Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…

Thứ Hai, 17/05/2021 - 06:00
Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 1.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức
Vị doanh nhân khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. (Ảnh: Việt Hùng)

Kể về những doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam và Đông Nam Á, đương nhiên sẽ có quá nhiều chuyện để nói về mỗi nhân vật, và sợi chỉ đỏ xuyên suốt thường là một ý chí mạnh mẽ cùng với đường hướng rõ ràng, dứt khoát. Thế nhưng, với doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, trên tất thảy, đó là con người cảm xúc cuồn cuộn và tính ngẫu hứng cũng không ai bằng. Đằng sau đó là lòng tự tôn dân tộc đã ngấm vào máu thịt.  

Từ nhiều góc nhìn khác nhau, các nhà phân tích tài chính – chứng khoán, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà bình luận bóng đá, các cầu thủ, và cả những nhà tâm lý…, đã có một bàn tròn trao đổi sôi nổi chưa có hồi kết, chỉ để chứng minh cho lập luận của mình: Ông Đoàn Nguyên Đức là doanh nhân thất bại hay thành công, thành danh hay thành nhân?

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 3.
Ông Đoàn Nguyên Đức biểu tượng cho số 1 và sự độc đoán?

Ông Đoàn Nguyên Đức có nhiều cá tính, nhưng thống nhất ở sự độc đoán, hào sảng, thẳng thắn… Đã làm thì phải là Number One, đã chơi là phải đẹp và đã đam mê là không tính tuổi. Điều đó thể hiện qua chính nốt thăng trong sự nghiệp HAG - doanh nghiệp số 1 trên sàn chứng khoán; đội bóng số 1 Quốc gia về sự chuyên nghiệp và lối chơi đẹp… Nhưng các chuyên gia lại cho rằng, chính tính cách đó là nguyên nhân không nhỏ cho sự “thất bại” của HAG ngày hôm nay. Sự thất bại đã tiềm ẩn ngay từ thời doanh nhân Đoàn Nguyên Đức ở đỉnh cao của sự nghiệp. 

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 4.

Suốt 30 năm lăn lộn trên thương trường, cũng là 30 năm cống hiến sức người, sức của cho nền kinh tế nước nhà, đều là những ngày dài khởi nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức. Ông Đức bắt đầu xây dựng cơ nghiệp bằng việc tự tay làm sản phẩm đồ gỗ, rồi làm thêm ngành thủy điện, khoáng sản, bất động sản; còn hiện tại ông tập trung vào nông nghiệp và kinh qua đủ loại giống cây trồng cho tới vật nuôi. Thành công lớn nhất trong cuộc đời của ông đến nay có lẽ chính là… bóng đá. Thất bại lớn nhất của ông lại đến từ thứ mà ông hy vọng nhờ nó có thể “đổi đời” cho Hoàng Anh Gia Lai lẫn tỉnh Gia Lai - cây cao su.

Tính cách hào sảng đặc trưng của con người Tây Nguyên nắng gió kết hợp với gốc gác đất võ Bình Định thể hiện rất rõ cả trong cuộc đời lẫn sự nghiệp của ông: Khi đã quyết định đầu tư vào cái gì ông đều “tất tay”. Với Bầu Đức, không bao giờ có sự nửa vời, hết tiền thì ông đi vay làm tới cùng. Khác biệt so với các doanh nhân khác thường đặt sự chặt chẽ trong cân đối chi tiêu lên hàng đầu. Còn đối với ông Đoàn Nguyên Đức, với cá tính “không giống ai” của mình mà sự nghiệp của doanh nhân phố núi đã có lúc lên đỉnh cao, nhưng cũng lắm khi lao đao trước vực thẳm.

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 5.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến lời đề từ trong truyện ngắn “Tình yêu cuộc sống” của Jack London: 

Cuối cùng còn lại một điều

Họ đã từng sống và từng dám chơi

Dám chơi là đã được rồi

Dù vàng đặt cược mất toi bao lần…

Ông Đức đã đặt cược không biết bao nhiêu tiền của, thậm chí đặt cược cả sự nghiệp, thanh danh của mình vào nông nghiệp, để rồi thất bại. 

Thế nhưng với bóng đá, sự hào sảng có vẻ lại thắng lợi!

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 6.

Khi công việc kinh doanh thất bát, nợ nần đến mức ông Đức phải bán “tâm huyết” đi để cứu doanh nghiệp, người ta tò mò xem đam mê bóng đá của ông ấy còn không. Ít nhất là “soi” khoản đầu tư vào mảng này, và không ít đàm tiếu khiến ông Đức thêm bạc tóc. Mới đây, trao đổi với báo chí về mục tiêu của CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở mùa giải 2021, bầu Đức đã có những chia sẻ thẳng thắn về chuyện đầu tư: “Thứ nhất, tôi ít tiền hơn các ông bầu khác. Thứ hai, đầu tư trong bối cảnh chưa giải quyết được tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng là sự lãng phí. Làm sao một đội bóng có thể vô địch khi phải chống đỡ với nhiều đội khác… Nên miễn làm sao cứ đá đẹp như hiện nay là được rồi. Đầu tư để vô địch V-League à? Đó là điều không thể làm được…”.

Nếu không đầu tư để vô địch thì ông có sẵn sàng cho cầu thủ HAGL ra đi sớm trước 28 tuổi để phát triển tài năng không?

Đi đâu và để được gì? Đội nào muốn có cầu thủ giỏi thì phải chịu đào tạo trẻ. Tôi thấy người ta cứ hay nói về chuyện HAGL giữ cầu thủ đến 28 tuổi mới được rời đi là sai cơ bản. Mỗi người có một quan điểm, mỗi người có một cách làm riêng, không nên góp ý cũng như không nên phê bình người ta. Cầu thủ nào vào Học viện HAGL JMG cùng từng là một đứa con nít nhỏ xíu chưa biết gì, từ những gia đình phần lớn là khó khăn, để rồi được đào tạo trở thành cầu thủ giỏi như hiện nay, trả ơn còn không hết lấy gì mà không vui.

Gia đình nuôi đến 10 tuổi, tôi nuôi đến 25 hay 28 tuổi. Ai nuôi nhiều hơn? Tôi khẳng định cầu thủ của tôi không ai có tâm lý gọi là nản và muốn ra đi cả. Chỉ có dư luận tự nói thôi, chứ có ai xin tôi đi đâu. Tụi nó vui vẻ sống và thi đấu, vì tụi nó hiểu cuộc đời của tụi nó do ai tạo ra. Nên đừng có đặt vấn đề 23 tuổi, 25 tuổi hay 28 tuổi mới được ra đi”.

Làm nhiều thì đương nhiên bị ghen ghét, và chỉ không làm gì mới không bị nói. Xưa nay, đã mấy ai làm gì hơn người mà lại không bị điều tiếng? Cách trả lời thẳng thắn, không e ngại, không sợ các học trò “mất lòng” của “tộc trưởng” càng khiến người nghe cảm nhận được vị chua xót từ một con người trải qua quá nhiều sương muối cuộc đời. 

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức

Nếu ai đó không hiểu có lẽ đã cho rằng, câu trả lời của bầu Đức đầu mùa giải đã cho thấy sự buông xuôi và không tạo động lực cho cầu thủ. Nhưng chắc họ lại quên rằng, lứa cầu thủ trưởng thành từ trung tâm bóng đá Hoàng Anh Gia Lai giờ đây đã có trình độ học thức và văn hoá cao, lối đá đẹp bậc nhất trong các câu lạc bộ hiện nay và họ có lẽ cũng đủ từng trải để hiểu “tâm tư” người Thầy của mình. 

Một trong những quan điểm được nêu ra trong bàn tròn bình luận về sự nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức, có một ý kiến khiến chúng tôi suy ngẫm: Xưa nay làm kinh doanh mà phóng khoáng thì sẽ rất dễ thất bại. Nhưng nếu phóng khoáng + tâm tốt + tâm huyết hết mình + tầm nhìn lớn = không thể không thành công. Ở bóng đá, ông Đức đã chứng minh điều đó.  

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 8.

Năm 2001, bầu Đức quyết định đầu tư cho bóng đá với ý định xây dựng một "thương hiệu" Gia Lai trong tầm nhìn quốc tế. Năm 2007, câu lạc bộ bóng đá Arsenal trở thành đối tác chiến lược của Hoàng Anh Gia Lai trong việc thành lập Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG. Ngày 5/3/2007, lễ động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG trên khu đất 5ha cao su cách TP. Pleiku 13km và khánh thành sau 7 tháng xây dựng. Học viên được đào tạo tại đây trong 7 năm, không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào. Nếu trúng tuyển, học viên sẽ được Học viện lo toàn bộ chi phí ăn, học văn hoá, tiếng Anh và tiếng Pháp. Chế độ sinh hoạt, ăn uống của các học viên ở đây với chi phí khoảng 400 triệu đồng/em/năm.

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 9.

Thập niên 2000, Bầu Đức đã tạo nên sức bật cho V-League và đặt nền móng cho bóng đá Việt Nam. Thập niên 2010, ông không chỉ lo cho bóng đá Gia Lai hay V-League mà cho cả nền bóng đá Việt Nam. Bầu Đức giúp cả nền bóng đá Việt Nam hồi sinh với lứa Công Phượng được trình làng vào cuối năm 2013. Sân chơi V-League từ cảnh chợ chiều với những khán đài trống vắng đã được lấp đầy nhờ hiệu ứng mang tên U19 HAGL. Lứa Công Phượng đi đến đâu thì các sân vận động gần như phải “lo” cảnh quá tải vì rất nhiều người yêu mến.

Vậy là, đã suốt hai thập kỷ qua, "chỉ cần tốt cho các tài năng bóng đá và nền bóng đá Việt Nam" là bầu Đức sẽ làm, cho dù Tập đoàn của ông đang gặp thuận lợi hay khó khăn trên thương trường. Có thể nói, cùng tình yêu thuần khiết dành cho bóng đá, bầu Đức chưa từng nói “không” khi được đề nghị đầu tư, miễn là nó có ích. Điển hình như trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bầu Đức vẫn "tặng" 400 triệu đồng để hỗ trợ Quế Ngọc Hải chi trả chi phí phục hồi chấn thương cầu thủ Anh Khoa, sau đó tiếp tục mời HLV Park Hang Seo về Việt Nam, tự đứng ra trả lương cho HLV 3 năm liền. 

Bầu Đức giữ đúng lời hứa lo cho đội tuyển quốc gia đến khi thành công với sự góp mặt của những tài năng xuất thân từ lò HAGL – JMG như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy… Ông cũng góp phần thay đổi diện mạo của nền bóng đá Việt Nam, giúp môn thể thao này trở nên chuyên nghiệp và đáng xem hơn, giúp các cầu thủ có thể sống được và trở nên giàu có với nghề đá bóng.

Hai mươi năm, chứ không phải 2 tháng hay 2 năm để đoạt được Huy chương Vàng sau 60 năm chờ đợi. Là cả những thế hệ chuyên nghiệp nền tảng cho các thế hệ sau này. Vậy chúng ta có quyền gì mà đánh giá!

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 10.

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 11.

Cho đến đầu năm 2021, ông Đoàn Nguyên Đức không còn nhắc nhiều đến bất động sản. Mảng kinh doanh đưa Hoàng Anh Gia Lai bội thu đã được bán đi khi doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Còn nhớ, thập niên 2000 là thời đại hoàng kim của Hoàng Anh Gia Lai, gắn liền với sự phát triển của thị trường bất động sản. Trong gần 10 năm liên tiếp, chính bất động sản đã giúp Hoàng Anh Gia Lai trở thành tập đoàn kinh tế có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010 và nhanh thứ hai năm 2011, giá trị xấp xỉ 1,5 tỷ USD. Lúc đó, các dự án cao cấp của Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện dày đặc ở các ‘điểm nóng’ của thị trường bất động sản từ Đà Nẵng trở vào Nam.

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 12.

Cũng trong gần 20 năm, bất động sản là mảng kinh doanh chủ lực đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Một trong những dự án lớn đầu tiên được Hoàng Anh Gia Lai triển khai là khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh Đầm Sinh Thái tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) năm 2006 và hoàn thành 2 năm sau đó. Cũng trong giai đoạn 2006 – 2008, Hoàng Anh Gia Lai liên tiếp khởi công các dự án căn hộ trung và cao cấp lớn như Căn hộ cao cấp & TTTM Hoàng Anh – Hoàng Văn Thụ (TP Pleiku); Khu căn hộ cao cấp New Saigon (TP.HCM); Khu căn hộ cao cấp & TTTM DV Golden House (TP.HCM); hay Khu căn hộ & TTTM Tây Nguyên Plaza (TP Cần Thơ)…  

Nhưng,… có thời điểm, tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai lên tới trên 33.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng tài sản, và gần một nửa số này là nợ ngắn hạn, cao hơn rất nhiều giá trị tài sản ngắn hạn mà tập đoàn sở hữu. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, bất động sản cũng vẫn là "cứu cánh" với Hoàng Anh Gia Lai. 

Trong năm 2013, bầu Đức tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam, với lý do để tập trung vực dậy doanh nghiệp. Hoàng Anh Gia Lai chỉ cố giữ lại giấc mơ của vị Chủ tịch là Dự án phức hợp Myanmar. 

Những năm tiếp theo, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục thu hẹp sản xuất hoặc bán các mảng sản xuất không còn tạo nhiều lợi nhuận như thủy điện, mía đường, dự án bất động sản… 

Ngược lại thời gian, từ đầu thập niên 2010, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu tập trung vào nông nghiệp hơn. Nhận thấy giá cao su trên thị trường thế giới liên tục tăng, trong năm 2011 có lúc còn lên đến 6.000 USD/tấn, được gọi là ‘vàng trắng’ của thế giới, bầu Đức quyết định tất tay khi đầu tư trồng cao su với quy mô lớn quanh khu vực Ngã Ba Đông Dương – tức trồng ở cả Việt Nam – Lào – Campuchia. Cùng với cây cao su, Hoàng Anh Gia Lai còn trồng nhiều cây công nghiệp khác, như cọ dầu, mía, bắp… quy mô mỗi cây trồng lên đến hàng nghìn hecta. 

Cây cao su đã khiến khoản nợ của HAG đội lên nhiều lần
Thua lỗ cao su khiến ông Đức phải bán đi giấc mơ Myanmar 

Mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ với bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai, do sau khi lập đỉnh vào năm 2011, giá cao su bắt đầu lao dốc. Năm 2013 và 2014, doanh thu lập tức sụt giảm mạnh trong khi nợ vay vẫn ở mức cao, thanh khoản công ty gặp khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng đổ vào cao su, nhưng đến khi thu hoạch thì giá cao su chỉ còn 1.000 USD/tấn. 

Tháng 10/2019, người đứng đầu Hoàng Anh Gia Lai công bố đã thông qua việc thoái hết số vốn còn lại ở Dự án phức hợp Myanmar cho Đại Quang Minh, công ty con của Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco). Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng 196 triệu cổ phần, tương đương 47,93% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh cho đối tác, nhường lại "miếng bánh tỷ đô" tại Myanmar. 

Chỉ có những người thân tín mới hiểu được cảm giác của ông Đức như phải cắt bỏ từng khúc ruột của mình. Ông Đức đã dành bao nhiêu tâm huyết và lòng tự tôn dân tộc để vun đắp giấc mơ của mình. Kể về dự án này, bầu Đức từng chia sẻ: Năm 2012, khi bất động sản trong nước đóng băng, Myanmar là quốc gia được ông nhắm đến ngoài mục đích đầu tư, như một mũi nhọn trong "chiếc kiềng 3 chân Lào – Campuchia – Myanmar". Vị Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai dốc tiền vào đây với mục đích mang ý nghĩa quốc gia.  

Dự án Myanmar - giấc mơ của bầu Đức
Dự án phức hợp Myanmar - "đứa con bất động sản" cuối cùng ông Đức đã buông tay

"Tôi muốn khẳng định với thế giới: Việt Nam cũng có một doanh nghiệp lớn đầu tư tầm cỡ, không thua kém gì một số nước lớn khác đầu tư vào Myanmar như Singapore, Thái Lan, Nhật. Ngoài ra, tôi đầu tư vào Myanmar với mong muốn thắt chặt tình hữu nghị hai nước Myanmar – Việt Nam và là cách quảng bá thương hiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam rất hiệu quả".

Nhưng ở một góc khác, quyết tâm bán đi giấc mơ lớn nhất của bầu Đức thể hiện rằng, ông đã dốc toàn lực cho nông nghiệp quy mô đại công nghiệp, đặc biệt là mảng cây ăn trái. 

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 15.

Năm 2017, giữa tình thế cấp bách phải tìm lối thoát cuối cùng cho Hoàng Anh Gia Lai, ông Đức đã đưa ra quyết định dứt khoát chuyển sang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như rau củ quả và bò thịt để cải thiện tính thanh khoản. Khi đó, tuyên bố về tham vọng đưa thương hiệu trái cây của Hoàng Anh Gia Lai vươn ra tầm thế giới, đã có rất nhiều ánh mắt nghi ngờ hướng đến bầu Đức. Chẳng mấy ai chắc ông mạnh dạn tìm cách cứu doanh nghiệp mà chủ yếu nghĩ ông “khó quá hóa liều”.

Chanh dây của HNG bán tại Trung Quốc có giá cao hơn bán tại thị trường Việt Nam năm 2017
Chanh dây của HNG bán tại Trung Quốc có giá cao hơn bán tại thị trường Việt Nam năm 2017

Trong thời gian ngắn, thu nhập từ cây ngắn ngày khó có thể bù đắp được khoản nợ khổng lồ. Do đó, Hoàng Anh Gia Lai vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn. Cuối cùng, để không mất công ty, cũng không để nỗ lực của mình và nhân viên “đổ sông đổ biển”, ông Đức đành nhún một bước “sỹ diện”, cầu cứu doanh nhân Trần Bá Dương – Chủ tịch Tập đoàn Thaco.

"Có thể hình dung 10 năm gian khó đã ở lại phía sau, 5 năm khó khăn nhất là khi công ty không thể nào vay mượn được gì từ ngân hàng, mất thanh khoản dòng tiền trong khi vẫn phải chắt chiu từng đồng trồng cây ăn trái. Để tìm được hướng đi như hôm nay không hề dễ dàng", bầu Đức phát biểu trong ĐHCĐ Hoàng Anh Gia Lai năm 2020.

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 17.
Cái bắt tay chiến lược giữa "Bầu" Đức và Chủ tịch Thaco mở ra cơ hội cho hàng nông sản sạch Việt Nam tiếp cận quốc tế

Thaco và Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết hợp tác chiến lược thông qua việc Thaco sở hữu 35% vốn cổ phần tại Công ty nông nghiệp HAGL Agrico (công ty con của Hoàng Anh Gia Lai). Thaco cũng cam kết sẽ rót xấp xỉ 1 tỷ USD để giúp HAGL Agrico và Hoàng Anh Gia Lai cân đối lại cơ cấu tài chính của mình. Theo đó, Thaco đã thành lập Công ty cổ phần sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi để thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ chính là chế biến trái cây và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Thaco cũng đã ký kết đối tác chiến lược với HAGL Agrico về việc giải quyết đầu ra cho các sản phẩm trái cây của tập đoàn, từ việc phân phối, xuất khẩu cho thị trường cao cấp, đến bao tiêu trái cây để chế biến, cung cấp dịch vụ kho lạnh, logistics... 

Bầu Đức ủng hộ Lào
Ông Đoàn Nguyên Đức ủng hộ người dân vùng ngập lụt ở Lào năm 2018

HAGL Agrico dự kiến sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn vào năm 2021. Mảng kinh doanh này kỳ vọng sẽ mang về cho tập đoàn  1 tỷ USD vào năm 2021. Theo kế hoạch, mảng trái cây xuất khẩu cũng sẽ là mảng kinh doanh chủ đạo của Hoàng Anh Gia Lai thông qua HAGL Agrico trong những năm tiếp theo để xây dựng một tập đoàn nông sản lớn nhất Việt Nam.

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 19.

Trong một hành trình gian khó, khi đứng trước sự sống còn thì rất cần một sự hy sinh để vượt qua cam go. Trong câu chuyện kinh doanh của bầu Đức cũng vậy. Khi bế tắc nhất về tài chính thì cần bán đi tài sản, và cách tốt nhất là bán thứ tốt nhất có ở hiện tại, mảng nông nghiệp. Nhưng cái hay của bầu Đức là sau bao nhiêu vấp ngã trên các lĩnh vực khác, dù phải bán đi mảng nông nghiệp cho Thaco nhưng vẫn kiên định sẽ tiếp tục khởi nghiệp và kiếm tiền từ nông nghiệp. Có lẽ, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là sự khởi đầu, cũng là hướng đi đúng cho Bầu Đức khi đã tỉnh táo và nhận ra điều đó.  

Chữ tín trong kinh doanh

Lập luận của tôi: Nếu nói ông Đức là doanh nhân bại trận, cũng không phải là sai vì điểm dừng sau 30 năm trên thương trường Việt Nam, đúng là ông Đức đang ở chân núi. Nó thể hiện rằng: Hoàng Anh Gia Lai – đứa con tinh thần vẫn đang thua lỗ, nợ nần, bán đi tài sản để trả nợ, cổ phiếu giá rau. Đội bóng và lứa cầu thủ đã không thực sự như kỳ vọng, bán hết bất động sản…

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 21.
Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 22.

Nhưng tôi vẫn muốn đứng về phía ông Đoàn Nguyên Đức, danh dẫu mờ nhạt đi đối với nhiều người rồi thì còn “nhân”. Ông Đức đã đi qua đỉnh của sự nghiệp một đời người thì đương nhiên phải có đoạn đáy. Quãng đời 30 năm không phải là một thời gian ngắn, ai có thể giữ được vạn vật trên đỉnh suốt thời gian này? Với tôi, ông Đức không chỉ là một doanh nhân của dân tộc, mà còn minh chứng cho chu kỳ chuyển động của bất kỳ nền kinh tế nào.

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 23.

Cũng với tôi, ông Đoàn Nguyên Đức đã thành công hơn bất cứ doanh nhân nào. Bởi rằng, ông chính là người xây thành công một doanh nghiệp xứng tầm thế giới, là bước đệm cho những doanh nghiệp khác có cơ hội bứt lên thời kỳ 20 năm trước. Nếu không có ông Đức, liệu nền bóng đá Việt Nam có tiến gần được với nền bóng đá chuyên nghiệp quốc tế? Nếu ông Đức không xả thân lăn lội thử nghiệm nông nghiệp hiện đại, thì nền nông nghiệp Việt Nam đến bao giờ mới thoát được ngành nông nghiệp chân tay? Đã mấy ai dám xuất khẩu bất động sản để kết nối tinh thần các nước láng giềng như ông Đức, nói là làm vậy đó?

Điều tôi nể nhất ở ông chính là sự tâm huyết với việc mình làm hơn tất cả. Và từ đó, sẵn sàng bỏ đi cái tôi, cái sĩ diện cá nhân. Ừ thì ông Đức nổ, nhưng thường người nổ là người có sĩ diện cao họ sẽ sống chết để mình không bị thất bại ở điều mình nói. Nhưng không, ông Đức đã bán đi dự án bất động sản mà ông dành cả tuổi trẻ muốn khẳng định uy tín cho cả quốc gia, để sang tên cho người khác, với mong muốn để dự án được hoàn thiện tiếp, để cứu lấy Hoàng Anh Gia Lai, để hàng nghìn cán bộ nhân viên không thất nghiệp, để mảng nông nghiệp công nghệ mới nước nhà có nền tảng đi lên. 

Xuất khẩu
Những lô hàng đầu tiên sau cú bắt tay chiến lược giữa HAG-Thaco đã được xuất đi tại Chu Lai đến thị trường quốc tế

Tôi đồ rằng, ông Đức đã thầm tự nhủ, mảng bất động sản thời này sẽ có người làm tốt hơn ta, để họ làm nốt. Còn mảng nông nghiệp đã ai dám làm như ông, ai xây nền tảng, ngoài ông. Nếu bỏ dở mảng này, rồi sau này bao lâu nữa mới có người chịu làm?

Suốt một chặng đường đời của mình, ông Đức đã truyền năng lượng cho giới trẻ, rằng làm gì cũng phải có tâm, kinh doanh không bao giờ sợ thất bại, khởi nghiệp đừng lo tuổi tác, sống là phải đam mê. Đương nhiên, thất bại trong kinh doanh phải rút ra những bài học, thậm chí là bài học xương máu để rồi tìm cách đứng dậy. Chỉ có cái khác là, thời của ông Đức có thể làm kinh doanh không cần quá nhiều kiến thức nền tảng tài chính, quản trị; nhưng kinh doanh thời công nghệ 4.0, 5.0, những kiến thức về quản trị, tài chính, công nghệ sẽ là chìa khoá đầu tiên cho những bước đi chắc chắn. 

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 25.

Cuối cùng… bầu Đức đã tự tin tuyên bố: "HAGL lẫn Agrico đã bước ra khỏi ‘vũng lầy’ nợ nần. Đã có thời tôi là người nợ nhiều nhất nước". Trong tương lai, ngoài những lĩnh vực hiện tại, HAGL vẫn kiên định với con đường “kiếm tiền từ nông nghiệp”, nên họ sẽ theo Thaco và HAGL Agrico tiếp tục chung thủy với cây ăn trái.

Theo đó, dù bầu Đức đã thất bại khi khởi nghiệp với cây công nghiệp – tiêu biểu là cao su, nhưng phần nào đó đã thành công với cây ăn trái. Di sản mà ông để lại cho HAGL Agrico không phải ai cũng làm được để giải phóng vùng đất canh tác rộng 80.000ha trải dài 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 26.
Vườn Thanh Long nở hoa tươi mát hứa hẹn những trái đơm xuất khẩu ra các thị trường quốc tế
Vườn Thanh Long nở hoa tươi mát hứa hẹn những trái đơm xuất khẩu ra các thị trường quốc tế

Rồi tương lai cây lá sẽ đơm hoa…

Rồi tương lai cây trái sẽ đơm hoa…- Ảnh 28.
Vy Thương
17/05/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top