Aa

Rốt ráo phương án giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Chủ Nhật, 05/12/2021 - 13:00

Lộ trình triển khai dự án dự kiến chuẩn bị trong năm 2021 - 2022; GPMB, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công giữa năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Chính phủ đã đề xuất thực hiện Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 giải phóng mặt bằng (GPMB) quy mô 6 làn xe, riêng đoạn tuyến từ Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Giá trị GPMB dự kiến hơn 19.000 tỷ đồng

Theo rà soát của Bộ Giao thông Vận tải, tổng diện tích đất chiếm dụng để xây dựng dự án gần 5.500ha, gồm: Đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532ha, đất nông nghiệp khác khoảng 1.280ha, đất dân cư khoảng 502ha, rừng phòng hộ khoảng 110ha, rừng sản xuất khoảng 1.436ha và đất khác khoảng 621ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 14.983 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11.905 hộ. Kinh phí GPMB, tái định cư dự án khoảng 19.097 tỷ đồng.

Trước đó, theo Tờ trình 519 của Chính phủ gửi Quốc hội, để hoàn thành dự án này giai đoạn 2021 - 2025 cần đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần dài khoảng 729km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, bằng hình thức đầu tư công, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Giải phóng mặt bằng
Các địa phương bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công quyết định không nhỏ đến tiến độ dự án.

Lộ trình triển khai dự án dự kiến chuẩn bị trong năm 2021 - 2022; GPMB, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công giữa năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Trong tổng diện tích cần GPMB gần 5.500ha, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên trước các hạng mục khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án như: Khu vực phải xử lý nền đất yếu, khu vực đông dân cư, các khu tái định cư, khu vực đổ vật liệu thừa, mỏ vật liệu...

Các địa phương lên phương án GPMB

Kinh nghiệm thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021 cho thấy, trong quá trình thực hiện GPMB làm cao tốc, sự chủ động và quyết liệt của địa phương giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch đóng vai trò quyết định.

Đại diện chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020) chia sẻ, dự án có tỷ lệ mặt bằng sạch cao, không chỉ giúp nhà thầu có thể triển khai thi công đại trà nhiều mũi cùng lúc, mà còn triển khai xử lý các khu vực cần nhiều thời gian như đất yếu một cách chủ động, hiệu quả.

Báo cáo của các địa phương gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều thống nhất với chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải làm đầu mối. 

Đơn cử, tuyến cao tốc qua Quảng Bình sẽ chia làm 3 dự án thành phần gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ. Ba đoạn này sẽ bắt đầu thực hiện GPMB trong giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai xây dựng vào năm 2026. Khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao sơ đồ thiết kế tuyến và mốc GPMB, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch bảo vệ và đảm bảo tiến độ đúng hạn. 

Ngay sau khi Chính phủ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trước Quốc hội, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải là đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng và tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tọa độ, hướng tuyến, làm cơ sở quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng và kiểm đếm xác định sơ bộ khối lượng, kinh phí bồi thường, GPMB, tái định cư; đồng thời, rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đối với công tác quản lý đất đai, quy hoạch, đảm bảo không để các tổ chức, cá nhân xây dựng, cơi nới công trình trong phạm vi hướng tuyến dự án.

Hay tỉnh Tiền Giang bên cạnh vận động các hộ dân trong diện GPMB thuộc dự án, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, giao các cấp chính quyền địa phương chủ động thành lập tổ công tác giúp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác GPMB, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục...

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long, đối với các dự án công trình đường bộ hiện nay có 2 nguyên nhân chính khiến công tác GPMB chậm trễ là do đơn giá đền bù chưa thỏa đáng, bố trí khu tái định cư chậm trễ hoặc bố trí rồi nhưng người dân thấy không thỏa đáng, không chấp thuận, dẫn đến khiếu kiện. 

Vì vậy, chính quyền địa phương có cao tốc đi qua cần sớm có giải pháp thúc đẩy tiến độ các khu tái định cư. Điều chỉnh hợp lý nếu giá đất thời điểm địa phương công bố định kỳ và thời điểm lập dự án có sự chênh lệch. Đối với các vướng mắc nảy sinh, nếu liên quan đến cơ chế vượt thẩm quyền, cần sớm báo cáo cấp quản lý cao hơn để tháo gỡ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top