Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), do tác động của đại dịch COVID-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới đang có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó có xu hướng chuyển dịch đầu tư, thay đổi chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sang các khu vực khác, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Về quy hoạch khu công nghiệp, Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến hết tháng 5/2020, trên địa bàn cả nước có 561 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích đất tự nhiên là 201 nghìn ha. Đến nay 373 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích khoảng 114 nghìn ha, trong đó có 280 khu công nghiệp đang hoạt động và 93 khu công nghiệp đang xây dựng kết cấu hạ tầng. Tỷ lệ đất sản xuất công nghiệp/đất công nghiệp có thể cho thuê đạt trung bình khoảng 57%.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, có tính đến lợi ích tổng thể, lâu dài, Bộ KH&ĐT đề nghị các UBND các tỉnh rà soát và báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn
Đồng thời, kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp nằm trong quy hoạch nhiều năm (trên 10 năm) nhưng chưa được triển khai để tránh tình trạng quy hoạch treo, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân và cuộc sống của người dân.
Chỉ xem xét đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam đến 2020 các khu công nghiệp có tính cấp bách, có khả năng triển khai nhanh và thu hút đầu tư tốt để đảm bảo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2020 đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.
Về các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ KH&ĐT yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nhà đầu tư, kiên quyết xử lý các trường hợp làm chậm, gây khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp khu kinh tế. Rà soát báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế có quy mô vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng
Bộ KH&ĐT cũng yêu cầu tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với việc chuyển đổi đất quy hoạch khu công nghiệp sang sử dụng cho các mục đích khác mà chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo & nghiên cứu BIDV trong báo cáo mới về Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư - giải pháp đối với Việt Nam cũng đã khẳng định xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI đã và đang diễn ra, từ trước khi có đại dịch COVID-19. Hay nói cách khác, dịch COVID-19 là chất xúc tác khiến quá trình dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn.
Trước đại dịch COVID-19, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: công nghiệp chế biến - chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn - bán lẻ - sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (chiếm 81% tổng vốn đăng ký năm 2019)
Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang dịch chuyển đầu tư, chủ yếu trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ cao (như Sam-sung, Apple…); thiết bị điện tử và phụ kiện (Panasonic…); logistics, thương mại điện tử (Alibaba…); hàng tiêu dùng, bán lẻ (Zara, H&M)...
Việc dịch chuyển đầu tư đã và đang diễn ra, và Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia hấp dẫn thu hút sự dịch chuyển. Tuy nhiên, để tạo lợi thế và cạnh tranh với các nước trong khu vực trong thu hút vốn FDI này, trong nhiều nhóm giải pháp đưa ra, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, Việt Nam cần rà soát toàn bộ các khu công nghiệp: các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng/ xây mới, các khu công nghiệp cần thu hẹp, thu lại; công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng...