Thị trường chứng khoán biến động có phần giằng co, rung lắc ở đầu phiên 28/4, tuy nhiên, lực cầu nhanh chóng dâng cao và giúp các chỉ số hồi phục, đặc biệt là VN-Index. Chỉ số này giao dịch phần lớn thời gian còn lại của phiên ở sắc xanh dù có đôi lúc lùi gần về mốc tham chiếu.
Tương tự như các phiên trước, lực cầu vào cuối phiên dâng cao đã giúp các chỉ số đều kết thúc phiên trong sắc xanh. Đáng chú ý, các cổ phiếu lớn nhận được lực cầu vào cuối phiên đa phần nằm trong danh mục của FTSE Vietnam 30 Index, chính điều này khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng quỹ mô phỏng theo chỉ số này là Fubon FTSE Vietnam đã tiến hành giải ngân.
Các cổ phiếu tăng giá mạnh trong phiên 28/4 có GVR, NVL, STB, VRE, PLX, VIB, MBB… Trong đó, GVR bất ngờ được kéo lên mức giá trần 25.000 đồng/cp, NVL tiếp tục là điểm sáng của thị trường nói chung và nhóm bất động sản nói riêng, cổ phiếu này tăng 5,3% lên 128.000 đồng/cp. Đáng chú ý, phần lớn thời gian của phiên giao dịch, NVL giao dịch ở dưới mốc tham chiếu. NVL chỉ thực sự tăng giá khi bước gần về phía cuối phiên với lực cầu đột biến, đây cũng chính là cổ phiếu nằm trong danh mục của FTSE Vietnam 30 Index.
VRE cũng là một cổ phiếu bất động sản có mức độ ảnh hưởng lớn trong phiên 28/4 khi tăng 2,9% lên 31.500 đồng/cp. Động lực của VRE không chỉ đến từ việc quỹ Fubon giải ngân mà còn đến từ kết quả kinh doanh quý I mới được công bố. Ngày 27/4, VRE công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Tổng doanh thu thuần hợp nhất quý I/2021 đạt 2.226 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 781 tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, VHM hay THD cũng là các mã bất động sản lớn giao dịch theo chiều hướng tích cực. VHM tăng 0,9% lên 100.900 đồng/cp, còn THD tăng 0,2% lên 187.100 đồng/cp.
Chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ và tác động không tốt đến các chỉ số, trong đó, VNM giảm sâu 2,1% xuống 93.700 đồng/cp, MWG giảm 1,3% xuống 140.000 đồng/cp, VIC cũng giảm 0,5% xuống 131.500 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc xanh đã chiếm ưu thế hơn, trong đó, CRE và DRH bất ngờ được kéo lên mức giá trần. ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của DRH đã thông qua kế hoạch doanh thu 870 tỷ đồng, gấp 10 lần thực hiện năm trước; lợi nhuận 90 tỷ đồng, tăng 95%. Còn đối với CRE, doanh nghiệp này quý I báo doanh thu đạt 2.040,8 tỷ đồng bằng cả năm 2020 và hoàn thành 41% kế hoạch 2021. Lợi nhuận sau thuế của đơn vị này cũng tăng kỷ lục, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I là 122,6 tỷ đồng, hoàn thành 30,1% kế hoạch của năm. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuần của Cen Land tăng 656,7%, lợi nhuận sau thuế tăng 190,2%.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu thanh khoản cao như TNT, BII, ITA, FIT, IDC, HQC… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.
Chiều ngược lại, không nhiều mã bất động sản thanh khoản cao giảm sâu trong phiên 28/4. PDR gây chú ý khi nằm trong danh sách giảm giá nhưng mức giảm cũng chỉ 1% xuống 71.500 đồng/cp, KBC giảm 0,3% xuống 36.700 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,8 điểm (0,8%) lên 1.229,55 điểm. Toàn sàn có 280 mã tăng, 128 mã giảm và 46 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,51 điểm (0,54%) lên 282,07 điểm. Toàn sàn có 133 mã tăng, 78 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,71 điểm (-0,89%) xuống 80,12 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 15.920 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 675 triệu cổ phiếu. HQC, FLC và ITA là các mã bất động sản nằm trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường, trong đó, HQC khớp lệnh 52,8 triệu cổ phiếu, FLC và ITA khớp lệnh lần lượt 23,3 triệu cổ phiếu và 13,6 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch vẫn tích cực khi mua ròng 393 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, VHM được mua ròng mạnh nhất với 186 tỷ đồng. Các mã bất động sản như NVL, VIC hay FLC cũng được mua ròng mạnh. Trong khi đó, VRE, KDH và PDR đều là các mã bất động sản nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ có diễn biến giằng co với các nhịp biến động tăng giảm đan xen trong phiên kế tiếp. Chỉ số có thể thử thách vùng kháng cự 1.235 - 1.248 điểm. Ngày mai, các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của HoSE - Index sẽ đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu danh mục. Điều này có thể khiến các cổ phiếu thành phần trong các rổ chỉ số có biến động mạnh, qua đó gián tiếp tác động đến diễn biến của thị trường./.