Aa

Cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh trong phiên 27/4, NVL vẫn bứt phá

Thứ Tư, 28/04/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán biến động giằng co trong phiên 27/4 với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn. Các cổ phiếu bất động sản cũng có sự phân hóa mạnh trong đó NVL vẫn gây chú ý khi tiếp tục bứt phá.

Trước những biến động tiêu cực của phiên giao dịch ngày 26/4, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và điều này khiến thị trường biến động giằng co với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu ở phiên 27/4.

Sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã đẩy VN-Index đi theo đồ thị hình Sin. Các mã như PLX, PVD, GVR, VIB, BVH... đều chìm trong sắc đỏ và tạo áp lực rất lớn lên thị trường. Trong đó, PLX giảm đến 2,7% xuống 48.600 đồng/cp. Hôm 26/4, PLX đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, đơn vị này đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất tăng 9% lên 135.200 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 3.360 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm ngoái. Chính sách cổ tức dự kiến không thấp hơn 12%. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, công ty sẽ trả cổ tức 12%/VĐL. Ban lãnh đạo PLX cho biết dự kiến công ty sẽ thoái vốn tại PG Bank trong năm 2021.

Bên cạnh đó, PVD giảm sâu 2,3% xuống 18.700 đồng/cp, GVR giảm 1,3% xuống 23.400 đồng/cP, BVH giảm 0,9% xuống 56.900 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 27/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, sự bất ngờ diễn ra vào cuối phiên khi lực cầu ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng vọt và điều này giúp VN-Index đóng cửa phiên trong sắc xanh. Trong đó, MSN tăng 3,2% lên 98.000 đồng/cp, STB tăng 2,4% lên 23.100 đồng/cp, HPG tăng 2,2% lên 56.300 đồng/cp, ACB tăng 2,1% lên 34.000 đồng/cp...

Bên cạnh đó, HSG cũng tăng 4% lên 31.400 đồng/cp sau thông tin về kết quả kinh doanh quý II niên độ tài chính 2020-2021. Cụ thể, công ty ước sản lượng tiêu thụ quý II niên độ 2020-2021 đạt 542.532 tấn, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 10.846 tỷ đồng, tăng 88% và lãi sau thuế 1.035 tỷ đồng, gấp 5,1 lần. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp đạt sản lượng hơn 1 triệu tấn, tăng 54% và thực hiện 60% kế hoạch năm. Doanh thu 19.946 tỷ đồng, tăng 61% và thực hiện 60% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 1.607 tỷ đồng, gấp 4,2 lần và vượt 7% kế hoạch năm.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 27/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, NVL tiếp tục gây chú ý khi tăng 6,2% lên 121.500 đồng/cp và khớp lệnh 2 triệu đơn vị. Sáng 27/4, NVL tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, trong đó, công ty dự kiến doanh thu ước tính hơn 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận là khoảng 4.100 tỷ đồng, đặt mục tiêu bổ sung quỹ đất thêm 10.000ha trong 10 năm tới. Đồng thời, khởi động chiến lược lấn sân sang BĐS công nghiệp.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn khác trong nhóm bất động sản như VIC, VHM hay THD cũng kết thúc phiên trong sắc xanh. Trong đó, VIC tăng 0,5%, VHM tăng 0,4% còn THD tăng 0,1%. Trong khi đó, VRE đi ngược nhóm này khi giảm sâu 1,8% xuống 30.600 đồng/cp.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra rõ nét, trong đó, một số mã gây chú ý khi giảm sâu có HQC khi tiếp tục bị kéo xuống mức giá sàn 3.800 đồng/cp, FLC giảm 5,6% xuống 11.050 đồng/cp, HAR giảm 4,7% xuống 5.720 đồng/cp, PDR giảm trở lại 2,7% xuống 72.200 đồng/cp. Các cổ phiếu như LDH, HDC, KBC, DIG... đều chìm trong sắc đỏ.

Ở hướng ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giao dịch theo chiều hướng tích cực, trong đó, BII tăng 3,4% lên 9.100 đồng/cp, CRE tăng 2,3% lên 35.200 đồng/cp, DXG tăng 1,8% lên 22.950 đồng/cp, FIT tăng 1,3% lên 10.050 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,98 điểm (0,33%) lên 1.219,75 điểm. Toàn sàn có 190 mã tăng, 221 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,04%) xuống 280,56 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 114 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) xuống 79,41 điểm.

Thanh khoản giảm có thể là nguyên nhân khiến thị trường chỉ đi ngang quanh mốc tham chiếu trong phiên hôm nay, giá trị khớp lệnh chỉ còn trên 13.065 tỷ đồng. HQC và FLC là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất toàn thị trường, trong đó, HQC khớp lệnh 26,7 triệu cổ phiếu còn FLC là 20,6 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 27/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 430 tỷ đồng trong phiên 27/4, trong đó, NVL vẫn được khối ngoại mua ròng mạnh với 91 tỷ đồng, VHM, VIC và DXG cũng là các cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại. Chiều ngược lại, PDR, VRE và HDG nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường đã lấy lại sắc xanh trong phiên 27/4, thanh khoản giảm và hệ số tăng/giảm cũng đang kém đi với hiệu ứng sắp nghỉ lễ. Về kỹ thuật, thị trường vẫn dao động trên vùng đáy của nhịp tăng điểm, xu hướng tăng vẫn không thay đổi. Tuy vậy nhìn nhận thị trường một cách khách quan thì thị trường trong nước tiếp tục đi ngang trong khi thông tin hỗ trợ trong nước cũng không có gì mới. Với bối cảnh trong và ngoài nước như hiện nay thì khả năng tạo sóng tăng mới là chưa rõ ràng trong khi thị trường có khả năng có thể sẽ tiếp tục nhịp sideway (đi ngang) hẹp tích lũy trong khoảng từ 1.200-1.250 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top