Reatimes và “ngôi nhà hạnh phúc”

Reatimes và “ngôi nhà hạnh phúc”

Thứ Bảy, 07/08/2021 - 06:00

Tình cờ, tôi biết được Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí điện tử Gia Đình Mới tổ chức Lễ phát động cuộc thi "Nơi Tôi Sống". Đấy cũng là lần đầu tiên, tôi biết đến tờ Tạp chí online này. Ấy là một ngày mùa đông năm 2018. 

Tôi bị chinh phục ngay bởi những người tổ chức cuộc thi "Nơi Tôi Sống" mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp... Chế độ chính trị nào cũng luôn đặt con người vào vị trí trung tâm. Cuộc thi hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm. Không có lý do gì không tham gia. Và rồi, tôi có được giải, dẫu “bé” thôi, nhưng tinh thần của “Nơi Tôi Sống” nằm lòng, đi suốt cuộc đời.

Con người nào cũng đều được sinh ra, lớn lên trong một ngôi nhà. Con người nào cũng thuộc về một quê hương. Trong văn học, thi ca, có lúc “quê hương” đồng nghĩa với Tổ quốc nhưng “quê hương” theo nghĩa hẹp đó là một ngôi làng, nơi có “con dế lãng mạn/ con gián khát thèm/ những mối tình đang đến và đang chia xa...”, (Dưới ánh trăng và một bậc cửa, thơ Nguyễn Quang Thiều). Lớn lên có thể xa quê, lập nghiệp một nơi nào đó trong hay ngoài nước, đô thị to hay nhỏ... đều có những ngôi nhà. 

nơi tôi sống
Nơi tôi sống

Cuộc thi "Nơi tôi sống" do Reatimes tổ chức đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng của các tác giả tham dự.

Cuộc đời tôi có may mắn “vừa phải” là cho đến hôm nay, không có đô thị nào trên dải đất chữ S này chưa từng đến, chưa từng sống, ít nhất vài ba ngày. Nhiều nơi, vô số lần được quay trở lại. Đô thị nước ngoài cũng từng đến vài nơi. Tôi còn có hạnh phúc nữa là có quãng thời gian dài làm báo ở một ngành quan hệ gần như khăng khít ngành xây dưng đô thị, đó là giao thông vận tải. Hạ tầng giao thông luôn đi trước hạ tầng xây dựng đô thị. Tôi viết khá nhiều bài báo về thành công cũng như những “vấn nạn” đang thách thức đô thị Việt Nam.

Hiện nay, ở nước ta có gần 800 đô thị lớn, nhỏ. Trong đó có hai “siêu” đô thị là Hà Nội và TP.HCM, đứng vào top các thành phố lớn nhất thế giới. Hà Nội và TP.HCM có cả người dân tộc thiểu số; đặc biệt Hà Nội, nơi đồng thời có những ngôi nhà đầy đủ tiện ích, thuộc hàng “5 sao”, “sáu sao” nhưng cũng có những ngôi nhà sàn của bà con dân tộc.

Không thể phủ nhận sự thay đổi to lớn về diện mạo kiến trúc, về chất lượng sống của đô thị ngày được cải thiện theo hướng văn minh hiện đại, là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhưng bên cạnh đó, đô thị Việt Nam đã bộc lộ những yếu kém bởi tiến trình đô thị hóa nhanh và thiếu kiểm soát. 

Đô thị Việt Nam đang như thỏi “nam châm” khổng lồ cuốn hút ngày càng nhiều dân cư từ vùng nông thôn đổ về. “Nước chảy chỗ trũng”, càng khu vực lõi, trung tâm thì mật đô dân số càng cao. Ngoại vi, nhất là những nơi bán sơn địa thì rất heo hút, dân cư thưa thớt và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nghèo nàn, thiếu thốn... Ô nhiễm môi trường sống từ nguồn nước ngầm, không khí, tiếng ồn, mặt nước...nhiều nơi “báo động” đỏ. Sống ở Hà Nội, không ai không thương dòng sông Tô Lịch, bây giờ là sông Nhuệ, mai này có có thể sông Đáy... thuộc vùng vành đai 4, vành đai 5.

ngô đức hành

Cư dân đô thị, rất nhiều, hôm qua mới từ cánh đồng, hôm nay bước vào những ngôi nhà lát gạch men, lát đá xẻ, lát gỗ... Bà con đến đô thị mang theo cả văn hóa làng xã, tự nhiên đến hồn nhiên... Chất lượng sống của đô thị không chỉ là ăn ngon mặc đẹp, đủ đầy “không gian điều hòa”, “không gian xế hộp”...  mà còn không gian của văn hóa, ứng xử... Ta đang đi trên đường tới thành phố bằng những “bước chân” cao thấp.

Không phải ngẫu nhiên, từ năm 2008 đến nay, ngày 8/11 hằng năm được chọn là “Ngày Đô thị Việt Nam” theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 20/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Thế nào là một đô thị hạnh phúc? Tất nhiên, đô thị hạnh phúc phải là nơi có những ngôi nhà hạnh phúc, khu phố hạnh phúc, đường phố hạnh phúc... Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng lý giải: “Một đô thị hạnh phúc là đô thị mà ở đó, người dân phải được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, như được các dịch vụ công phục vụ, có việc làm với thu nhập tốt, nhà ở giá rẻ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, có không gian xanh, có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, với cộng đồng, an toàn và không bạo lực.

Đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải thật to lớn, hoành tráng, kiến trúc thật hiện đại với nhiều cái nhất, như to nhất, cao nhất và cả đầu tư lớn nhất (mà ai đó đang hướng tới). Sẽ có (trong tương lai) những đô thị hạnh phúc kiểu Việt Nam, nhưng ở nhiều cấp độ và khía cạnh khác nhau. Đừng quá tham vọng để đưa đô thị Việt Nam sống tốt dập khuôn theo các khuôn mẫu của đô thị thế giới, bởi tính vận động liên tục của đô thị”.

Thật tuyệt, thật văn hóa khi cuộc thi “Nơi Tôi Sống” nhằm phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, hình thành nên các khu đô thị đáng sống. 

Tên tuổi của Reatimes gắn liền với nhiều Tọa đàm, Hội thảo, chương trình chất lượng, phản ánh những nội dung thiết thực về thị trường bất động sản, đô thị...

Không phải ngẫu nhiên, Hội đồng Giám khảo Cuộc thi gồm 7 thành viên, là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhà biên kịch, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam như Nguyễn Thành Phong, Trần Đăng Tuấn, Phạm Thanh Tùng,  Phạm Ngọc Tiến, Thành Chương.... Đảm trách vai trò Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi chính là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, cuộc thi "Nơi Tôi Sống" vừa đặt ra câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Mỗi người cần có sự gắn kết, trách nhiệm với không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà, đó còn là môi trường, thiên nhiên, văn hóa và con người với con người. Chỉ khi mỗi người gắn kết được với nơi mình sống thì mới có thể làm nơi đó trở nên có ý nghĩa và đẹp đẽ hơn.

Không phải ngẫu nhiên, sau hơn một năm phát động cuộc thi “Nơi tôi sống” nhận được mấy ngàn bài dự thi, đông đảo độc giả khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia, kể cả tác giả đang là bộ đội Hải quân ở Nhà giàn giữa biển khơi. Đông đảo cư dân các khu chung cư, đô thị mới đã tích cực tham gia gửi bài dự thi và tạo được hiệu ứng trong cộng đồng.

Được Ban Tổ chức thông báo, sáng 8/8/2019, tôi có mặt sớm dự lễ Trao giải cuộc thi “Nơi tôi sống”. Hôm ấy trời mưa, dự cảm và báo hiệu những điều tốt lành. Các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong, họa sỹ Thành Chương... cũng đều có mặt sớm. Một không khí của những giá trị nhân văn lan tỏa. 

Tôi ấn tượng mãi về bài phát biểu tổng kết cuộc thi của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. “Cuộc thi này đúng với vấn đề xã hội đang quan tâm. Dân ta hàng ngàn năm sống ở làng quê, vậy mà quá trình đô thị hóa phát triển nhanh chóng, bỗng chốc họ trở thành cư dân đô thị. Mục tiêu của cuộc thi là tập trung vào giải quyết vấn đề này, những cư dân bị đô thị hóa kéo theo, hình thành các nếp sống mới, những lối sống mới trong các khu chung cư, khu đô thị. Làm sao để gìn giữ được những văn hóa truyền thống tốt đẹp trong không gian mới và hình thành được văn minh đô thị hiện đại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh. Câu trả lời những vấn đề nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu lên còn lâu dài cùng với “đường tới thành phố”.

Tất nhiên “Nơi tôi sống” không chỉ ở đô thị mà cả làng bản, đồng bằng, miền núi, miền xuôi... Cư dân đô thị mới chiếm hơn 34% dân số cả nước. Cuộc cách mạng “Nông thôn mới” những năm vừa qua đã và đang làm thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn Việt Nam. Thành công nhiều nhưng những vấn đề môi trường, chất lượng sống đang đặt ra, không hề đơn giản.

“Nơi tôi sống” thực sự là vấn đề lớn của quốc gia, của từng gia đình, của từng cá nhân. Reatimes đã làm được việc lớn, đáng trân trọng, cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới. Thật mừng, Reatimes, một tạp chí trẻ, tuổi đời mới được 5 năm, những đã là “ngôi nhà hạnh phúc”.

Hà Nội, tháng 8/2021/.

07/08/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top