Aa

Sắc đỏ chiếm ưu thế trong nhóm cổ phiếu BĐS phiên 13/5, NVL đi ngược

Thứ Sáu, 14/05/2021 - 06:00

VN-Index điều chỉnh trở lại khi áp lực bán mạnh xuất hiện vào cuối phiên. Nhiều cổ phiếu bất động sản giảm trước áp lực bán của thị trường chung.

Tương tự như các phiên trước, thị trường chứng khoán biến động giằng co quanh mốc tham chiếu ở khoảng thời gian đầu phiên. Chỉ số chính VN-Index có những đợt tăng, giảm điểm đan xen do sự phân hóa rất mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột.

Có thời điểm, VN-Index tăng mạnh trước sự bứt phá của nhiều cổ phiếu thuộc 2 nhóm ngành là ngân hàng và chứng khoán. Giống như các phiên trước, biến động mạnh tiếp tục xảy ra ở cuối giờ giao dịch nhưng điểm khác ở phiên 13/5 là đi theo chiều hướng tiêu cực. Áp lực bán bất ngờ dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu, điều này cũng khiến VN-Index đảo chiều và kết thúc phiên trong sắc đỏ. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với UPCoM-Index, trong khi đó, HNX-Index duy trì được sắc xanh nhờ lực đẩy rất mạnh đến từ SHB. Chốt phiên SHB tăng trần lên 26.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán như HCM, CTG, LPB, VPB… vẫn giữ được đà tăng đến cuối phiên nhưng lực đẩy phần nào bị suy yếu. HCM tăng 3,7%, CTG tăng 3,3%, LPB tăng 3,2%, VPB tăng 1,7%...

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 13/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó, VIC có tác động xấu nhất đến VN-Index khi giảm đến 2,5% xuống 48.000 đồng/cp, TCB giảm 2,5% xuống 48.000 đồng/cp. Các mã như CTD, HVN, BVH, GVR… cũng chìm trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 13/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ áp đảo hơn. Bên cạnh VIC, các mã lớn như VRE, VHM hay BCM cũng đồng loạt giảm giá. Cũng như các phiên trước, BCM có thời điểm giảm rất sâu trong phiên, tuy nhiên, cổ phiếu này trong khoảng thời gian cuối giờ giao dịch lại nhận được lực đỡ và chỉ giảm nhẹ. Chốt phiên, BCM giảm 0,4% xuống 54.50 đồng/cp. VRE và VHM giảm lần lượt 1% và 0,7%.

Các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ như TIG, FIT, NLG, LDG, ITA, IDC, PDR, HQC, KBC, TCH… đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, TIG giảm đến 5,3% xuống 14.400 đồng/cp, FIT giảm 2,9% xuống 10.050 đồng/cp, NLG giảm 2,9% xuống 38.500 đồng/cp.

Trong khi đó, NVL bất ngờ đi ngược lại xu hướng của nhóm bất động sản khi tăng đến 3,1% lên 134.000 đồng/cp. Việc NVL tăng mạnh là nhờ thông tin công ty này đã thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, NVL dự kiến phát hành gần 386 triệu cổ phiếu thưởng. Tỷ lệ phát hành 555:198, tương ứng cổ đông sở hữu 555 cổ phiếu được nhận về 198 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 3.860 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ thặng dư vốn cổ phần 3.970 tỷ đồng của công ty. Novaland sẽ dùng gần 3.860 tỷ đồng trong số này để phát hành cổ phiếu thưởng. Thời gian phát hành trong năm 2021.

Một số cổ phiếu bất động sản duy trì được sắc xanh, trong đó các mã thanh khoản cao như SCR, DXG, AGG, BII, ASM… đều tăng giá nhưng mức tăng không quá mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,1 điểm (-0,56%) xuống 1.261,99 điểm. Toàn sàn có 163 mã tăng, 254 mã giảm và 43 mã đứng giá. Trong khi đó, HNX-Index tăng 4,7 điểm (1,66%) lên 287,03 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 116 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,37%) xuống 81,17 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn HoSE và HNX tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 799 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 22.881 tỷ đồng. Điểm bất ngờ là không có bất kỳ cổ phiếu bất động sản nào lọt vào top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường phiên 13/5.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 13/5.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đến gần 1.200 tỷ đồng trong phiên 13/5. NVL và VIC là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại với lần lượt 130 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM đứng thứ 3 về giá trị mua ròng của khối ngoại toàn thị trường phiên 13/5 nhưng giá trị chỉ là 15 tỷ đồng. DXG và DIG cũng lọt vào top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với lần lượt 7,6 tỷ đồng và 6,7 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giằng co và rung lắc trong phiên 13/5 khi mà áp lực bán về cuối phiên đã làm VN-Index điều chỉnh. Thanh khoản có sự gia tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán gia tăng là không thực mạnh. Diễn biến trong phiên cuối tuần có thể gợi ý cho xu hướng trong tuần tới.

Trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường tiếp tục biến động trong khoảng giá 1.250 - 1.286 điểm tương ứng với vùng đỉnh tháng 4/2021 nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường bước sang sóng điều chỉnh a. Theo đó, trong phiên giao dịch cuối tuần 14/5, thị trường có thể tiếp tục giằng co và rung lắc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top