Làm được nhiều việc trong năm 2019
ĐHĐCĐ thường niên trực tuyến của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (mã STB) vừa thông qua kế hoạch lợi nhuận 2020 và kết quả kinh doanh năm trước.
Báo cáo tại đại hội, HĐQT Sacombank cho biết, trong năm 2019 Sacombank ghi nhận sự tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động.
Cụ thể, tổng tài sản đạt hơn 453 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm, đạt 99,% kế hoạch. Huy động vốn tăng 11,9% đạt hơn 414 nghìn tỷ đồng, đạt 97,8% kế hoạch; dư nợ tín dụng tăng 15,3% đạt hơn 296 nghìn tỷ đồng, đạt 99,4% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,9%, giảm 0,22% so với mức 2,11% của năm trước đó, đạt kế hoạch cổ đông giao dưới 2%.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 43,2% đạt 3.217 tỷ đồng và sau thuế đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 37,1% so với năm 2018, đạt 121,4% kế hoạch. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn (ROE) lần lượt đạt 0,57% và 9,56%, tăng 0,11% và 0,28% so với năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.119 đồng, tăng 338 đồng so với năm trước. Các tỷ lệ an toàn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong năm qua, Hội đồng quản trị Sacombank cũng đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng do cổ đông giao, trong đó có việc kiến nghị NHNN chấp thuận phương án chi trả cổ tức cho cổ đông (trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại phù hợp với kết quả tài chính hàng năm nhằm nâng cao vị thế của Sacombank trên thị trường và đảm bảo hài hoà lợi ích của cổ đông). Tuy nhiên đến nay, Sacombank vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi. HĐQT cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiệm vụ này.
Báo cáo thêm về kết quả điều hành 2019, đại diện HĐQT cho biết, trong năm qua, hoạt động của ngân hàng và các công ty con đều cải thiện đáng kể so với các năm trước. Trong đó lợi nhuận của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản SBA tăng 60%; của công ty cho thuê tài chính SBL tăng 21%; của công ty kiều hối SBR tăng 109%; của công ty vàng bạc đá quý SBJ tăng 158%; Sacombank Lào lợi nhuận đạt 1 triệu USD. Riêng tình hình của Sacombank Campuchia đang nỗ lực xử lý và thu hồi nợ và phải trích lập dự phòng cao nên mức lợi nhuận bị âm 2,6 triệu USD, dự kiến năm 2020 sẽ xứt lý dứt điểm các khoản nợ xấu và có lợi nhuận dương trở lại.
Có thể thấy, trong năm 2019, theo lãnh đạo Sacombank, ngân hàng đã có những bước tiến vượt bậc và trở lại mạnh mẽ trên thị trường với thị phần được gia tăng, mạng lưới rộng mở, lợi nhuận trở về mức cao của nhiều năm.
Lộ trình tái cơ cấu có thể kết thúc trước 2 năm
Theo ban lãnh đạo STB, sau gần 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu (2016 - 2019), các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã có cải thiện đáng kể. Trong đó, số khách hàng tăng 62%, tổng tài sản từ 332.000 tỷ đồng tăng lên 432.000 tỷ đồng, tương mức mức tăng bình quân 11%/năm. Số lượng nhân viên tăng bình quân 4%/năm.
Lợi nhuận trước thuế từ 156 tỷ đồng tăng lên 3.217 tỷ đồng. Chỉ số ROA tăng từ 0,03% lên 0,57%, ROE bình quân tăng từ 0,4% lên 9,56%.
Do vậy, nếu khả quan thì lộ trình tái cơ cấu của Sacombank là 10 năm đến 2025 tuy nhiên đến năm 2023, ngân hàng này có thể trở lại tốp đầu các ngân hàng thương mại.
Báo cáo tại đại hội, đại diện ngân hàng cho biết, bước sang năm thứ 3 của đề án tái cơ cấu ngân hàng đã thu hồi và xử lý được 38.346 tỷ đồng các khoản nợ thuộc đề án; tài sản tồn đọng giảm 35,6% so với cuối năm 2016 và còn chiếm tỷ trọng 13,8% tổng tài sản.
Tuy vậy, Sacombank chưa đạt được mức tăng trưởng quy mô kinh doanh, dư nợ tín dụng như kế hoạch tại đề án do bị hạn chế về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Ngoài ra, tiến độ thu hồi và xử lý nợ xấu phụ thuộc vào thị trường bất động sản và các vướng mắc pháp lý tài sản đảm bảo chưa được tháo gỡ.
Lợi nhuận luỹ kế giữ lại 4.455 tỷ đồng
Trong năm 2019, HĐQT kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại. Tuy nhiên, ngân hàng chưa nhận được ý kiến phản hồi, HĐQT tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiệm vụ này.
Do vậy, lãnh đạo Sacombank trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 gồm trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5% lợi nhuận sau thuế, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng và phúc lợi cùng mức trích 10% và không chia cổ tức. Lợi nhuận lũy kế giữ lại ở mức 4.455,5 tỷ đồng.
HĐQT cho biết cố gắng hoàn thành lộ trình tái cơ cấu, kỳ vọng năm 2023 hoàn thành và có thể bàn đến chia cổ tức cho cổ đông.
Kế hoạch lãi giảm 20% do ảnh hưởng Covid-19
Do ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, lãnh đạo Sacombank đề ra kế hoạch tổng tài sản đạt 498.400 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động 452.400 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng 329.400 tỷ đồng, tăng đều khoảng 10%.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước. HĐQT cũng cho biết trong trường hợp dịch bệnh kiểm soát tốt hơn thì sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận bằng năm 2019.
Riêng 5 tháng đầu năm, hầu hết chỉ tiêu đều đạt hoặc vượt kế hoạch. Cụ thể, huy động tăng trên 5%, cho vay 4,8%, lợi nhuận đạt trên 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, chung tay cùng Chính phủ và ngành ngân hàng, trong năm 2020, Sacombank sẽ cân đối phù hợp giữa việc phát triển kinh doanh và điều tiết một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng, thông qua việc cơ cấu nợ cho hơn 25.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cung ứng gói cho vay ưu đãi lãi suất 10.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay mới từ 0,5 - 1%. Quá trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng phần nào gây ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng đáng kể, đó là lý do HĐQT trình kế hoạch lãi 2020 giảm 20% so với thực hiện năm trước.
Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu và 5 tháng đầu năm đã xử lý 9.700 tỷ đồng thì kỳ vọng cả năm sẽ thực hiện vượt xa kế hoạch.
Cổ phiếu đang dưới giá trị sổ sách
Nhiều cổ đông cho rằng, cổ phiếu STB đang ở mức thấp so với nhiều ngân hàng khác. Tuy vậy, HĐQT Sacombank cho biết năm vừa qua diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, đồng thời đầu năm dịch bệnh diễn ra khiến nhiều cổ phiếu lao dốc. Cổ phiếu STB giảm theo xuống vùng giá 7.000 đồng/cp và hiện nay đã phục hồi lên trên mệnh giá. Giá cổ phiếu hiện nay giao dịch dưới giá trị sổ sách khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu, thì đây có thể là cơ hội để đầu tư trong 2 hoặc 3 năm tới khi mà ngân hàng hoàn thành xong tái cơ cấu.
Về việc xử lý nợ xấu liên quan đến tài sản thế chấp Khu công nghiệp Phong Phú mà cổ đông thắc mắc, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đã tiến hành đấu giá, song, UBND TP.HCM yêu cầu dừng để kiểm tra cơ sở pháp lý. Sacombank đã rất hợp tác gửi hồ sơ pháp lý, khi Ủy ban thông qua sẽ tiến hành bán đấu giá lại.