Năm 2017, Liu quản lý một danh mục đầu tư bất động sản rất lớn ở Hong Kong. Theo tạp chí danh tiếng Forbes, Liu là một trong 50 người giàu có nhất Hong Kong, người phụ nữ tự thân giàu có thứ 15 thế giới và là nữ doanh nhân bất động sản tự thân giàu thứ 4 thế giới trong năm 2017.
Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes, tạp chí này miêu tả: Nữ doanh nhân bất động sản Rita Tong Liu ngồi trước một chiếc bàn tròn, xung quanh đó là những tủ ướp lạnh chứa ít nhất 200 chai rượu truyền thống của gia đình. Bà ngồi ở một góc của phòng họp, nhìn hướng ra bến cảng Victoria (Hong Kong). “Tôi thật may mắn bởi vì gia đình tôi cho phép người phụ nữ kinh doanh”, Liu tâm .
Bắt đầu từ đời bà của Liu, người phụ nữ đầu tiên trong gia đình tham gia vào công việc kinh doanh, cụ mở một cửa hàng bán tạp hóa và ủ rượu gạo. Sau đó, đến đời mẹ của bà, một phụ nữ góa chồng đã xây dựng nên những ngôi nhà nằm dọc theo các bến tàu Ma Cao với gỗ ngoại nhập. Và ngày nay, Liu, 68 tuổi, cũng nối tiếp truyền thống kinh doanh của những người phụ nữ trong gia đình bà.
Liu bắt đầu kinh doanh bất động sản với tập đoàn Gale Well Group của gia đình từ năm 1976. Ban đầu, bà hướng đến đầu tư vào những căn hộ và nhà ở hạng sang nhưng mức lợi nhuận đầu tư vào phân khúc này khá thấp, chỉ khoảng 2 - 4%. Lý do là bởi đối tượng khách hàng chính của phân khúc này - các công ty đa quốc gia - có ngân sách khá eo hẹp.
Do đó, bước sang năm 2000, tập đoàn của Liu có bước đột phá khi tập trung đầu tư vào các bãi đậu xe. Tuy nhiên, thành công chưa thực sự đến với bà, bà lại phải sớm đối mặt với nhu cầu thay đổi thất thường của những người thuê nhà.
Sau khi chồng bà mất vào năm 2003, bà quyết định chuyển sang phát triển không gian thương mại, đặc biệt là văn phòng hạng A và từ bỏ hoàn toàn việc đầu tư bãi đỗ xe. Thời điểm đó, không gian hạng A ở quận tài chính của Hong Kong vô cùng khan hiếm và giá cả lại “cắt cổ”.
Cụ thể, theo công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản Knight Frank, có chưa đầy 45 công trình (hạng A) trên diện tích 24 triệu feet vuông quanh khu vực trung tâm và cận trung tâm của Hong Kong. Jones Lang LaSalle lại đưa ra thông tin rằng chi phí ở khu trung tâm Hong Kong lên đến 206 USD/foot vuông, cao hơn nửa giá so với thị trường ở London và New York.
Do đó, những công trình hạng A của Liu “bán đắt như tôm tươi”, bao gồm: Grand Millennium Plaza, Trung tâm Shun Tak, Trung tâm tài chính Viễn Đông, Trung tâm Lippo, Trung tâm Admiralty và tất cả các công trình của Tập đoàn Bảo hiểm Trung Quốc cũng như Austin Plaza. Vì thế, Forbes Asia còn gọi bà với cái tên “Người phụ nữ sở hữu không gian văn phòng chất lượng nhất Hong Kong”.
Gần đây, Liu cũng mua cả một ngôi nhà hạng sang ở Stanley vào năm 1987 với giá 38 triệu USD. Sau khi bán lại nó, bà lãi được 20% giá trị căn nhà.
Thực tế, Liu là một trong số nhiều nhà đầu tư bất động sản địa phương ẩn danh thành công nhất, những người nắm giữ tài sản của họ một cách riêng tư, hiếm khi sử dụng để mua hoặc bán. Điều này có nghĩa rằng bà không phải là người thích đánh cược mà bà là người có thể nhận thấy được giá trị ở các khu đất mà những nhà đầu tư khác không nhận thấy và nắm giữ chúng trong một khoảng thời gian dài dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp thực thể. Theo bà, “mua thấp bán cao” không phải quy tắc vàng trong kinh doanh.