản có khả năng vẫn ở mức thấp, nguồn cung tiếp tục khan hiếm, giao dịch sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những khoản nợ đến hạn, thiếu hụt dòng tiền. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, những khó khăn từ nửa cuối năm 2022 sang đến năm 2023 còn nặng nề hơn so với giai đoạn chịu tác động của đại dịch Covid-19 hơn hai năm trước đó.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing nhận định: “Thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ tiếp tục chậm lại và có sự thanh lọc mạnh mẽ. Có thể ví sự phát triển của thị trường năm nay giống như một chiếc xe đang chạy trên đường cao tốc và dần chậm lại bởi tín hiệu kiểm tra của cảnh sát giao thông”.
Tuy nhiên, ông Trung khẳng định, thị trường chậm lại nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ mất hết cơ hội cho các nhà đầu tư hay không còn tiềm năng để phát triển. Bởi bất động sản vẫn là kênh đầu tư hàng đầu do người Việt Nam luôn có nhu cầu tích lũy tài sản.
Hơn hết, bên cạnh những khó khăn, thách thức sẽ luôn có những cơ hội đi kèm dành cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh, biết nắm bắt nhu cầu thị trường, có chiều hướng đầu tư lâu dài, bền vững.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực thứ 2 Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng dự đoán, tình trạng khó khăn trên thị trường bất động sản có thể sẽ tiếp diễn trong một khoảng thời gian nữa. Sở dĩ là do Chính phủ đang tập trung xử lý trình Quốc hội ba luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ VI. Và nếu mọi việc diễn ra thuận lợi theo kế hoạch, thì cũng phải 6 tháng sau đó các luật này mới có hiệu lực thi hành.
Vì vậy, trong thời gian sửa đổi các luật, những vướng mắc pháp lý trên thị trường vẫn chưa thể tháo gỡ dứt điểm sẽ gây ra những cản trở đến quá trình tham gia đầu tư và phát triển bất động sản của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Chiến khẳng định, quy luật của thị trường là có lúc lên lúc xuống; nhưng ngay cả lúc đi xuống, thị trường vẫn sẽ xuất hiện những điểm sáng. Đó là những doanh nghiệp làm ăn chân chính, không ngừng cố gắng và hoàn thiện bản thân để lớn mạnh mỗi ngày, đem đến những giá trị tích cực, đóng góp cho cộng đồng, xã hội; là những cơ hội cho các nhà đầu tư biết cơ cấu giỏ hàng, hướng đến nhu cầu thực và có dòng tiền khoẻ.
Trải qua khó khăn, thị trường sẽ trưởng thành hơn, doanh nghiệp sẽ mạnh mẽ hơn
Hiểu rõ được quy luật của thị trường có lúc lên, lúc xuống và trong mọi khó khăn luôn đi kèm những cơ hội, giới chuyên gia mong rằng, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn giữ được niềm tin vào khả năng hồi phục của thị trường bất động sản.
“Điều quan trọng hiện nay là doanh nghiệp, nhà đầu tư cần giữ vững niềm tin vào thị trường. Khi có niềm tin, thị trường sẽ có thêm trợ lực rất lớn để nhanh chóng hồi phục và lấy lại phong độ. Bởi yếu tố niềm tin trên thị trường quyết định đến vấn đề thanh khoản, giao dịch, cung - cầu…”, ông Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chính phủ đang đồng hành cùng doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, hài hòa lợi ích. Chính phủ đã liên tục ban hành các công điện để tích cực gỡ khó cho thị trường bất động sản, trong đó có vấn đề pháp lý, vốn tín dụng. Chính phủ cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để quyết liệt hỗ trợ giải quyết những vướng mắc cho thị trường. Gần đây nhất là Nghị quyết 08 ra đời đã tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp có cơ hội xoay sở và xử lý vấn đề đáo hạn trái phiếu, phát hành trái phiếu.
Vì vậy, doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để tin vào khả năng “đứng dậy” của thị trường thời gian tới. Tất nhiên, tự thân doanh nghiệp cũng phải bắt đầu cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với điều kiện của thị trường và doanh nghiệp. Đặc biệt trong năm 2023, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn là phân khúc có nhu cầu lớn. Phát triển được phân khúc này, chắc chắn doanh nghiệp sẽ giải quyết được bài toán đầu ra.
Có cùng quan điểm, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng bày tỏ, trải qua những khó khăn, thị trường bất động sản sẽ trưởng thành hơn, doanh nghiệp sẽ mạnh mẽ hơn. Bởi vì doanh nghiệp nhận thức được, muốn tồn tại phải thay đổi. Thay đổi ở đây là biết cái gì cần, cái gì không cần; biết tiết chế những mong muốn để phát triển có trọng tâm, trọng điểm; biết phát triển hướng đến lâu dài, bền vững, lành mạnh.
“Thị trường bất động sản hiện nay giống như một con tàu mới sắp khởi hành. Doanh nghiệp, muốn lên tàu thì phải mua vé, phải biết bỏ đi những thứ rườm rà, gây cản trở. Đặc biệt, phải tin tưởng giai đoạn tới, dù khốc liệt hơn nhưng thành công cũng cao hơn”, PGS.TS. Trần Kim Chung nói./.