Aa

Rác, lòng tin và năng lực cán bộ

Thứ Năm, 16/07/2020 - 14:30

Giữa những ngày nắng nóng gay gắt này, Hà Nội càng nóng lên về rác khi người dân Nam Sơn lại chặn đường không cho xe vào đổ rác. Và chuyện rác không còn dừng ở "rác" nữa.

Thực ra thì trong năm 2019, người dân xung quanh Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội (gọi tắt là bãi rác Nam Sơn) đã ba lần chặn xe rác. 

Còn lần này, từ tối ngày 12/7, người dân ở thôn 2, xã Hồng Kỳ đã bắt đầu chặn xe rác ở cổng số 1 bãi rác Nam Sơn. Đến đêm ngày 13/7, tiếp đến người dân thôn Động Hạ, xã Nam Sơn dựng lán ở trục đường chính dẫn vào cổng số 2 bãi rác Nam Sơn.

Người dân Nam Sơn dựng lán giữa đường, canh cả ngày lẫn đêm không cho xe vào đổ rác  (Ảnh: Sưu tầm)

Nguyên nhân được cho là người dân làm vậy để tỏ thái độ với việc thành phố chậm chi trả đền bù giải phóng mặt bằng trong vòng bán kính 500m quanh bãi rác. Đồng thời, họ cũng cho rằng, bãi rác Nam Sơn đã quá tải nhưng ngày qua bốc mùi hôi thối, nước rỉ ra từ bãi rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống.

Chưa được đền bù nên chưa thể di dời, vậy là người dân phải sống chung với rác.

Xe không vào được bãi để đổ rác, tất yếu rác bị ùn ứ trong nội thành. Nhưng “nội thành” là đâu? Đó là các đường phố ở nội đô. Bãi rác bị phong tỏa, nhưng người dân và các cơ sở không thể dừng xả rác. Vậy là rác xả ra không có chỗ thoát ùn ứ lại. 

Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội phải gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan chức năng của thành phố. Sở Xây dựng thành phố đang trình phương án dự kiến phân luồng rác về bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây). Trong lúc chờ quyết định, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đành lệnh cho các chi nhánh chủ động lưu rác trên xe, rắc vôi bột và trùm kín để giảm ô nhiễm.

Rác được lưu rác trên xe, rắc vôi bột và trùm kín để giảm ô nhiễm. (Ảnh: Sưu tầm)

Thế là, đến lượt người dân nội thành phải sống chung với rác. Cắt điện. Khổ. Mất nước. Khổ. Rác ứ lại. Cũng khổ không kém, nhất là lại trong những ngày cao điểm nắng nóng này.

Việc tự ý chặn xe rác là sai. Nhưng có đặt mình vào hoàn cảnh của bà con mới hiểu được hết hành động có phần cực đoan này.

Cuối năm ngoái, khi người dân chặn xe vào bãi rác kéo dài nhiều ngày, lãnh đạo huyện Sóc Sơn hứa chậm nhất là 31/12/2019 sẽ có phương án đền bù đất nông nghiệp trong phạm vi bán kính 500m. Sau đó, thành phố thông báo hết quý II/2020 sẽ chi trả xong. 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lực, Trưởng thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn thì đến nay, người dân mới chỉ nhận được tiền đền bù diện tích đất nông nghiệp; còn đối với đất ở, đất ao vườn thì vẫn chưa nhận được tiền đền bù nên người dân chưa thể di dời. Chưa thể di dời nghĩa là vẫn phải sống cạnh bãi rác chưa biết đến bao giờ. Và trong những ngày nắng nóng này, sống cạnh bãi rác quá tải thì càng là cực hình. Vậy là người dân lại chặn xe không cho đổ rác…

Tôi không đồng tình với cách phản ứng tiêu cực của người dân. Nhưng lại càng không đồng tình với cách làm việc của thành phố. Vì bất cứ lý do gì, thì việc chậm chi trả tiền đền bù cho người dân vẫn là lỗi của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và thể hiện lối làm việc tùy tiện.

Rác ùn ứ nội đô (Ảnh: Sưu tầm)

Người dân đã đồng ý và mong muốn được chuyển xa bãi rác. Vấn đề chỉ là chờ nhận tiền đền bù để di dời. Chính quyền đã hứa. Nhưng hết thời hạn, lời hứa ấy vẫn không được thực hiện. Và câu chuyện rác không dừng lại ở phạm vi rác nữa mà đã thành chuyện lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Chẳng nhẽ thành phố không còn đủ ngân sách để chi trả tiền đền bù cho bà con? Hay việc chi trả tiền đền bù lại vướng mắc ở khâu thủ tục nào? Cho dù bất cứ lý do gì, một khi thành phố đã hứa với dân thì phải giữ lời!

Đằng này, thông báo hết quý II sẽ chi trả xong mà quá hạn đến 1,5 tháng vẫn chưa chi trả, thì rõ ràng là sự thất tín và đánh mất lòng tin đối với dân. Người dân không sung sướng gì khi giữa trưa hè nắng nóng gay gắt này phải căng bạt ra giữa đường để… phơi nắng. Nhưng cái cách phản ứng mang tính cực đoan này của người dân cũng phản ánh thái độ bất bình đến cùng cực và sự mất lòng tin ở chính quyền.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến chuyện tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội đang có nguy cơ đội vốn do đối tác đòi bồi thường hàng chục triệu USD vì lý do chậm bàn giao mặt bằng. Vậy là, thời gian không những là thời cơ, là lực lượng mà còn là tiền của. Sự chậm trễ của chính quyền không những tự làm mất uy tín, khiến cho đối tác mất thời cơ, mà còn gây thiệt hại về tiền bạc hết sức cụ thể.

Tôi cứ thắc mắc, các kế hoạch được các cơ quan chức năng của thành phố xây dựng chắc hẳn đều phải kỹ càng, dựa trên các cơ sở khoa học, vậy mà không hiểu sao khi thực hiện thì hầu hết thường không bảo đảm tiến độ. Nói thẳng ra là chậm, thậm chí chậm đến mức… rùa bò. 

Chi trả tiền chậm, đến ngay cả việc giải ngân, tức là có sẵn tiền chỉ việc tiêu, thì hầu hết cũng đều chậm. Như vậy thì không thể đổ tại nguồn lực được nữa mà mấu chốt là ở ý thức, trách nhiệm và năng lực của bộ máy chính quyền. Và suy cho cùng, đó chính là vấn đề ý thức, trách nhiệm và năng lực của cán bộ.

Có người nói rằng, hãy để những người liên quan đến việc chậm chi trả tiền đền bù cho người dân bãi rác Nam Sơn đến sống cạnh bãi rác, chắc hẳn khi đó họ sẽ sốt sắng với công việc hơn và việc bền bù cũng sẽ không chậm trễ như thế này. Nhưng đó là chuyện rác cụ thể. Còn có người lại cho rằng, chuyện rác này, nếu nhìn rộng ra thì nó không còn dừng ở vấn đề rác nữa.

Không phải là tôi chẻ sợi tóc làm tư hay quan trọng hóa vấn đề mà rõ ràng xung quanh chuyện “rác” này không còn là chuyện nhỏ nữa. Từ chuyện rác đã bộc lộ và phản ánh một vấn đề lớn hơn, đó là lòng tin của người dân với chính quyền và năng lực của đội ngũ cán bộ - Hai vấn đề cốt yếu trong điều hành và quản lý. Vậy mà cả hai đều có vấn đề, thì chẳng trách có người nói: "Nhìn vào “đống rác” mà lo...".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top