Kinh phí tháo dỡ tạm tính là 17 tỷ đồng
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Văn bản 3414/VP-ĐT ngày 22/4/2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình).
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND quận Ba Đình, các sở, ngành thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy và Thông báo 228/TB-UBND của UBND thành phố ngày 10/3/2020, khẩn trương xử lý dứt điểm, đúng quy định vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực.
Trong quá trình xử lý vi phạm giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND quận Ba Đình phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố và các sở, ngành: Xây dựng; Quy hoạch - Kiến trúc; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giao thông Vận tải; Tài chính; Tư pháp; Thanh tra thành phố để được hướng dẫn tổ chức thực hiện; báo cáo UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cũng giao Công an thành phố phối hợp UBND quận Ba Đình bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong quá trình xử lý vi phạm.
Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về việc giao UBND quận Ba Đình tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2 (tầng 17,18) công trình vi phạm, trong đó trước mắt thực hiện tháo dỡ tầng 18 (tháo dỡ phần tường, cửa, thiết bị...) để xem xét, đánh giá mức độ an toàn của công trình, trên cơ sở đó xem xét phương án đối với tầng 17.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên cơ sở hồ sơ xin ý kiến về biện pháp, dự toán tháo dỡ tầng 18 công trình sai phạm do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam lập, ngày 17/4/2020, Sở Xây dựng đã có văn bản tham gia ý kiến. Cụ thể, Sở Xây dựng đã hướng dẫn UBND quận Ba Đình về phương án, biện pháp thi công tháo dỡ, các biện pháp bảo đảm an toàn, dự toán cũng như lắp đặt cần trục tháp phục vụ việc thi công...
Căn cứ ý kiến của Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình đã ban hành Kế hoạch 102/KH-UBND ngày 21/4/2020, tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế tháo dỡ giai đoạn 2 để thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực.
Theo thông tin ban đầu, nguồn kinh phí tạm tính để tháo dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực vào khoảng 17 tỉ đồng, tạm ứng từ ngân sách quận. Về việc này, UBND quận Ba Đình cũng đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội cho phép chỉ định đơn vị thi công tháo dỡ là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam.
Theo kế hoạch, từ ngày 22/4 – 12/5/2020, quận sẽ cho lắp rào chắn ở phố Trần Phú, đoạn qua công trình 8B Lê Trực, để tập kết máy móc, lắp đặt cẩu tháp, vận thăng... Sau đó, tổ chức tháo dỡ từ ngày 15/5/2020 và dự kiến thực hiện trong khoảng 120 ngày.
Chủ đầu tư, khách hàng kiến nghị dừng tháo dỡ
Sau khi nắm bắt thông tin toà nhà 8B Lê Trực tiếp tục bị "cắt ngọn", nhiều khách hàng đã mua căn hộ chia sẻ, suốt mấy năm qua họ đang trông chờ vụ việc này được xử lý dứt điểm và sớm được vào ở trong căn hộ của mình. Tuy nhiên, đến nay họ cũng chưa rõ là số tiền hàng tỷ đồng bỏ ra để mua căn hộ (các căn hộ sẽ bị tháo dỡ) sẽ được giải quyết như thế nào? Bên cạnh đó, nhiều người băn khoăn về việc tháo dỡ sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu chung, bởi vì dự án 8B Lê Trực có kết cấu dầm treo.
Ông Phạm Quang Lung, khách hàng mua căn hộ 1604 bày tỏ sự lo ngại khi toà nhà tiếp tục bị "cắt ngọn". Ông Lung cho biết: “Từ khi làm hợp đồng đến bàn giao nhà, mọi thủ tục đều làm theo đúng quy định. Gia đình tôi đã nhận chìa khóa căn hộ và nhập trạch chuyển bàn thờ về nhà mới. Tuy nhiên đến khoảng tháng 10/2015, chủ đầu tư thông báo nhà thuộc diện cưỡng chế phải ra khỏi tòa nhà. Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề an toàn khi toà nhà bị tháo dỡ tầng 17, 18”.
Là chủ căn hộ 1802, ông Nguyễn Sỹ Duyên rưng rưng nước mắt nói: “Tôi là thương binh rất khó khăn, không có kinh tế phải đi ở nhà con gái… Tôi đề nghị có hội nghị giữa chính quyền, chủ đầu tư, người mua nhà và chuyên gia xây dựng để xem cụ thể vấn đề xem đúng sai thế nào, họp càng sớm càng tốt. Giải quyết dứt điểm tại tòa nhà 8B Lê Trực đảm bảo quyền lợi cho các bên. Nếu không làm được phải mời Thanh tra Chính phủ vào làm việc có phán xử kết luận đúng hay sai”.
Ngoài trường hợp ông Lung và ông Duyên, nhiều người dân mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực cũng kiến nghị, UBND quận Ba Đình cần tổ chức buổi làm việc giữa chính quyền, chủ đầu tư, người mua nhà và các bên liên quan. Từ đó, cung cấp thông tin và giải quyết quyền lợi hợp pháp của người mua nhà. Bởi trên thực tế, có nhiều gia đình đã chuyển đồ đạc về căn hộ hoàn thiện nhưng suốt từ năm 2015 phải "cửa đóng then cài".
Trả lời báo chí, ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Lê Trực (chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực) cho biết, trước đây việc phá dỡ tầng 19 và tầng 20 của công trình này thì UBND quận Ba Đình đã thực hiện phá dỡ xong.
Vậy nhưng, theo ông Hùng thì quá trình thi công hoàn toàn không có phương án phá dỡ được phê duyệt, được thẩm tra hoặc dự toán. Đến nay đã 4 năm vẫn chưa có hồ sơ để thanh toán.
Đối với việc phá dỡ giai đoạn 2 này, phía chủ đầu tư cho rằng đã nhiều lần kiến nghị UBND quận Ba Đình là phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý được cấp đủ thẩm quyền phê duyệt, trước khi phá dỡ phần vi phạm của dự án do tầng 17 và 18 đã được cấp phép xây dựng.
"Đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được phương án hay thủ tục liên quan đến việc phá dỡ tầng 17 và tầng 18 của công trình. Trong quyết định cưỡng chế từ trước hoàn toàn không có tầng 17 và tầng 18", ông Hùng nói.
Chủ đầu tư cũng kiến nghị, trong khi chưa có đầy đủ thủ tục và hồ sơ kỹ thuật về cưỡng chế, phá dỡ tầng 17 và tầng 18, cần phải tạm dừng việc phá dỡ để đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình.