Aa

Thực trạng “Muốn giải ngân nhanh, hưởng lãi suất ưu đãi khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ“

Thứ Năm, 09/03/2023 - 10:08

Muốn được giải ngân nhanh hay hưởng mức lãi suất ưu đãi, nhân viên tín dụng một số ngân hàng thương mại thông báo khách hàng sẽ phải mua bảo hiểm nhân thọ.

 

Hành trình mua nhà chật vật

“Muốn ngân hàng giải ngân nhanh, chị nên mua bảo hiểm nhân thọ”, “Muốn hưởng lãi suất ưu đãi, chị nên mua bảo hiểm nhân thọ”,… đó là những lời tư vấn mà chị Nguyễn Lan (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận được từ phía nhân viên tín dụng.

Tháng 1/2023, vợ chồng chị Lan ưng căn nhà đất tại Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với giá 2,7 tỷ đồng, diện tích 31m2. Vốn tự có 2 tỷ đồng, chị Lan dự tính vay ngân hàng 700 triệu đồng. Thế nhưng, hành trình tiếp cận với vốn vay ngân hàng của chị Lan không hề dễ dàng.

“Đầu tiên, phía môi giới giới thiệu nhân viên tín dụng ngân hàng. Lãi suất vay mua bất động sản ở thời điểm hiện tại là 14%/năm cho thời hạn 20 năm cho khoản vay 700 triệu đồng. Phía nhân viên tín dụng thông báo thủ tục cần thiết để phía ngân hàng tiến hành thẩm định như sao kê lương, bản sao hợp đồng lao động… Dự kiến chỉ trong khoảng 13-15 ngày, sẽ được phê duyệt giải ngân.

Tuy nhiên, sau 7 ngày, phía nhân viên tín dụng thông báo cần phải mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân. Cụ thể, vợ chồng tôi phải mua gói bảo hiểm Prudential với thời gian đóng tối thiểu 6 năm, bao gồm 2 gói 15 triệu đồng hoặc 20 triệu đồng/năm. Nếu mua gói bảo hiểm 15 triệu đồng/năm, khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi 0,5% trong 2 năm đầu theo chương trình "An tâm vay vốn- Vững tin kinh doanh”, chị Lan cho biết.

Không chấp nhận với lãi suất và yêu cầu từ phía nhân viên tín dụng ngân hàng đưa ra, chị Lan liên hệ thêm một số ngân hàng khác.

“Rất nhiều ngân hàng tư nhân yêu cầu phải mua bảo hiểm nhân thọ. Ví dụ như phía ngân hàng TPBank, nhân viên tín dụng tư vấn cần phải mua bảo hiểm “An tâm tín dụng” với mức phí 12 triệu đồng/năm hoặc 15 triệu đồng/năm. Nếu không mua, hồ sơ khó được phê duyệt nhanh. Lãi suất thả nổi mà nhân viên tư vấn dao động khoảng 15,3%/năm, cho mức vay 700 triệu đồng trong thời gian 20 năm.

Trong khi đó, nhân viên tín dụng ngân hàng ACB cũng chào mời mua bảo hiểm để hưởng ưu đãi. Cụ thể, nếu mua bảo hiểm Sun Life (Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam), tôi sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất 1%. Hồ sơ được ưu tiên và sớm phê duyệt”, chị Lan cho biết.

acb
Thực trạng 'bán bia kèm lạc"vẫn diễn ra tại rất nhiều ngân hàng.  (Ảnh: Minh họa)

Tương tự trường hợp của chị Lan, anh Nguyễn Ngọc (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cũng dự tính mua căn hộ chung cư tại Mỹ Đình với phương án giải ngân song song. Số tiền anh Ngọc vay khoảng 500 triệu đồng. “Trước đó, tôi làm việc với nhân viên tín dụng Seabank. Nhân viên yêu cầu tôi phải mua gói bảo hiểm nhân thọ mới có thể duyệt hồ sơ nhanh. Ngoài ra, tôi sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi.

ngân hàng
Thực trạng "khuyến khích" khách hàng mua bảo hiểm khi vay tiền ngân hàng không còn là chuyện hiếm. 

Tại ngân hàng Wooribank, nhân viên tín dụng cũng thông báo về việc phải mua gói bảo hiểm khoảng 10 triệu đồng/năm. Lãi suất cho vay mua nhà năm đầu tiên ưu đãi 10%/năm. Nếu mở thẻ tín dụng, lãi suất có thể hạ thêm 0,2%. Dù không yêu cầu bắt buộc nhưng nhân viên tín dụng khuyến khích tôi nên vay để được giảm lãi suất vay mua nhà”.

“Một cổ nhiều tròng”

“Với 700 triệu đồng vay từ ngân hàng, lãi suất trung bình 14%/năm, tức mỗi năm vợ chồng tôi phải trả tới 98 triệu tiền lãi, chưa kể tiền gốc. Nếu phải mua thêm gói bảo hiểm 15 triệu đồng/năm. Vậy, một năm chúng tôi phải trả tới 113 triệu đồng/năm. Đó là còn chưa kể khoản phí quản lý tài sản, khoản vay, phí thẩm định hồ sơ…”, chị Lan nói: “Thế có khác gì chúng tôi đang phải chịu “một cổ nhiều tròng”. Vay được một khoản tiền lại còn ép mua bảo hiểm, chấp nhận phí chồng phí”.

seabank
Nhiều khách hàng vay vốn ngân hàng đang rơi vào thế "một cổ nhiều tròng". (Ảnh minh hoạ)

Trong tâm lý bức xúc như chị Lan, anh Ngọc cũng cho rằng: “Tôi thấy việc nhân viên tín dụng dù chỉ khuyến khích mua bảo hiểm nhưng vẫn tạo áp lực và khó chịu cho người mua nhà. Thứ nhất, như gia đình tôi, mọi thành viên đều đã được mua bảo hiểm nhân thọ. Chúng tôi không có nhu cầu một người có tới 2 bảo hiểm nhân tọ. Nhưng quy định từ một số ngân hàng gây khó dễ cho người mua nhà”. Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hoạt động bán bảo hiểm qua hợp tác với ngân hàng tại Việt Nam những năm gần đây phát triển một cách mạnh mẽ. Chỉ tính trong nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh hợp tác bán bảo hiểm này của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.

ngân hàng
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng được tích cực “chào mời mua bảo hiểm nhân thọ” (Ảnh: minh họa)

Tình trạng “khuyến khích” người vay mua nhà kèm với khoản bảo hiểm đã xuất hiện từ nhiều năm trở lại đây. Theo số liệu ghi nhận của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hoạt động bán bảo hiểm qua hợp tác với ngân hàng tại Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ những năm gần đây. Số liệu ghi nhận, nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh hợp tác bán bảo hiểm này của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Phía đơn vị này từng đưa ra con số dự báo về tổng doanh thu mà phía ngân hàng thu được từ bán bảo hiểm có thể lên tới 50% và vượt các địa lý.

Ngân hàng không có quyền bắt khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ

Theo luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way, đây là vấn đề thường gặp hiện nay, khách hàng giao dịch tại ngân hàng được tích cực “chào mời mua bảo hiểm nhân thọ”.

“Có thể nói trong mấy năm gần đây, việc xuất hiện và phát triển của các mô hình liên kết giữa các Ngân hàng thương mại với doanh nghiệp bảo hiểm (bán chéo), hoặc thậm chí là các doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc ngân hàng thương mại nhằm phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển. Và rõ ràng, không thể phủ nhận rằng sự liên kết  đầy tiềm năng cho mục tiêu tăng doanh thu đến từ cả hai phía.

tp bank
Không có quy định phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay tiền ngân hàng ( Ảnh: Minh họa)

Đặc biệt, đối với ngân hàng, mối liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm đã giúp họ có gia tăng doanh thu, lợi nhuận cũng theo đó mà tăng theo. Cùng với đó, một bộ phận nhân viên ngân hàng cũng được tăng thu nhập, trong đó có những trường hợp thu nhập bán bảo hiểm nhân thọ đôi khi còn cao hơn cả thu nhập từ công việc chính. Đây là động lực chính để các Ngân hàng đẩy mạnh việc bán báo hiểm nhân thọ”, luật sư Hồi nói.

Phân tích về mặt trái của việc “chào mời mua bảo hiểm nhân thọ”, luật sư Hồi cho rằng, khi đứng vai trò là bên đi vay, khách hàng có thể bị ngân hàng lấn lướt, mất đi sự bình đẳng trong quan hệ giao dịch, đặt khách hàng vào thế bị cưỡng ép tham gia mua bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của ngân hàng mà không hoàn toàn tự nguyện. Ví như, khách hàng tới vay vốn, nhân viên ngân hàng yêu cầu cụ thể về mệnh giá hợp đồng phải mua phù hợp với mức vay, về mức đóng phí. Khách hàng chấp nhận thì nhân viên ngân hàng gọi doanh nghiệp bảo hiểm (có hợp tác) để làm thủ tục.

Như vậy, khách hàng không tránh được việc bị chỉ định mệnh giá hợp đồng và mức phí đống bảo hiểm cũng như hoàn toàn không được lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm mình mong muốn, đơn giản nhất, việc tham gia bảo hiểm không đúng với nguyện vọng của họ.

“Đồng thời, nhân viên bảo hiểm chỉ được đào tạo một thời gian ngắn nên không đủ hiểu về sản phẩm, cũng như biết hết nội dung của hợp đồng bảo hiểm nên dễ dẫn đến khả năng tư vấn sai, không đầy đủ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm”, luật sư Hồi nhấn mạnh.

Vị luật sư này cũng khẳng định: Theo quy định của pháp luật, phía ngân hàng không có quyền bắt khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ. Việc lựa chọn tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Xử lý ngân hàng "ép" người vay mua bảo hiểm

Trước phản ánh liên quan “ép” mua bảo hiểm cho khoản vay mua nhà, từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm.

Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/1/2023 đã bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức, bao gồm các tổ chức tín dụng. Luật cũng đã sửa đổi và bổ sung những quy định về hoạt động bán bảo hiểm dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.

Tuy nhiên, thực tế, tình trạng bán “bia kèm lạc” vẫn diễn ra. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có động thái xử lý ngân hàng ép người vay mua bảo hiểm. Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước hiện cung cấp 2 số điện thoại đường dây nóng là: (024) 388266344; (024) 3936.1017. Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn. Đường dây nóng của Bộ Tài chính là: 024.22208018. hoặc Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn

Ông Ngô Việt Trung cho biết thêm, hiện tại, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 cũng như các văn bản hướng dẫn luật liên quan.

Việc xử phạt bao gồm các hình thức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung. Thậm chí, hình phạt bổ sung có thể sẽ là hình thức cấm hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn nếu vi phạm nghiêm trọng.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng: Hình phạt là một phần. Quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, làm sao để hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật.

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top