Aa

Muốn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phải phát triển công nghiệp vui chơi giải trí

Thứ Ba, 23/06/2020 - 11:30

Các chuyên gia cho rằng, muốn GDP của ngành công nghiệp không khói gia tăng, phải phát triển sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng, trong đó cần mở đường khai thác tiềm năng của ngành công nghiệp vui chơi có thưởng.

Tiềm năng ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng là rất lớn

Tại Hội thảo: “Phát triển ngành vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức vào sáng nay 23/06, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí nhận định: "Lĩnh vực vui chơi có thưởng bao gồm đặt cược thể thao, casino và trò chơi điện tử có thưởng là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp dịch vụ giải trí đã và đang được phát triển ở nhiều nước trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội phát triển, đồng thời mang lại nguồn thu cho ngân sách Quốc gia".

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, cả nước có 8 doanh nghiệp kinh doanh casino, 61 điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và một doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép và đi vào hoạt động. Tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 19.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,9 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, so với nhiều nước trong khu vực, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn hết sức nhỏ bé. Trong khi đó, đây là lĩnh vực còn dư địa lớn để phát triển nhưng đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ nhằm phát huy những đóng góp tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực về mặt xã hội.

Toàn cảnh hội thảo. 

“Nếu khai thác tốt lĩnh vực vui chơi có thưởng có thể đóng góp cho ngân sách Nhà nước vài tỷ USD mỗi năm, đồng thời tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các ổ cá cược đen bất hợp pháp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trên cơ sở đánh giá cao tiềm năng của lĩnh vực này, ông Tuấn đặt ra câu hỏi: “Vấn đề đặt ra hiện nay đối với nước ta là làm thế nào để vừa khai thác được dư địa của ngành vui chơi giải trí có thưởng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, vừa đảm bảo được an ninh, trật tự xã hội, tránh được tác động xấu do đam mê thái quá, dẫn đến tệ nạn cờ bạc, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.

Cũng tại hội thảo, GS. Nguyễn Mại khẳng định: “Phát triển du lịch khác với các ngành như giao thông vận tải, thương mại, tài chính bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp. Theo đó, hoạt động vui chơi, giải trí chiếm một phần quan trọng”. 

Vị chuyên gia nhấn mạnh thêm: “Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí cao bao gồm các khu vui chơi, mua sắm buổi tối, các trung tâm giải trí chất lượng cao, các trường đua chó, đua ngựa”.

Vì sao ngành vui chơi có thưởng lại hoạt động kém hiệu quả?

Dù được các chuyên gia nhận định là “mảnh đất màu mỡ”, là động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, nhưng thực tế, hoạt động của lĩnh vực này chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Lý giải lý do kết quả hoạt động của ngành vui chơi giải trí có thưởng còn khiêm tốn, GS. Nguyễn Mại cho rằng, xuất phát từ quan điểm nhận thức tư duy coi đây là lĩnh vực “nhạy cảm”, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và có nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội nên chưa có cách tiếp cận đa chiều. 

Mặt khác, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này không tương thích với sự phát triển. Sự liên kết giữa tổ chức xã hội và các doanh nghiệp hoạt động trong chia sẻ thông tin, hợp tác quảng cáo du lịch, trao đổi kinh nghiệm vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chậm dẫn tới hiệu suất sử dụng dịch vụ kém.

Đồng quan điểm đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sự phát triển chưa xứng với tiềm năng của ngành du lịch đến từ lĩnh vực này chưa có sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng. Vị chuyên gia kinh tế chia sẻ, cách đây 2 năm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp hạng Việt Nam thứ hạng yếu trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ thương mại. 

Nói về điểm nghẽn khiến ngành công nghiệp vui chơi có thưởng còn dịch chuyển chậm chạp, ông Lực nói: “Tư duy của chúng ta đang không quản được thì cấm nên dẫn tới dịch vụ kém phát triển. Nhưng nếu với tư duy này, nhu cầu cao mà không được đáp ứng kịp thời, các dịch vụ sẽ biến tướng, trở thành tệ nạn và mất đi nguồn thu ngân sách”.

Ông Đỗ Văn Sử - Trưởng phòng Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài bổ sung thêm các lý do khiến ngành công nghiệp vui chơi có thưởng phát triển chưa đúng với kỳ vọng, đó là tư duy cẩn thận của cơ quan quản lý Nhà nước. "Các doanh nghiệp triển khai dịch vụ này mới chỉ coi ngành vui chơi giải trí có thưởng chỉ là ngành bổ trợ, gia tăng giá trị cho khách sạn 5 sao. Ngoài ra, kết quả hoạt động kinh doanh của lĩnh vực này còn phụ thuộc vào lượng khách du lịch và sở thích của phân tầng khách", ông Sử nói. 

Theo ông Sử, “Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì các ngành nghề con của lĩnh vực này phải phát triển. Một bó đũa khoẻ là khi từng chiếc đũa mạnh”.

Còn theo chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực, mục tiêu đóng góp của ngành du lịch năm 2025 phải đạt 15-17% GDP. Muốn làm được điều đó thì sự cần thiết của hoạt động vui chơi giải trí có thưởng rất quan trọng, bởi đây là hạng mục chiếm tới 54% nhu cầu của du khách. 

Vị chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh, việc phát triển ngành vui chơi giải trí có thưởng còn góp phần đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, tạo sự đặc sắc và khác biệt. Đặc biệt, lĩnh vực này sẽ góp phần gia tăng doanh thu và nộp thuế cho ngân sách. “Để tạo cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, chúng ta cần cởi trói cơ chế chính sách, tạo ra động lực cho ngành này phát triển” – ông Lực chia sẻ. 

Tại hội thảo, GS. Nguyễn Mại đã nhấn mạnh, trò chơi vui chơi có thưởng còn giàu tiềm năng, thế nên cần phải phát triển, khai thác có hiệu quả, góp phần thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 để du lịch nội địa đã được kích hoạt sẽ gia tăng nhanh chóng trong nửa cuối năm, du lịch quốc tế được khôi phục càng sớm càng tốt, góp phần thực hiện mục tiêu GDP năm nay tăng 4,5%-5% và năm 2021 tăng trên 7%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top