Aa

Rủi ro nhìn từ việc doanh nghiệp cắt tóc gội đầu huy động 738 tỷ đồng trái phiếu

Thứ Tư, 09/09/2020 - 14:30

Nguy cơ bong bóng trái phiếu sẽ xảy ra khi doanh nghiệp ồ ạt tạo ra tài sản ảo chỉ trong thời gian ngắn mà thiếu đi sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới đây, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ, một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là cắt tóc, làm đầu, gội đầu đã phát hành thành công lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào năm 2030 với tổng khối lượng phát hành 738 tỷ đồng vào ngày 25/8/2020. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh chính của Xích Lô Đỏ là cắt tóc, làm đầu, gội đầu. Ngoài ra, công ty này còn đăng ký nhiều ngành, nghề khác như: Dịch vụ ăn uống; in ấn, cắt, xén giấy, đóng sách; tư vấn đầu tư; nghiên cứu thị trường; nhà hàng, phục vụ tiệc, hội họp, đám cưới; bán buôn, phục vụ đồ uống; bán buôn, bán lẻ thuốc lá, thuốc lào; quảng cáo; tổ chức hội nghị, hội thảo; xử lý dữ liệu; kinh doanh bất động sản, xây dựng.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2018 và 2019 của Xích Lô Đỏ đạt lần lượt là 26,6 triệu và 2,2 triệu đồng; mức lỗ tương ứng 62 triệu và 28 triệu đồng. Đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 463 triệu đồng trên vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Đến tháng 6/2020, Xích Lô Đỏ có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Sau đó 1 tháng, công ty đã tăng vốn lên 20 tỷ đồng. 

Mới đây, Nghị định 81 về điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, trong đó có quy định các công ty khi phát hành trái phiếu cần đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (gồm vốn góp chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận để lại cùng các quỹ khác được trích lập trong thời gian hoạt động). Tuy nhiên, đợt phát hành trái phiếu của Xích Lô Đỏ diễn ra trước ngày 1/9 với mức dư nợ trái phiếu gấp 36,9 lần vốn điều lệ.

Thực tiễn, thị trường trái phiếu trong thời gian vừa qua đã ghi nhận cuộc chơi của rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Công ty chứng khoán MB (MBS) dẫn số liệu thống kê của FiinPro cho thấy, có khoảng 11.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động với kỳ hạn bình quân 3,3 năm trong tháng 8/2020.

Trả lời phỏng vấn Reatimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi doanh nghiệp cần vốn thì trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn dễ dàng, nhất là khi các quy định về điều kiện phát hành loại hình đầu tư này đang thiếu đi sự chặt chẽ và kiểm soát.

TS Nguyen Tri Hieu
TS. Nguyễn Trí Hiếu

PV: Công ty Xích Lô Đỏ có ngành nghề kinh doanh chính là cắt tóc, gội đầu, làm đầu đã thông báo huy động thành công lô trái phiếu trị giá 738 tỷ đồng vào hồi cuối 8 vừa qua. Dư nợ trái phiếu cao gấp 36,9 lần so với vốn điều lệ. Ông bình luận như thế nào về lần phát hành trái phiếu thành công với quy mô lớn của doanh nghiệp này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đó là một trường hợp có lẽ đang rất phổ biến ở thời điểm hiện tại. Rất nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mạnh tay, coi đây là một kênh để huy động nguồn vốn lớn. Những lần phát hành trái phiếu đó đang thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Lẽ ra, việc phát hành trái phiếu của một doanh nghiệp phải được các cơ quan chức năng phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ, nhưng thực tế thì thị trường đang diễn ra tự phát.

Việc phát hành trái phiếu dễ dàng đến mức như thế này, giả sử tôi đang làm chủ sở hữu một doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tôi muốn huy động vốn và thông báo với công ty chứng khoán, đơn vị môi giới rằng, doanh nghiệp cần 1.000 trái phiếu và mỗi trái phiếu mệnh giá 1.000.000.000 đồng. Vậy là những tờ giấy được in ra đẹp đẽ, với giá trị tài sản lên tới 1.000.000.000 đồng. Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp tôi sẽ huy động được 1.000 tỷ đồng chỉ bằng những tờ giấy đẹp, không cần ai quản lý hay kiểm soát. Điều tôi muốn nói, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở Việt Nam quá dễ dàng.

PV: Trên góc độ đầu tư, đâu là những rủi ro có thể xảy ra, nhìn từ thương vụ phát hành trái phiếu khủng này của doanh nghiệp, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nghị định số 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực từ 1/9/2020 và quy định dư nợ trái phiếu phát hành ra không quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Nếu dựa trên quy định này, doanh nghiệp Xích Lô Đỏ có dư nợ trái phiếu gấp 36,9 lần so với vốn điều lệ, đó là chưa kể so với vốn chủ sở hữu, mức vốn thấp hơn vốn điều lệ.

Nhưng doanh nghiệp phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 738 tỷ đồng đã được thực hiện từ cuối tháng 8. Thực tế, trước khi Nghị định 81 có hiệu lực, số lượng trái phiếu phát hành tăng rất mạnh vào tháng 7, tháng 8. Các doanh nghiệp tranh thủ phát hành trái phiếu trước khi quy định mới siết lại điều kiện thực hiện.

Hiện tại, không rõ doanh nghiệp Xích Lô Đỏ phát hành trái phiếu có thông qua cơ quan chức năng có thẩm quyền hay không, hay phát hành riêng lẻ. Quan điểm của tôi thì đây là hình thức phát hành riêng lẻ, tức doanh nghiệp thông qua công ty chứng khoán để tìm trái chủ. Họ sẵn sàng chi trả một khoản tiền hoa hồng cho công ty chứng khoán. Bằng lãi suất cao hay hình thức ưu đãi hấp dẫn khác mà doanh nghiệp có thể dễ dàng thu hút các nhà đầu tư.

Điều này đặt ra rất nhiều rủi ro. Thứ nhất, một công ty có loại hình kinh doanh nhỏ lẻ, phức tạp với nhiều ngành nghề đưa ra lô trái phiếu có quy mô rất lớn. Thứ hai, doanh nghiệp này làm ăn chưa có lãi. Như vậy, trái chủ đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khi khả năng trả nợ của công ty này đang bị bỏ ngỏ.

Rất nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mạnh tay, coi đây là một kênh để huy động nguồn vốn lớn

PV: Mới đây, một chuyên gia kinh tế đã từng đặt ra quan ngại rằng: “Đại dịch chưa qua mà bong bóng tài sản đã tới thì đó là một thảm họa”. Nhìn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng quá nóng như hiện nay, theo ông, liệu rằng có đang xuất hiện dấu hiệu, nguy cơ xảy ra bong bóng tài sản?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trái phiếu là một tài sản khi người mua trái phiếu đã bỏ tiền ra đầu tư. Khi tài sản không có giá trị sẽ nổ ra bong bóng. Hiện tại, trái phiếu vẫn là một tài sản khi chưa đến hạn trả nợ. Nhưng nếu đến kỳ trả nợ, doanh nghiệp không thể thanh toán cho trái chủ thì trái phiếu trở nên vô giá trị. Khi đó, bong bóng tài sản đã xuất hiện. 

Hệ lụy xảy ra là rất lớn, không chỉ đối với nhà đầu tư mà còn với cả nền kinh tế. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp đang tạo ra tài sản ảo, không dựa trên căn cứ thực lực của mình, không đánh giá được tình hình kinh tế đang khó khăn. Bong bóng có thể nổ ra sớm khi thị trường đang “bội thực” trái phiếu.

PV: Thưa ông, ở các nước phát triển, đơn cử như Mỹ, doanh nghiệp sẽ phát hành trái phiếu ra sao?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp mạnh tay phát hành trái phiếu gia tăng mạnh trong một thời gian ngắn với cách thức rất dễ dàng chỉ bằng các chỉ số hấp dẫn như lãi suất cao không xảy ra ở Mỹ. Quan điểm đầu tư tại Mỹ rất khác, rất chặt chẽ và chuyên nghiệp. Một nhà đầu tư có tiền chỉ mua trái phiếu ở các tổ chức tài chính. Họ phải biết tổ chức tài chính đó như thế nào, báo cáo kết quả kinh doanh ra sao, khả năng hoạt động trong tương lai. 

Tuy nhiên, ở Mỹ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều được một công ty xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư căn cứ vào đó để quyết định mua trái phiếu hay không. Ví dụ như, với trái phiếu lãi suất cao thì rủi ro lớn, nhà đầu tư sẽ dựa trên đánh giá mức độ của công ty xếp hạng tín nhiệm. Cá nhân một nhà đầu tư rất khó đủ chuyên môn để thẩm định hoàn toàn tình hình tài chính của đơn vị phát hành.

Việt Nam đã có 2 công ty được cấp phép nhưng hoạt động vẫn còn đang bị giới hạn.

PV: Thị trường trái phiếu nên được kiểm soát như thế nào để giảm nguy cơ xảy ra bong bóng tài sản, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo quy định mới, từ ngày 01/01/2021, các doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các công ty chuyên nghiệp như công ty chứng khoán, ngân hàng... Các doanh nghiệp phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Hiện tại, tôi cho rằng, cần chặn ngay lại việc phát hành trái phiếu riêng lẻ tự phát mà không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Các doanh nghiệp muốn phát hành phải nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để nhận được sự kiểm duyệt cho phép phát hành. Khi cơ quan này chấp nhận, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu cho cá nhân được. Còn sau 01/01/2021 thì trái phiếu chỉ được phát hành cho các tổ chức có giấy phép.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top