Aa

Sa Pa đảo lộn vì khát nước: Người dân mua nước sinh hoạt với giá 500.000 đồng/m3

Thứ Hai, 22/04/2019 - 21:40

Hiện nguồn nước sinh hoạt tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai) bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến đời sống người dân và hoạt động du lịch bị đảo lộn, thậm chí giá nước sinh hoạt bị đẩy lên 500 nghìn/m3.

Từ đầu tháng 3, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Sa Pa bắt đã xảy ra, nhà máy xử lý nước Sa Pa chỉ cung cấp được 80% nhu cầu sử dụng của khách hàng. Trong khi đó, thống kê cho thấy vào những ngày đầu tuần, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thị trấn Sa Pa từ 4.000 – 4.500 m3/ngày. Riêng dịp cuối tuần và nghỉ lễ tăng lên 5.500 – 6.500 m3/ngày.

Đặc biệt, từ ngày 14/4 đến nay, do nguồn nước cạn kiệt, nhà máy xử lý nước Sa Pa chỉ cấp ra được hơn 3.000 m3/ngày, đạt 1/2 công suất nhà máy và chỉ đáp ứng được từ 50% nhu cầu sử dụng của khách hàng. Do thiếu nguồn nước thô phục vụ cho sản xuất nước sạch nên Nhà máy xử lý nước Sa Pa phải tiến hành cấp nước luân phiên theo giờ, ngày chia làm 2 lần từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Ngoài các khách sạn lớn có bể chứa nước lớn ít bị ảnh hưởng, còn lại hầu hết các khách sạn vừa và nhỏ trên địa bàn thị trấn Sa Pa đều gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Thậm chí, nhiều khách sạn phải đóng cửa không dám nhận khách dù mùa du lịch mới bắt đầu. Một số gia đình và nhà hàng, khách sạn tại thị trấn Sa Pa đã mua nước do các cá nhân vận chuyển từ nơi khác đến với giá từ 500 - 550 nghìn đồng/m3.

Người dân phải mua nước sinh hoạt với giá 500.000 đồng/m3

Người dân phải mua nước sinh hoạt với giá 500.000 đồng/m3

Nhiều người dân thị trấn Sa Pa và một số khách sạn tư nhân đã phải sử dụng đến cả các nguồn nước ngầm tự nhiên ở các khe nhỏ, còn nước để trở về nhà phục vụ sinh hoạt hoặc trực tiếp mang đồ ra giặt giũ. Theo nhiều người dân địa phương, mặc dù những nguồn nước này không chắc đã đảm bảo hợp vệ sinh nhưng trong thời điểm “cháy” như hiện nay vẫn phải sử dụng nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và kinh doanh hàng ngày.

Một lãnh đạo của Hiệp hội Du lịch Sa Pa chia sẻ: “Theo thông báo của Nhà máy nước Sa Pa thì tình trạng khan hiếm nước sẽ tạm thời chấm dứt khi trời đổ mưa nhưng từ giờ đến dịp nghỉ lễ 30/4, theo dự báo thời tiết có thể không có cơn mưa nào đủ lượng nước cung cấp cho cả thị trấn. Cao điểm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp đến, phần lớn lượng phòng nghỉ tại Sa Pa đã được đặt kín hết, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ đang thiếu nước trầm trọng, các hộ kinh doanh không dám nhận thêm khách. Nếu tình trạng này kéo dài và diễn ra trong dịp nghỉ lễ 30/4 thì sợ rằng sẽ “vỡ trận”.

Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, cho hay ở Sa Pa mùa này là rất thiếu nước, trước tình hình mất nước kéo dài từ đợt nghỉ lễ đến nay, huyện đã có chỉ đạo về cả kế hoạch trước mắt và dài hạn. Huyện đã yêu cầu công ty cấp nước thông báo hàng tháng nay cho người dân biết được lịch cấp nước và phải tiết kiệm tối đa ở mùa này.

Ông Phong cho biết: “Trước mắt, huyện đã chỉ đạo hỗ trợ cho người dân sinh sống, sản xuất ở vùng cấp nước cho đô thị chuyển đổi sang trồng trọt cây khác như ngô thay vì lúa để tiết kiệm lượng nước tưới tiêu để ưu tiên xử lý cấp nước cho đô thị. Ngoài ra, biện pháp dài hơi nữa là tỉnh đang xem xét phê duyệt cho Công ty Vinaconex vào đầu tư, xây dựng nhà máy nước từ vườn quốc gia. Dự kiến trong năm 2020 thì nhà máy này xây dựng xong và sẽ cung cấp nước đủ cho cả thị trấn Sa Pa và cả thị trấn Sa Pa mở rộng”.

Theo tìm hiểu, chi nhánh cấp nước Sa Pa hiện đang khai thác nước tại 4 nguồn: Thác Bạc, Suối Hồ 1, Suối Hồ 2, Nhà Pha với tổng công suất được phép khai thác là 6.460m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trong 4 nguồn nước này thì nguồn từ Nhà Pha và Suối hồ 1 đã cạn kiệt. Lượng nước về Hồ Thác Bạc cũng cạn dẫn đến khai thác không được nhiều. Duy nhất chỉ có nguồn Suối Hồ 2 có lượng nước tương đối lớn.

Thời gian gần đây, nhà máy không thể khai thác do người dân thôn Suối Hồ, xã Sa Pa tháo dỡ phai chắn để lấy nước sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tổng lượng nước thô khai thác để cung cấp cho nhà máy xử lý nước Sa Pa không đủ, dẫn đến lượng nước sạch cấp ra không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, khách sạn và hộ dân trên địa bàn thị trấn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top