Aa

Sắc đỏ áp đảo nhóm BĐS phiên 14/7, FLC tiếp tục bứt phá

Thứ Năm, 15/07/2021 - 06:00

TTCK biến động tiêu cực trong phiên 14/7 trước sự lao dốc của nhiều cổ phiếu lớn. Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động cũng không được tích cực khi sắc đỏ áp đảo hơn, trong đó ghi nhận nhiều mã giảm sâu.

Thị trường chứng khoán phiên 14/7 tiếp tục có những biến động rung lắc mạnh. Hai chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều khởi động phiên giao dịch theo cách tương đối tích cực khi sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn ở nhóm vốn hóa lớn, hai chỉ số này vì vậy cũng đều được kéo lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực bán vẫn còn lớn nên cả VN-Index và HNX-Index đều chỉ biến động hẹp sau đó. Trong khi ấy, UPCoM-Index giao dịch toàn thời gian của phiên ở mức đỏ.

Về cuối phiên sáng, áp lực bán tiếp tục bị đẩy lên mức cao và biến động của thị trường chung trở nên xấu hơn. Ngay sau giờ nghỉ trưa, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc và đẩy các chỉ số giảm sâu. VN-Index có lúc mất khoảng 32 điểm. Dù vậy lực cầu giá thấp vẫn tỏ ra rất “khỏe” nên sự hồi phục nhất định vẫn diễn ra. Trong đó, HNX-Index thậm chí còn đóng cửa phiên trong sắc xanh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 17,63 điểm (-1,36%) xuống 1.279,91 điểm. Toàn sàn có 138 mã tăng, 234 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng trở lại 0,15 điểm (0,05%) lên 296,84 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 89 mã giảm và 181 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,8 điểm (-0,93%) xuống 84,56 điểm.

Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 14/7.
Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 14/7. (Nguồn: Vietstock).

Bán lẻ, ngân hàng, chứng khoán và sản xuất phụ trợ là các nhóm ngành biến động tiêu cực nhất trong phiên 14/7. Nhóm ngân hàng có tác động mạnh nhất và khiến VN-Index giảm sâu. Trong đó, VIB bị kéo xuống mức giá sàn 44.400 đồng/cp, TCB giảm 5,4% xuống 51.000 đồng/cp, TPB giảm 5,2% xuống 33.000 đồng/cp, STB giảm 4,5% xuống 27.400 đồng/cp, ACB giảm 3,5% xuống 31.750 đồng/cp, MBB giảm 3,2% xuống 28.850 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 14/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Vietstock).

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế chung, trong đó, sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn ở nhóm này trong phiên 14/7. BCM bị kéo xuống mức giá sàn 48.650 đồng/cp, IJC giảm 6,4% xuống 22.000 đồng/cp, HQC giảm 3,4% xuống 3.120 đồng/cp, SCR giảm 2,7% xuống 9.050 đồng/cp, DRH giảm 1,7% xuống 8.500 đồng/cp.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Tấn Đạt Chủ tịch của DRH Holding (mã CK: DRH) với số tiền 55 triệu đồng. Ông Đạt đã bán 150.000 cổ phiếu DRH vào ngày 28/7/2020 nhưng không thực hiện báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 14/7.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Vietstock).

Ở chiều ngược lại, vẫn có khá nhiều cổ phiếu bất động sản tăng giá ở phiên này. FLC tiếp tục gây chú ý khi tăng mạnh 6,3% lên 11.800 đồng/cp. Ngoài ra, các cổ phiếu cùng họ FLC như AMD, ROS, ART... cũng đồng loạt tăng giá tốt.

Bên cạnh FLC, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như HDG, HPX, LHG, BII, KDH... cũng đồng loạt tăng giá. Ngoài ra còn phải kể đến giao dịch tích cực của các mã bất động sản vốn hóa lớn như VRE, THD hay PDR, trong đó, VRE tăng 1,4% lên 28.250 đồng/cp, THD tăng 0,2% lên 203.800 đồng/cp và PDR tăng 0,6% lên 87.500 đồng/cp.

Thanh khoản thị trường phiên 14/7 tăng so với phiên trước đó. Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường ở mức 19.600 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 15%. FLC vẫn là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 43,4 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại mua ròng trở lại gần 334 tỷ đồng trong phiên 14/7. Trong đó, VHM và VRE là hai mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với lần lượt 146 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Chiều ngược lại, có đến 4 mã bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại là NVL, KBC, VIC và FLC. Trong đó, NVL bị bán ròng 52,8 tỷ đồng, KBC là 46 tỷ đồng còn VIC và FLC bị bán ròng lần lượt 45 tỷ đồng và 16 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index giảm khá mạnh trong phiên này, rất may là thanh khoản tuy có tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn dưới mức trung bình cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh. Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn nghiêng về tiêu cực với việc VN-Index đóng cửa với 5 cây nến đỏ liên tiếp.

Trên góc nhìn sóng elliott, VN-Index tiếp tục di chuyển trong sóng điều chỉnh a sau khi đánh mất đường hỗ trợ MA20 ngày vào phiên 6/7 với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.210 điểm. Phiên giao dịch 15/7 là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 7/2021 nên những diễn biến bất ngờ trong phiên ATC là có thể xảy ra như những lần trước đó, nhà đầu tư cần lưu ý điều này để tránh bị động. Dự báo, trong phiên 15/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.260 - 1.300 điểm (fibonacci retracement 31,8% sóng tăng 5 - ngưỡng tâm lý).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top